Nhớ lời Bác dạy thanh niên
Trong thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp mừng xuân độc lập đầu tiên, tháng 1/1946, Bác viết: “Một năm khởi đầu bằng mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Rõ ràng Người dành rất nhiều mong mỏi cho thế hệ thanh niên.
Trong các bài viết của mình, Bác luôn đề cập đến vai trò, vị trí của thế hệ trẻ đối với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Ngày 17/8/1947, trong “Thư gửi các bạn thanh niên”, Bác viết: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên.” Theo Bác, thanh niên có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của đất nước. Thanh niên tốt thì đất nước mới tốt. Chính vì thế Bác luôn nhắc nhở: “Thanh niên bây giờ là thế hệ vẻ vang, vì vậy cho nên phải tự giác, tự nguyện mà tự động cải tạo tư tưởng của mình để xứng đáng với nhiệm vụ của mình. Tức là thanh niên phải có đức, có tài.”
Có thể thấy Bác rất quan tâm đến việc học tập, tu dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ của thanh niên. Người chỉ rõ: “Nhiệm vụ chính của thanh niên, học sinh là học. Học để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh tức là để làm trọn nhiệm vụ người làm chủ nước nhà”.
Bên cạnh học tập, Người cũng căn dặn thanh niên rèn luyện đạo đức Cách mạng, Người nói “Đạo đức Cách mạng” có thể tóm tắt trong mấy điểm:
Trung thành: Trọn đời trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Tổ quốc, với Đảng, với giai cấp.
Dũng cảm: Không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện “Gian khổ thì đi trước, hưởng thụ sau mọi người”.
Khiêm tốn: Không nên tự cho mình là người tài giỏi, không khoe công, không tự phụ”.
Nhớ về Bác, nhớ về 5 điều căn dặn của Người trong “Thư gửi thanh niên” ngày 2/9/1965:
Một là: Phải luôn luôn nâng cao chí khí cách mạng “trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Không sợ gian khổ, hy sinh, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất và anh dũng chiến đấu, xung phong đi đầu trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.
Hai là: Phải tin tưởng sâu sắc ở lực lượng và trí tuệ của tập thể, của nhân dân. Tăng cường đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau. Nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật. Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tự do.
Ba là: Luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn và giản dị. Chống kiêu căng, tự mãn. Chống lãng phí, xa hoa. Thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh, để giúp nhau cùng tiến bộ mãi.
Bốn là: Ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, khoa học kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân.
Năm là: Luôn luôn chú ý dìu dắt và giáo dục thiếu niên và nhi đồng, làm gương tốt về mọi mặt cho đàn em noi theo”.
Có thể nói, việc chăm sóc, giáo dục và rèn luyện thanh niên là công việc không ngừng nghỉ của Bác. Trước khi ra đi, Bác đã căn dặn: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”…”. Những nhìn nhận và đánh giá của Người như nhắn gửi ở lớp lớp thế hệ thanh niên về niềm tin, trí tuệ và sự sáng tạo cho một xã hội mới của dân tộc.
Kỷ niệm 128 năm ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2018), những lời Bác dạy thanh niên vẫn âm vang theo chiều dài lịch sử dân tộc, mỗi năm lại thấm sâu qua từng lớp thanh niên và lan tỏa rộng khắp những trái tim trẻ. Để rồi mỗi năm mừng tuổi Bác, chúng con - thế hệ thanh niên có thể kiêu hãnh trước tấm gương vị cha già dân tộc rằng: thanh niên chúng con đã và đang nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách để học tập, rèn luyện và trưởng thành, có đầy đủ bản lĩnh để bất cứ hoàn cảnh nào cũng sẵn lòng cống hiến một cách xứng đáng nhất, thực hiện tốt nhất tinh thần: “Đâu cần thanh niên có. Đâu khó có thanh niên”.