SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
3
9
2
5
6
6
Tin tức sự kiện 30 Tháng Tư 2020 5:35:00 CH

Chuyện kể nhân ngày Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020) (Kỳ 5)

 

Phỏng vấn ông Đào Thanh Uyên, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy Quận 11

“Quận 11 – một chặng đường xây dựng, từng bước ổn định và phát triển”

 

Trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, cùng với cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh, Quận 11 đã phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và đạt được những thành tựu nổi bật trên mọi lĩnh vực, từng bước đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên; hệ thống chính trị không ngừng lớn mạnh. Từ những kết quả trên đã làm cho bộ mặt quận nhà khang trang hơn, từng bước hoàn toàn đổi mới về mọi mặt. Nhân kỷ niệm 45 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi có dịp được trò chuyện với ông Đào Thanh Uyên, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy Quận 11 khóa X nhiệm kỳ 2010 – 2015, gắn bó với Quận 11 từ những năm 1982 đến khi ông về hưu vào năm 2014, 32 năm làm công tác tuyên huấn, là người đã chứng kiến nhiều đổi thay trên địa bàn quận 11. Cuộc trò chuyện của chúng tôi xoay quanh một số thay đổi của quận nhà trong thời kỳ lịch sử 1975-2020.

 

Phóng viên: Thưa ông Đào Thanh Uyên, 45 năm qua là một chặng đường khá dài và để lại nhiều dấu ấn trên địa bàn quận 11, là một trong những người đã chứng kiến và tham gia đóng góp vào thành quả chung của Đảng bộ và chính quyền để xây dựng và phát triển quận 11 đến ngày hôm nay, xin ông đánh giá lại sơ nét về quận 11 trong 45 năm qua?

 

Ông Đào Thanh Uyên: Giai đoạn 30/4/1975, tôi nhớ lúc đó tôi còn trong quân đội, sau giải phóng tôi được cử đi học đại học, mãi đến năm 1982 thì hoàn tất chương trình học đại học, khi học xong tôi được cử về công tác tại Ban tuyên giáo Quận ủy quận 11. Lúc đầu khi mới về nhận công tác tại quận 11, lúc bấy giờ đường sá khu vực quận 11 còn khá lầy lội, ao tù nước đọng, khu vực quận 11 vẫn còn 2 nghĩa địa lớn mang tên Nhị tỳ Quảng Đông và nhị tỳ Phú Thọ. Thành phố và Quận đã quyết tâm cải tạo lại nơi nay, kết quả là Nghĩa trang Quảng Đông ngày xưa đã được sửa chữa, cải tạo, đầu tư xây mới và mọc lên một khu dân cư sầm uất. Nay là khu cư xá Bình Thới khang trang sầm uất bây giờ đấy. Nghĩa trang Phú Thọ bây giờ là khu vực Phường 5 của quận mình, bây giờ là tuyến đường Lạc Long Quân đấy, vào thời điểm lúc bấy giờ phần lớn các ngõ hẻm chưa được tráng bê tông nhựa, và thậm chí rất nhiều hồ, những khu mà bây giờ gọi là ổ chuột ấy, không có nhà vệ sinh, rồi công viên Văn hoá Đầm Sen lúc bấy giờ rất sơ sài, là một nơi ao tù, nước đọng, đầy bình bát, đầy rau muống.

 

Ông Đào Thanh Uyên – nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy Quận 11 khóa X nhiệm kỳ 2010-2015

Hơn ba mươi mấy năm tôi công tác thì có thể nói là quận 11 đã khoác lên mình một diện mạo hoàn toàn mới, từ một quận vùng ven tôi nhớ không nhầm là quận 11 ra đời năm 1969, là một vùng ven sình lầy nước đọng, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu kém, cho đến hôm nay, quận 11 đã trở thành một quận nội đô khang trang, đẹp đẽ. Bây giờ các thế hệ trẻ tầm 8x, 9x trở về sau này chắc không còn biết thế nào thì Nhị tỳ Quảng Đông, Nhì tì Phú Thọ, và khó có thể mà hình dung khu sình lầy Đầm Sen ngày cũ thế nào. 

Bây giờ khu sình lầy ngày cũ đã hiện diện một khuôn viên văn hóa đẹp đẽ, là khu vực công viên Văn hoá Đầm Sen khang trang ngày hôm nay, hàng năm vẫn thu hút lượng lớn khách thập phương tới đây tham quan, vui chơi giải trí. Nói về việc sắp xếp đơn vị hành chính, ngày xưa quận 11 có 21 phường bây giờ quận 11 còn 16 phường, hầu như đường sá đều được nâng cấp, sửa chữa, cải tạo và đầu tư xây mới.

Hiện nay chúng ta đang đi trên đường Lê Đại Hành thì chúng ta không tưởng tượng được quang cảnh thời kỳ mới bắt đầu xây dựng quận 11 là như thế nào. Trước đây cả cái khu trường đua Phú Thọ lụp xụp, toàn dân ngụ cư ở các nơi về chiếm. Khu tạm cư trước đây dần được thay thế thành những trung tâm thương mại Lotte Mart, Flemington sang trọng, đẹp đẽ. Có thể nói rằng, 45 năm qua, diện mạo quận 11 đã vươn lên một tầm cao mới, cơ sở hạ tầng được cải thiện đáng kể, các chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị được triển khai, các tuyến đường tuyến hẻm được mở rộng thông thoáng, những khu nhà ổ chuột đã được giải tỏa… đã làm cho bộ mặt của quận nhà ngày một khang trang hơn. Nếu người nào đi xa quận 11 mấy chục năm quay trở về sẽ ngỡ ngàng trước những thay đổi đó.

Một minh họa cụ thể khác, như trước đây chợ Bình Thới là nơi chiếm dụng một phần đường Xóm Đất, rất luộm thuộm, lôi thôi, nhưng bây giờ chợ Bình Thới được xây mới hoàn chỉnh, có lồng chợ thoáng, khang trang sạch sẽ. Một điều đáng nói nữa là trước đây hệ thống cơ sở các trường tiểu học, trung học cơ sở ở quận 11 rất yếu. Trước Giải phóng quận 11 chỉ có vài trường học nhưng hiện nay đã xây dựng được nhiều trường học, và các Cụm trường học như: Cụm trường Mầm non Quận – Trường THCS Chu Văn An – Trường Tiểu học Lạc Long Quân – Trường THPT Nguyễn Hiền, nhiều trường cấp 2 được cải tạo vào đầu tư xây mới hoàn toàn khang trang, sạch đẹp như trường Lê Anh Xuân, trường Lữ Gia hay trường Lê Quý Đôn... Tôi nhớ không lầm thì hiện nay có tầm hơn 40 trường mầm non, mẫu giáo, hơn 20 trường tiểu học trên địa bàn, lãnh đạo quận luôn quan tâm đầu tư cho giáo dục, là một trong những đơn vị dẫn dầu thành phố về tỷ lệ trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục.

Nói về lĩnh vực y tế, trước đây là quận 11 không có bệnh viện, chỉ có những phòng khám đa khoa nhỏ. Mạng lưới y tế của quận đã nhanh chóng phát triển đến tận cơ sở nhằm chăm lo sức khỏe cho nhân dân lao động. 45 năm qua, y tế quận 11 có nhiều thay đổi rất lớn. Bây giờ theo tôi được biết, Bệnh viện Quận 11 là 1 trong 4 bệnh viện tuyến quận có thương hiệu, tiếng vang về điều trị, xử lý thành công nhiều ca bệnh khó, phức tập cho bệnh nhân được khen thưởng của Sở Y tế thành phố. Điều đáng khen của Bệnh Viện Quận hiện nay đã hình thành nhiều khoa phòng có đầy đủ các khoa chạy thận hoặc là làm các phẫu thuật khó tương đương với các bệnh viện cấp tỉnh các địa phương rồi. Ngoài ra, Trung tâm y tế dự phòng cùng các trạm y tế của phường được nâng cấp, được xây dựng lại khang trang, đều có các bác sĩ chăm lo sức khoẻ của bà con lao động trên địa bàn các phường. Lãnh đạo quận luôn tập trung chỉ đạo đầu tư cho Bệnh viện quận, Trung tâm y tế, Trạm y tế phường để cải tiến và đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn. Chính những tiền đề này đã tạo ra nội lực để ngành y tế quận 11 cùng với ngành y tế thành phố và cả nước chúng ta vượt qua dịch Covid-19 thật sự hiệu quả.

Về công tác xây dựng Đảng, hiện nay toàn Đảng bộ quận có hơn 4.000 đảng viên, con số cụ thể thì tôi không nhớ chính xác được và 16 Đảng bộ phường. Công tác xây dựng Đảng luôn được lãnh đạo quận quan tâm và là một trong những Quận luôn được Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá là một Đảng bộ đoàn kết vững mạnh, góp phần vào công tác xây dựng Đảng chung của thành phố và cả nước. Nhìn lại 45 năm qua thì quận 11 từ một quận vùng ven lầy lội, sình lầy và đông dân ngụ cư, chủ yếu là đồng bào người hoa buôn bán nhỏ lẻ. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự tập trung cao của cả tập thể lãnh đạo quận qua các thời kỳ, Đảng bộ quận 11 đã lãnh đạo nhân dân quận 11 xây dựng, củng cố chính quyền, phát triển kinh tế, hoàn thiện bộ máy cải cách hành chính, chỉnh trang và cải thiện bộ mặt đô thị của quận nhà, phát triển kinh tế theo hướng thương mại dịch vụ, từng bước xây dựng quận 11 ngày càng ổn định và phát triển.

 

Chia tay đồng chí Đào Thanh Uyên, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ đồng chí Huỳnh Văn Cang, nguyên Chủ tịch UBND Quận nhiệm kỳ I,II (Tại đại hội Ban chấp hành Đảng bộ khóa II nhiệm kỳ 1980-1981 đã bầu đồng chí Huỳnh Văn Cang là Phó Bí thư Quận ủy – Chủ tịch UBND Quận). Bác Tư Cang chia sẻ: “Từ 1980-1983, sau ba năm nỗ lực phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ II, Đảng bộ và nhân dân quận 11 đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các mặt của đời sống xã hội. Trong đó rõ nhất là trên lĩnh vực sản xuất và đời sống: giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận quan trọng lao động chưa có việc làm, trong đó có nhiều người từ vùng kinh tế mới trở về; giữ vững an ninh, góp phần vào thắng lợi chung của thành phố. Có được những kết quả đó là do Đảng bộ đã vận dụng đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào tình hình thực tế của địa phương. Sau này, tôi được Thành ủy điều động lên làm Giám đốc Sở lao động thương binh xã hội TPHCM. Tuy nhiên vẫn dành nhiều tình cảm cho quận 11. Từ bài học kinh nghiệm qua 45 năm xây dựng, phát triển và hội nhập cùng với những cơ hội lớn đan xen những thách thức, tôi tin tưởng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quận 11 sẽ tiếp tục xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thực hiện nhiều giải pháp phù hợp phát huy thế mạnh tiềm năng của quận nhà thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2020-2025 để phấn đấu xây dựng Quận 11 năng động, hiện đại, văn minh, nghĩa tình và ngày càng phát triển”.

Có thể nói 45 năm qua (1975-2020) là một chặng đường đã để lại nhiều dấu ấn của sự thay đổi lớn trên địa bàn quận, những thành tựu, kinh nghiệm của Đảng bộ và nhân dân Quận 11 đạt được trong 45 năm qua chính là sự chuẩn bị tiền đề cho quận tiếp tục phát triển, hòa nhịp cùng thành phố tiến tới xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, văn minh – hiện đại – nghĩa tình.

 

 


Số lượt người xem: 1563    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA