Chùa Phụng Sơn (chùa Gò)

Thứ bảy - 09/07/2022 23:34    Đã xem: 59

Chùa Phụng Sơn (chùa Gò)

Chùa Phụng Sơn
Địa chỉ: Số 1408 đường 3 tháng 2, Phường 2, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh
Tham quan trực tuyến tại https://map3d.visithcmc.vn/chuaphungson



Chùa Phụng Sơn vốn là một am thờ do thiền Sư Liễu Thông xây dựng vào đẩu thế kỷ 19, trên nền của một ngôi chùa cổ. Tương truyền, thiền Sư Liễu Thông thấy một con chim phượng bay đến chùa, đậu trên cây ngô đồng và cất tiếng hót. Khi am được xây dựng lại thành chùa, Sư trụ trì đã đổi tên là chùa Phụng Sơn để ghi nhớ sự kiện này. Chùa nằm trên một gò cao nên còn có tên chùa Gò.

Chùa Phụng Sơn đã trải qua ba lần trùng tu lớn (1904, 1915, 1960) và hai lần khai quật khảo cổ trong vườn chùa (1988, 1991). Kết quả khai quật khảo cổ cho thấy dưới nền chùa có dấu tích của nền văn hóa óc Eo (thế kỷ 1 - thế kỷ 7).

Chùa Phụng Sơn có hai pho tượng Phật Thích Ca: một bằng đồng mang phong cách Thái Lan, đứng trên bệ ba tầng hình cánh sen; một bằng gỗ mang phong cách Nhật Bản trong tư thế ngồi thiền, hai bàn tay kết ấn, vai choàng Samghati. Ngoài ra, còn nhiều pho tượng cổ như: tượng Phật A Di Đà và Bồ tát Quan Thế Âm bằng đá trắng; tượng Thích Ca, tượng Linh Sơn Thánh Mẫu, tượng ông Địa bằng đồng; bộ tượng thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh bằng gỗ...

Chính điện có bộ tượng Di Đà Tam Tôn (gồm 3 vị A Di Đà, Quan Thế Âm, Đại Thế Chí), bộ tượng 5 vị bồ tát trong tư thế cưỡi thú và tượng chân dung hai vị trụ trì là Huệ Minh và Huệ Thành bằng gỗ...

Kiến trúc chùa Phụng Sơn mang đậm tính dân tộc thể hiện qua các cột bằng gỗ. Bên trái chùa là nhà khách chạy dài ra phía bàu sen. Đặc biệt có cây bạch mai (mai trắng), hoa rất thơm; đây là giống mai quý nên chùa Phụng Sơn còn có tên chùa Mai Khâu. Chùa thể hiện nét đan xen giữa Phật giáo và các tín ngưỡng dân gian qua trang thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, Quan Thánh Đế Quân, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu ở gian chính điện và miếu thờ ông Tà trong vườn chùa.

Chùa Phụng Sơn được Bộ Văn hóa xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 1288-VH/QĐ ngày 16 tháng 11 năm 1988.
Trích trong quyển “Hành trình di sản Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh” NXB  Thông Tấn, tháng 7 năm 2011

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

slide_right
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây