SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
3
2
4
7
0
6
Tin tức sự kiện 30 Tháng Chín 2019 1:45:00 CH

Hỏi - Đáp về Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019

NỘI DUNG HỎI - ĐÁP

Điều tra thu thập thông tin về thực trạng

kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019

 

Kính thưa quý độc giả!

            Để đáp ứng hệ thống thông tin, số liệu thống kê phản ánh thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về công tác dân tộc cũng như đánh giá và xây dựng các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số của nước ta, ngày 05 tháng 01 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 02/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số.

            Thực hiện Quyết định số 02/QĐ-TTg, Tổng cục Thống kê phối hợp với Uỷ ban Dân tộc thực hiện cuộc Điều tra thu thập thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số lần thứ hai trong tháng 10 năm 2019.

Tổng cục Thống kê và Uỷ ban Dân tộc xin giới thiệu tới Quý độc giả một số nội dung cơ bản của cuộc Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 qua chuyên mục “Hỏi và Trả lời”.

 

1. HỎI:

            Mục đích của cuộc Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 là gì?

TRẢ LỜI:

Nước ta có 54 dân tộc, trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số, 53 dân tộc còn lại là dân tộc thiểu số. Đồng bào các dân tộc thiểu số ở nước ta chủ yếu cư trú ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và biên giới, nơi có vị trí chiến lược nhưng cũng khó khăn về kinh tế - xã hội. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn và phát huy bản sắc của dân tộc mình. Tuy nhiên, thông tin để phục vụ đánh giá tình hình, hoạch định chính sách cho phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu. Vì vậy Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở và điều kiện sống của hộ dân tộc thiểu số và các điều kiện kinh tế - xã hội khác nhằm phản ánh thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số để biên soạn các chỉ tiêu thống kê về dân tộc phục vụ xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025;

 2. HỎI:

            Cơ quan nào chịu trách nhiệm thực hiện cuộc Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019?

TRẢ LỜI:

Theo Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 05/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số, Tổng cục Thống kê chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các bộ ngành, cơ quan liên quan tổ chức điều tra thu thập thông tin. Ủy ban Dân tộc theo dõi, giám sát, tiếp nhận và sử dụng thông tin, số liệu của cuộc điều tra từ Tổng cục Thống kê.

3. HỎI:

            Cuộc điều tra được tiến hành theo thời điểm và thời gian nào?

TRẢ LỜI:

Thời điểm điều tra là 0 giờ ngày 01/10/2019.

Thời gian thu thập thông tin tại các hộ dân tộc thiểu số và tại Uỷ ban nhân dân cấp xã bắt đầu từ ngày 01/10/2019, kết thúc chậm nhất vào ngày 31/10/2019.

4. HỎI:

            Đơn vị điều tra trong cuộc Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 là gì?

TRẢ LỜI:

Đơn vị điều tra gồm:

- Hộ dân cư người dân tộc thiểu số (hay còn gọi là hộ dân tộc thiểu số). Hộ bao gồm một người ăn riêng, ở riêng hoặc một nhóm người ăn chung và ở chung. Đối với hộ có từ 02 người trở lên, các thành viên trong hộ có thể có hay không có quỹ thu chi chung; có hoặc không có mối quan hệ ruột thịt, hôn nhân hay nuôi dưỡng; hoặc kết hợp cả hai;

            - Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 và Quyết định số 103/QĐ-TTg ngày 22/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ; các xã không thuộc các khu vực trên nhưng có địa bàn vùng dân tộc thiểu số.

5. HỎI:

            Trong cuộc điều tra này, khái niệm địa bàn vùng dân tộc thiểu số được hiểu như thế nào?

TRẢ LỜI:

Trong cuộc điều tra này, địa bàn vùng dân tộc thiểu số được quy định là địa bàn có số lượng người dân tộc thiểu số đang sinh sống chiếm từ 30% trở lên so với tổng số dân của địa bàn đó.

6. HỎI:

            Thế nào là hộ dân tộc thiểu số?

TRẢ LỜI:

Trong cuộc Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, hộ dân tộc thiểu số được quy định là hộ dân cư đáp ứng ít nhất một trong ba điều kiện sau:

(1) Chủ hộ là người dân tộc thiểu số;

(2) Vợ hoặc chồng của chủ hộ là người dân tộc thiểu số;

(3) Hộ có tỷ lệ thành viên là người dân tộc thiểu số chiếm từ 50% trở lên.

7. HỎI:

            Cuộc Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 được thực hiện trong phạm vi nào?

TRẢ LỜI:

Cuộc Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 được tiến hành tại 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm 51 tỉnh có xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 và Quyết định số 103/QĐ-TTg ngày 22/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ và 03 địa phương có các xã có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống là thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Long An và tỉnh Bình Dương.

8. HỎI:

            Trong cuộc điều tra này có phải tất cả hộ dân tộc thiểu số đều được điều tra hay không?

TRẢ LỜI:

Đối với dân tộc thiểu số có quy mô dân số dưới 10 nghìn người trên toàn quốc và sống trong địa bàn vùng dân tộc thiểu số thì sẽ tiến hành điều tra toàn bộ những hộ thuộc nhóm dân tộc thiểu số này; những hộ dân tộc thiểu số khác từ 10 nghìn người trở lên sống trong địa bàn vùng dân tộc thiểu số thì được điều tra chọn mẫu. Chỉ có hộ dân tộc thiểu số được chọn mẫu thì mới được điều tra, những hộ dân tộc thiểu số sống ngoài vùng dân tộc thiểu số hoặc trong vùng dân tộc thiểu số nhưng không được chọn mẫu thì không thuộc phạm vi điều tra.

9. HỎI:

            Trong cuộc điều tra này, những xã/phường/thị trấn không có địa bàn vùng dân tộc thiểu số nhưng lại là xã phường, thị trấn thuộc khu vực III, II, I theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 và Quyết định số 103/QĐ-TTg ngày 22/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ thì có được điều tra phiếu xã hay không, nếu có thì lý do tại sao?

 TRẢ LỜI:

Những xã/phường/thị trấn không có địa bàn vùng dân tộc thiểu số nhưng là xã/phường/thị trấn thuộc khu vực III, II và I theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 và Quyết định số 103/QĐ-TTg ngày 22/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ thì vẫn được điều tra phiếu xã nhằm để thu thập thông tin về thực trạng hạ tầng kinh tế - xã hội của các vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giúp cho Đảng và Nhà nước xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở những địa phương còn rất nhiều khó khăn này.

10. HỎI:

            Cuộc Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 thu thập những thông tin gì?

TRẢ LỜI:

Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 sẽ thu thập những thông tin sau:

Đối với hộ dân tộc thiểu số, sẽ thu thập các nhóm thông tin chính sau:

1. Thông tin chung về dân số gồm: số người, giới tính, tuổi, dân tộc, tôn giáo, tình hình hình sử dụng bảo hiểm y tế, tiêm chủng đối với trẻ em, tình trạng khuyết tật, tình trạng di cư, trình độ giáo dục và đào tạo, khả năng nói và viết tiếng phổ thông, tiếng dân tộc, tình trạng hôn nhân, lao động việc làm;

2. Thông tin về lịch sử sinh của nữ vị thành niên từ 10-14 tuổi và phụ nữ từ 15-49 tuổi;

3. Thông tin về người chết của hộ;

4. Thông tin về nhà ở và điều kiện sinh hoạt của hộ;

5. Thông tin về số lượng và từng loại gia súc chủ yếu của hộ;

6. Thông tin về đất ở và đất sản xuất của hộ;

7. Thông tin về nhu cầu vay vốn ưu đãi của hộ;

8. Thông tin về tình hình văn hóa - xã hội và tiếp cận các dịch vụ công cộng của hộ.

Đối với Uỷ ban nhân dân cấp xã, sẽ thu thập những thông tin sau:

-        Thông tin chung về đặc điểm của xã;

-        Thông tin về cơ sở hạ tầng và thông tin;

-        Thông tin về trường học và trình độ giáo viên;

-        Thông tin về chợ, y tế và vệ sinh môi trường;

-        Thông tin về số lượng cán bộ, công chức cấp xã;

-        Thông tin về tôn giáo và tín ngưỡng.

 

11. HỎI:

             Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 thuộc loại điều tra thống kê nào?

TRẢ LỜI:

Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 là cuộc điều tra chọn mẫu. Quy mô mẫu được phân bổ bảo đảm mức độ đại diện đến cấp huyện về một số chỉ tiêu nhân khẩu học của các dân tộc nói chung và từng dân tộc thiểu số chủ yếu trong huyện nói riêng. Riêng đối với dân tộc thiểu số có quy mô dân số dưới 10.000 người trên toàn quốc, sẽ tiến hành điều tra toàn bộ những hộ thuộc nhóm dân tộc thiểu số này tại địa bàn vùng dân tộc thiểu số.

12. HỎI:

            Các phương pháp thu thập thông tin trong Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 là gì?

TRẢ LỜI:

Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 sử dụng hai phương pháp thu thập thông tin như sau:

(*) Đối với hộ dân cư: thực hiện phương pháp phỏng vấn trực tiếp. Điều tra viên thống kê sẽ đến trực tiếp từng hộ để hỏi người cung cấp thông tin và và ghi đầy đủ các câu trả lời vào phiếu điều tra điện tử được thiết kế trên thiết bị di động – máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh.

(*) Đối với Uỷ ban nhân dân xã/phường/thị trấn: thực hiện cung cấp thông tin trực tuyến. Đại diện UBND xã/phường/thị trấn hoặc người am hiểu thông tin của xã, phường/thị trấn sẽ tự cung cấp thông tin về phiếu xã trên trang thông tin điện tử của Điều tra dân tộc thiểu số. Người cung cấp thông tin Phiếu xã được cấp tài khoản và mật khẩu để đăng nhập và cung cấp thông tin.

13. HỎI:

            Đối với những người tạm vắng trong suốt thời gian điều tra thì thu thập thông tin như thế nào?

TRẢ LỜI:

Chủ hộ hoặc người am hiểu về các thành viên trong hộ sẽ cung cấp thông tin về những người tạm vắng cho điều tra viên thống kê, nếu chủ hộ không nắm được thông tin về nghề nghiệp, trình độ giáo dục đào tạo, chuyên môn kỹ thuật hoặc nơi làm việc của người tạm vắng và các thông tin khác thì điều tra viên thống kê có thể liên lạc với người đó qua điện thoại để thu thập thông tin.

14. HỎI:

            Pháp luật hiện hành của nước ta quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê như thế nào?

 

TRẢ LỜI:

            Theo Điều 33 Luật Thống kê quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được điều tra Thống kê như sau:

1. Tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê có các quyền sau đây:

a) Được thông báo về quyết định, mục đích, yêu cầu, phạm vi, nội dung chủ yếu và thời hạn của cuộc điều tra;

b) Được bảo đảm bí mật thông tin đã cung cấp cho điều tra viên thống kê theo quy định tại Điều 57 của Luật này;

c) Khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về điều tra thống kê.

2. Tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê có các nghĩa vụ sau đây:

a) Cung cấp thông tin trung thực, chính xác, đầy đủ và đúng thời hạn theo yêu cầu của điều tra viên thống kê hoặc cơ quan tiến hành điều tra thống kê;

b) Không được từ chối hoặc cản trở việc cung cấp thông tin điều tra thống kê;

c) Chịu sự kiểm tra của cơ quan tiến hành điều tra thống kê và thanh tra chuyên ngành thống kê về thông tin đã cung cấp.

15. HỎI: Những thông tin cá nhân mà người dân cung cấp cho điều tra viên thống kê có được giữ kín không, có dùng cho các mục đích khác không?

TRẢ LỜI:

            Điều 57 Luật Thống kê quy định về bảo mật thông tin thống kê nhà nước như sau:

            1. Các loại thông tin thống kê Nhà nước phải được giữ bí mật gồm:

            a) Thông tin gắn với tên, địa chỉ cụ thể của từng tổ chức, cá nhân, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân đó đồng ý hoặc luật có quy định khác;

            b) Thông tin thống kê chưa được người có thẩm quyền công bố;

            c) Thông tin thống kê thuộc danh mục bí mật Nhà nước.

            2. Việc bảo mật thông tin thống kê Nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật.

            Do vậy, thông tin cá nhân mà người dân cung cấp trong Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số chỉ được dùng để tổng hợp chung vào thông tin của các cấp: huyện, tỉnh và Trung ương chứ không dùng cho bất kỳ mục đích nào khác.

16. HỎI:

            Khi cần tìm hiểu thêm thông tin liên quan tới cuộc Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 có thể hỏi ở đâu?

 TRẢ LỜI:

Trường hợp cần tìm hiểu thông tin liên quan đến cuộc Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 quý thính giả liên hệ với Tổng cục Thống kê theo địa chỉ sau:

Địa chỉ: số 54, Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

Điện thoại đường dây nóng: 18009050.

Email: TKDSLD@gso.gov.vn.

Tổng cục Thống kê hoan nghênh tinh thần hợp tác và giúp đỡ của tất cả người dân, chính quyền các cấp và các đơn vị điều tra để cuộc Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 được thực hiện thành công./.

 

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1591    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA