SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
3
1
1
8
5
4
Tin tức sự kiện 15 Tháng Mười Một 2018 10:00:00 SA

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giáo dục “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”

Hàng năm, cứ vào ngày 20/11, tất cả giáo viên, học sinh và nhân dân ta hân hoan đón mừng ngày Nhà giáo Việt Nam. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta rất coi trọng sự nghiệp Giáo dục – Đào tạo, coi đó là một trong những quốc sách hàng đầu của chiến lược phát triển đất nước, đầu tư cho nguồn lực, nhân tố con người. Nhớ ngày Nhà giáo Việt Nam là nhớ đến sự nghiệp trồng người” của Đảng ta, Nhà nước ta, Nhân dân ta. Ngày 20/11 -  Ngày Nhà giáo Việt Nam, được xã hội tôn vinh, sự nghiệp giáo dục - đào tạo được mở rộng và xã hội hoá, phong trào khuyến học lan rộng và đạt được nhiều thành tựu khích lệ.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói: con người sinh ra vốn thiện, về sau trở thành người tốt hay người xấu, thiện hay ác, phần lớn là do giáo dục tốt hay không tốt. Câu thơ của Bác nói về vấn đề này, hầu như ai cũng một lần đọc qua: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”. Để nhấn mạnh vai trò của giáo dục, Bác Hồ còn nói thêm: “Óc những người trẻ tuổi sạch như tờ giấy trắng. Nhuộm xanh thì nó sẽ xanh. Nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ. Vì vậy sự học trong nhà trường có ảnh hưởng rất lớn cho tương lai của thanh niên”. Sự học vô cùng quan trọng đối với con người. Hơn thế nữa, càng quan trọng vô cùng đối với một dân tộc. Bác Hồ đã từng nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần ở công học tập của các em”. Lời dạy của Bác Hồ về sự hình thành và phát triển nhân cách của con người dưới sự ảnh hưởng của giáo dục, là sự chiêm nghiệm về con người. Bác cho rằng: khi mới sinh ra con người ta vốn mang bản chất là tốt nhưng chỉ sau khi ảnh hưởng phần nhiều của sự giáo dục và môi trường sống cùng sự phấn đấu, rèn luyện của mỗi cá nhân mà hình thành những con người thiện, ác khác nhau. Đó là sự tác động, sự giáo dục của xã hội cùng với khả năng và sự tiếp nhận của mỗi cá nhân đã làm nên bản chất thiện hay ác của mỗi con người trong xã hội. Đó là quá trình tương tác qua lại liên tục giữa một bên là xã hội và một bên là cá nhân. Người không hoàn toàn tuyệt đối hoá vai trò tác động của xã hội hay vai trò tiếp nhận của cá nhân trong quá trình này. Điều quan trọng tùy từng điều kiện cụ thể với từng cá nhân cụ thể mà vai trò đó được thể hiện ở các mức độ khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau. Khi nói về sự tác động của xã hội, Bác Hồ nhấn mạnh đến vai trò giáo dục của xã hội, nhất là với lớp người trẻ, để mỗi con người trở thành một người thiện, một công dân tốt, có ích cho xã hội thì sự tác động của xã hội, đặc biệt là quá trình giáo dục có một ý nghĩa thật to lớn.

Hiện nay, mục tiêu chiến lược của sự nghiệp giáo dục – đào tạo của nước ta là: “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” – Đó cũng là quốc sách mà toàn dân tộc chung tay thực hiện mới có khả năng trở thành hiện thực. Trong sự nghiệp giáo dục – đào tạo thì vai trò, vị trí của đội ngũ thầy cô giáo và học sinh là trung tâm. Chức năng của người thầy, việc học của học sinh được mở rộng vừa dạy chữ, vừa dạy người, dạy nghề; học sinh được giáo dục toàn diện: học đi đôi với hành, gắn giáo dục với hướng nghiệp và thực tiễn cuộc sống, giáo dục truyền thống gắn với tham gia công tác xã hội … Mối quan hệ giữa người thầy và trò càng gắn bó chặt chẽ thì sự học càng phát triển tốt đẹp.

Trong mắt nhìn của học sinh: Thầy, cô là tấm gương về sự mẫu mực, toàn vẹn để học sinh tin yêu, kính trọng, nhờ cậy và noi theo; xã hội, cha mẹ học sinh luôn có ý thức trách nhiệm giáo dục học sinh phải gìn giữ nêu cao truyền thống tôn sư trọng đạo, hết lòng xây dựng sự nghiệp giáo dục, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của người thầy; phê phán những biểu hiện sai trái xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm người thầy. Con cái được theo học thầy cô mẫu mực là phúc lớn của cả gia đình. Đối với đội ngũ thầy cô giáo thì: “Không gì có thể thay thế được nhân cách người thầy trên bục giảng và trong giao tiếp xã hội, sư phạm”. Đối với học sinh thì: Những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, gần gũi và được sự dạy bảo, hướng dẫn của thầy cô là quãng thời gian tươi đẹp, hồn nhiên nhất của một đời người. Những cử chỉ, lời nói của Thầy Cô có sức ảnh hưởng lớn đến nhân cách học sinh! Do vậy làm được người Thầy, người Cô là cả một sự phấn đấu nghiêm túc và thường xuyên.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giáo dục và đào tạo sẽ định hướng cho các giải pháp xây dựng đội ngũ nhà giáo vững mạnh: nhà giáo dạy học và giáo dục học sinh bằng toàn bộ nhân cách của mình; không gì có thể thay thế được nhân cách phẩm giá của người thầy, cô giáo trong sự nghiệp trăm năm trồng người, sự nghiệp đào tạo thế hệ cách mạng kế tục, như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các nhà giáo Việt Nam.

- Kỷ niệm 36 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2018) -


Số lượt người xem: 2253    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA