SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
4
8
6
2
3
0
Tin tức sự kiện 05 Tháng Hai 2018 4:15:00 CH

Đến với các “Địa chỉ đỏ” để bồi đắp, nuôi dưỡng tình cảm, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 để lại nhiều bài học, kinh nghiệm. Trong đó, việc thiết lập cơ sở cách mạng vững chắc trong dân là một trong những bài học quý báu nhất. Cội nguồn của sức mạnh Việt Nam trong cả cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trong sự kiện Mậu Thân chính là Việt Nam có chính nghĩa, có sức mạnh của nhân dân.

Đúng như lời dạy của Bác Hồ: “Gốc có vững, cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Quân đội ta, cán bộ, chiến sĩ ta, thời kỳ đầu mới thành lập, thiếu thốn, lương thực. Người dân trồng được củ khoai cũng mang cho ăn, rồi hòa nhập vào đời sống của nhân dân, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nhân dân. Nhà cửa, tài sản của dân mà chiến sĩ cần làm công sự thì dân cũng cho. Trước Tết Mậu Thân, mỗi gia đình đã dành 5-6 lon gạo để vào hũ gạo nuôi quân, sau đó cứ mỗi tuần lại góp thêm một lần. Ở các huyện đều thành lập đội cung cấp chuyên lo việc huy động lương thực, thực phẩm trong dân phục vụ tổng tiến công và nổi dậy. Ở Củ Chi, đồng bào đã gấp rút thu mua, quyên góp lương thực, thực phẩm, thuốc men... và chuyển ra các kho hậu cần của ta. Bà con trong ấp chiến lược sẵn sàng đóng góp, nhiều người còn tự nguyện và khôn khéo vận chuyển ra ngoài an toàn trước sự canh phòng dày đặc và nghiêm ngặt của kẻ thù. Nếu không có nhân dân ủng hộ, hỗ trợ và làm tai mắt, thì cán bộ cách mạng không thể nắm được tình hình, bộ đội không thể vượt qua các tuyến ngăn chặn dày đặc của địch để vào thành phố, không thể ém quân bí mật trong lòng thành phố, ở những vị trí ngay gần cơ quan đầu não của địch, không thể có khối lượng lớn về vũ khí để chiến đấu. Chính nhân dân đã hết lòng ủng hộ cách mạng, tham gia tích cực vào công cuộc chuẩn bị và tham gia chiến đấu, góp phần làm vô hiệu hóa các cơ quan tình báo khổng lồ của địch.

Trong những năm kháng chiến, chống Mỹ, ngay giữa lòng Sài Gòn đã có một loại hình căn cứ đặc biệt cắm sâu trong lòng địch. Đó là hậu phương nhưng đồng thời cũng là trận tuyến, nơi các chiến sĩ cách mạng sống và chiến đấu. Đó là các “căn cứ lòng dân”. Lực lượng an ninh Sài Gòn - Gia Định khi đó đã xây dựng căn cứ chính trị khắp các quận nội thành và tập trung nhất ở quận 4, quận 8, quận Gò Vấp, Bàn Cờ, Bảy Hiền (Tân Bình), khu vực chợ Bà Chiểu, Hàng Xanh, Cầu Bông (quận Bình Thạnh ngày nay), khu Xóm Chùa, Tân Định (quận 1)... Chính người dân đã che giấu, đùm bọc, chở che, nuôi giấu các cán bộ, chiến sĩ để biến nơi đây thành căn cứ xây dựng. Các nơi này trở thành nơi đứng chân của các lực lượng an ninh khu vực, điệp báo, trinh sát vũ trang, nơi tập kết đi lại, giao liên bàn đạp, nơi ém quân, chuẩn bị, tích trữ vũ khí, đạn dược cho các trận đánh diệt ác trong nội thành. Người dân đã chiến đấu một cách thầm lặng, nhiều người trong số đó cũng chịu biết bao cực hình tra tấn trong nhà tù, liên lụy đến cả gia đình nhưng họ không hề hé môi về những chiến sĩ, những tổ chức mà họ nuôi giấu, chở che. Căn cứ lòng dân không chỉ là căn hầm che giấu, là những người bảo vệ trong, ngoài. Căn cứ lòng dân còn là nơi để người cán bộ an ninh hòa vào trong nhân dân, từ đóng vai rồi thật sự trở thành những người con của các ba, các má, trở thành người anh, người chị của các thành viên trong gia đình. Dân là cái nôi cách mạng. Lòng dân là lòng trời. Không có dân là không giành được thắng lợi. Lòng dân chính là căn cứ vững chắc nhất và là một trong những yếu tố quan trọng đưa đến thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, với thế trận lòng dân, nhiều nhà dân đã trở thành nơi cất giấu vũ khí, nuôi giấu cán bộ và ngày nay trở thành những “địa chỉ đỏ” của cách mạng.

Kỷ niệm 50 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 (1968 – 2018), nhằm giáo dục truyền thống yêu nước vĩ đại của nhân dân ta, thiết nghĩ, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội của thành phố, của các quận – huyện cần tìm hiểu, tham vấn, đi tiền trạm, thâm nhập các “địa chỉ đỏ” trên địa bàn thành phố để biết, để hiểu thêm một cách sâu sắc về các địa chỉ đỏ, qua đó hướng dẫn đoàn viên, hội viên, thanh thiếu niên đến tham quan, tìm hiểu lịch sử, ý nghĩa. Đó là cách giáo dục truyền thống cách mạng trực quan, sinh động, giúp các em thẩm thấu, ghi nhớ; qua lời giới thiệu, trình bày, minh họa của hướng dẫn viên và các hiện vật lịch sử, sẽ tưởng tượng được một thời hào hùng, gian khổ trong chiến đấu giữ nước của quân và dân ta; để tự hào, tri ơn sâu sắc sự cống hiến, hy sinh to lớn của thế hệ cha ông, để thế hệ trẻ hôm nay có được cuộc sống hạnh phúc, thanh bình; đồng thời nuôi dưỡng ý chí, hoài bão sống xứng đáng và kế thừa sự nghiệp của cha anh. Hành trình đến với “địa chỉ đỏ” Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, sẽ giúp cho thế hệ trẻ đi và đến, đến để hiểu, để giữ vững và phát huy truyền thống dựng nước, giữ nước của cha anh xây dựng quê hương giàu mạnh, phát triển.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có rất nhiều “địa chỉ đỏ” của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968: Di tích hầm chứa vũ khí bí mật tại căn nhà số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3; căn nhà số 183/4 đường 3/2, phường 11, quận 10; bia tưởng niệm các chiến sĩ Đội 5 biệt động Khu Sài Gòn – Gia Định đã hy sinh khi đánh thẳng vào Dinh Độc Lập tại 108 Nguyễn Du, quận 1; cơ sở Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam bộ tại 51/10/14 Cao Thắng, phường 3, quận 3 – đây là nơi đồng chí Lê Thị Riêng – Trưởng Ban Phụ vận được bố trí về ở và hoạt động cách mạng năm 1967; Di tích lịch sử Quốc gia: Hầm bí mật in tài liệu của Ban Tuyên huấn Hoa vận, số 314/10 Gia Phú, quận 6; Di tích lịch sử quốc gia: Hầm chứa vũ khí thời kháng chiến chống Mỹ nhà số 183/4 đường 3/2, quận 10; Di tích lịch sử cấp thành phố: Cơ sở bí mật của Thành ủy Sài Gòn – Gia Định, nhà số 91 Phạm Văn Chí, phường 1, quận 6; Di tích lịch sử cấp thành phố: Quán nước giải khát Nhan Hương - Thảo Cầm Viên Sài Gòn, số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1; Di tích lịch sử quốc gia: Trụ sở Bộ chỉ huy tiến phương Phân khu 6 (số 7 Lý Chính Thắng, phường 8, quận 3); Di tích Hộp thư bí mật của Biệt động Sài Gòn, số 113A Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1 …

Mỗi di tích, địa chỉ đỏ là nơi ghi dấu ấn lịch sử về cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành phố, thể hiện tinh thần đấu tranh bền bỉ, kiên cường, tinh thần dũng cảm, khát vọng tự do, độc lập của toàn thể dân tộc, nhân dân thành phố, góp phần bồi đắp, nuôi dưỡng tình cảm, giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng tự hào về trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc, thể hiện sự tri ân đối với những thế hệ người đi trước, cũng như sự tiếp nối của thế hệ trẻ hôm nay trong việc lưu truyền, giữ gìn các di tích lịch sử.

 


Số lượt người xem: 2336    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA