Chùa Giác Viên

Thứ ba - 28/06/2022 23:22    Đã xem: 67

Chùa Giác Viên

Chùa Giác Viên
Địa chỉ: Số 161/35/20 đường Lạc Long Quân, Phường 3, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh


Chùa Giác Viên có lịch sử hình thành gắn liền với chùa Giác Lâm. Năm 1798 khi trùng tu chùa Giác Lâm, gỗ được đưa về bến Hố Đất, cách chùa khoảng 2km. Người phụ trách đèn nhang chùa Giác Lâm đã dựng một am thờ Quan Âm tại bến gỗ. Khi chùa Giác Lâm làm lễ lạc thành vào năm 1804, am thờ Quan Âm được sửa chữa lại thành Quan Âm các. Năm 1850, hòa thượng Hải Tịnh đã xây dựng chùa Giác Viên trên nền Quan Âm các.
 
Chùa Giác Viên

Chùa Giác Viên đã qua các đời trụ trì: Minh Vi, Minh Khiêm (đời thứ 38 dòng Lâm Tế), Như Nhu, Như Phòng (đời thứ 39), Hồng Dung, Hồng Từ (đời thứ 40), Nhật Xuân (đời thứ 41). Hòa thượng trụ trì hiện tại thuộc đời thứ 42.
 
Nơi thờ các vị Tổ trụ trì chùa Giác Viên
Nơi thờ các vị Tổ trụ trì chùa Giác Viên

Chùa đã qua nhiều lần trùng tu lớn vào những năm 1899 - 1902; 1908 - 1910. Dù vậy, chùa vẫn giữ được nét cổ kính với bộ khung cột gỗ, vì kèo gỗ, mái lợp ngói âm dương. Mặt bằng kiến trúc của chùa được thiết kế chặt chẽ, các thành phần kiến trúc chính điện, tổ đường, giảng đường, trai đường, đông lang, tây lang có tỉ lệ hài hòa về diện tích cũng như chiều cao.

Nét nổi bật ở chùa Giác Viên là nghệ thuật điêu khác tượng tròn và nghệ thuật chạm khắc gỗ. Hiện nay ở chùa có 153 tượng tròn chất liệu gỗ, tập trung nhiều ở chính điện, các tượng có tỉ lệ cân đối, hài hòa, đường nét mềm mại, chân dung mang nhiều sắc thái người bản địa.
Bàn thờ A La Hán và Minh Vương
Chính điện Chùa Giác Viên
Chính điện Chùa Giác Viên

Nghệ thuật chạm khắc gỗ được thể hiện trên các câu đối chạm chìm vào thân cột và trên hơn 60 bức bao lam trang trí khắp nơi trong chùa. Đạt giá trị nghệ thuật cao là hai bao lam cửa, cùng chạm trổ đề tài Thập bát La Hán thượng kỳ thú (18 vị La Hán ngồi trên các con vật linh thiêng) nhưng ở mỗi bức các vị La Hán lại được thể hiện khác nhau với những con vật khác nhau. Các bao lam khám thờ được đánh giá cao qua các đề tài chạm trổ: Ngư ông đắc lợi, Võ Tòng đả hổ, Tô Vũ chăn dê, Lã Vọng câu cá... kết hợp với cây trái Nam bộ như mãng cầu, sầu riêng, xoài... Có bao lam được chạm giống nhau ở hai mặt cho thấy tài hoa của nghệ nhân đất Gia Định. Đặc biệt bao lam “bá điểu” được xem là “mẫu mực điển hình nhiều mặt của nghệ thuật chạm lộng gỗ ở thành phố Hồ Chí Minh”, thể hiện gần một trăm con chim, từ phượng hoàng, công, trĩ đến chim sẻ, chào mào, le le...

Chùa Giác Viên là một trung tâm ứng phú của vùng Gia Định cuối thế kỷ 19 do Thiền sư Hải Tịnh đứng ra tổ chức. Chùa cũng là một trung tâm in ấn, trùng khắc kinh sách Phật giáo trên bản gỗ, hiện nay nhiều bản in còn được giữ tại chùa.

Ngày 7 tháng 11 năm 1993, Bộ Văn hóa đã ban hành Quyết định số 43-VH/ QĐ xếp hạng chùa Giác Viên là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

 
Trích trong quyển “Hành trình di sản Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh” NXB Thông Tấn, tháng 7 năm 2011

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

slide_right
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây