SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
4
0
9
9
5
0
Tin tức sự kiện 08 Tháng Hai 2018 3:05:00 CH

Phỏng vấn Phó Chủ tịch UBND Quận 11 về Chương trình “Giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016-2020

CHO CẦN CÂU HƠN CHO CON CÁ

Được biết Chương trình “Giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016-2020, là một trong hai chương trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận đề ra, tập trung thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phát huy tốt vai trò của cả hệ thống chính trị để thực hiện chương trình; từng bước cải thiện và nâng cao mức sống của các hộ nghèo, gia đình chính sách, đảm bảo giảm nghèo bền vững. Nhân dịp Xuân Mậu Tuất 2018 sắp đến, Ban Biên tập Tổ tin Quận 11 đã có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch UBND quận ông Trần Phi Long về một số vấn đề liên quan đến kết quả đạt được của địa phương trong 02 năm qua khi triển khai thực hiện chương trình trọng điểm “Giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016-2020.

 

Phóng viên: Thưa ông, với cương vị là một cán bộ lãnh đạo phụ trách chương trình “Giảm nghèo bền vững” của Quận, xin ông cho biết một số nhận xét sau 02 năm thực hiện chương trình này?

Phó Chủ tịch Trần Phi Long: Qua 02 năm thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, tuy tình hình kinh tế - xã hội của Quận vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với sự chỉ đạo tập trung, quyết tâm của Quận ủy, Ủy ban nhân dân quận, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ quận đến cơ sở. Ban giảm nghèo bền vững các phường đã xác định đúng thực trạng nghèo, nhu cầu cần hỗ trợ của từng hộ nghèo, hộ cận nghèo; từ đó đã tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp, trợ giúp, vì vậy đã tác động trực tiếp giúp cho hộ dân vượt chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn Quận. Các nguồn vốn cho vay ưu đãi đáp ứng được nhu cầu vay vốn làm ăn của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động nghèo được quan tâm đẩy mạnh, đạt và vượt kế hoạch hàng năm. Các chiều thiếu hụt của hộ nghèo như: chiều giáo dục - đào tạo, chiều nhà ở, nước sạch, chiều y tế, chiều việc làm, chiều tiếp cận thông tin đều giảm nhiều so với năm đầu triển khai Chương trình giảm nghèo bền vững. Đa số hộ nghèo, hộ cận nghèo có quá trình và tích lũy được kinh nghiệm qua các giai đoạn giảm nghèo của Thành phố và có ý chí tự vươn lên, ngày càng chủ động tiếp cận các chính sách hỗ trợ giảm nghèo nên luôn an tâm và tổ chức tốt cuộc sống, vượt nghèo và tự nguyện xin ra khỏi chương trình để các chính sách xã hội tiếp tục giúp các hộ nghèo khác có hoàn cảnh khó khăn hơn. Ban giảm nghèo bền vững quận đã thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo thực hiện có hiệu quả chương trình và đã mang lại kết quả nhất định. Từ những kinh nghiệm trong thực hiện chương trình giảm nghèo qua các giai đoạn, để giảm nghèo bền vững, phải triển khai thực hiện giải pháp “3 nắm, 3 giúp”. 3 nắm là nắm được hoàn cảnh sống, thu nhập, nhu cầu của hộ nghèo; từ đó, triển khai “3 giúp”, đó là giúp vốn để làm ăn, giúp giới thiệu học nghề hoặc tìm việc làm, giúp kinh nghiệm sản xuất – kinh doanh. Bên cạnh đó, các phường cũng đã triển khai thực hiện giải pháp “Tổ chức, cá nhân giúp hộ nghèo”. Thông qua giải pháp này, đã có nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo nhận được sự giúp đỡ kịp thời như: học sinh được tặng học bổng, phương tiện đi học với quan điểm “Không để bất cứ con em hộ nghèo nào phải nghỉ, bỏ học vì hoàn cảnh kinh tế của gia đình gặp khó khăn”; nhiều hộ nghèo được nhận trợ cấp hàng tháng, sửa chữa, nâng cấp nhà ở, được trao tặng ti vi, điện thoại, xe gắn máy… nhằm từng bước cải thiện việc thiếu hụt các chiều xã hội, nâng cao mức sống, điều kiện sống của gia đình. Tiếp tục thực hiện xã hội hóa công tác giảm nghèo, tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động các tập thể, cá nhân ủng hộ “Quỹ Vì người nghèo” để xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa, trao học bổng, trợ cấp khó khăn hàng tháng cho các hộ nghèo bị bệnh nan y, tặng ti vi, các phương tiện nghe nhìn, xe đạp, tặng sổ tiết kiệm, bữa cơm từ thiện… Tổng kinh phí chăm lo bình quân hàng năm trên 7 tỷ đồng. Hội Liên hiệp Phụ nữ quận tổ chức phong trào phụ nữ giảm nghèo, tạo việc làm mới, ổn định cuộc sống, tiếp tục thực hiện cho phụ nữ nghèo vay vốn từ nguồn Ngân hàng chính sách xã hội, vốn tín dụng tiết kiệm, vốn xoay vòng trong cán bộ, hội viên. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã xây dựng phong trào giúp nhau làm ăn bằng nhiều hình thức thiết thực. Liên đoàn Lao động tiếp tục thực hiện Chương trình “Cùng công nhân vượt khó”… bình quân hàng năm trợ vốn cho trên 850 lượt người với số tiền trên 9 tỷ đồng. Bên cạnh việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, công tác tuyên truyền vận động được xác định có ý nghĩa quan trọng, thông qua công tác tuyên truyền làm cho mọi người hiểu về chuẩn nghèo thành phố, cũng như lộ trình, chính sách và giải pháp giảm nghèo theo từng giai đoạn. Qua đó, đã tạo được sự chuyển biến trong cấp ủy chính quyền địa phương, cán bộ, nhân dân, tạo được sự đồng tình ủng hộ, thu hút được sự tham gia của quần chúng nhân dân, các tổ chức kinh tế xã hội. Đồng thời cũng làm chuyển biến nhận thức của các hộ nghèo trong chương trình về ý nghĩa tự vươn lên thoát nghèo, khắc phục tư tưởng trông chờ vào các chính sách xã hội, ỷ lại vào sự hỗ trợ của chương trình, từ đó tích cực tìm việc làm, vay vốn để mở rộng sản xuất – kinh doanh. Kết quả cho đến nay, 30 hộ gia đình chính sách đã vượt chuẩn cận nghèo Thành phố giai đoạn 2016-2020; Các phường 4, 5, 7, 8, 9, 10 và 16 hoàn thành chỉ tiêu phường không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo Thành phố giai đoạn 2016-2020; Phường 15 là phường đầu tiên của Thành phố và Quận không còn hộ cận nghèo theo chuẩn cận nghèo Thành phố giai đoạn 2016-2020.

Ông Trần Phi Long - Phó Chủ tịch UBND Quận 11

 

Phóng viên: Trong 02 năm qua, chương trình Giảm nghèo bền vững tại địa phương đã mang lại những kết quả rất đáng trân trọng và tự hào. Để đạt được thành tựu này là cả một quá trình phấn đấu nỗ lực với tinh thần trách nhiệm cao của Đảng bộ, chính quyền, mặt trận, đoàn thể ở các cấp, các ngành của quận và cộng đồng dân cư tại địa phương, nhất là bản thân người nghèo - hộ nghèo và hộ cận nghèo, nhân tố có tính quyết định nhất. Thưa ông, bên cạnh những mặt đạt được, xin ông cho biết vẫn còn những mặt hạn chế tồn tại nào trong quá trình thực hiện chương trình?

Phó Chủ tịch Trần Phi Long: Bên cạnh, những mặt đạt được vẫn còn những hạn chế như: Công tác giải ngân cho hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa được tập trung đẩy mạnh, có một số phường ngại cho vay vốn sẽ phát sinh nợ quá hạn nên dẫn đến việc tồn Quỹ giảm nghèo còn cao. Quy trình giải ngân tại một số phường chưa chặt chẽ nên đã xảy ra trường hợp cho vay Quỹ giảm nghèo không đúng đối tượng (hộ vay không có mã số hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ vượt chuẩn cận nghèo). Một bộ phận hộ nghèo diện khó khăn đặc biệt (già yếu, bệnh tật, không có lao động, hộ có người mắc bệnh nan y…) không thể tự làm việc tạo nguồn thu nhập mà phải có sự trợ giúp của Nhà nước và cộng đồng. Bên cạnh đó, vẫn còn một số hộ nghèo có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của chương trình, chưa chí thú làm ăn hoặc không muốn ra khỏi chương trình. Thực hiện việc kéo giảm các chiều xã hội có tăng theo từng năm, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ chi tiêu đặt ra, tuy nhiên chiều thiếu hụt về BHXH rất khó thực hiện, mặc dù Quận, Phường thường xuyên tổ chức tuyên truyền đến người dân; Công tác phối hợp tổ chức học nghề, giới thiệu việc làm chưa được phường và hộ nghèo, hộ cận nghèo quan tâm đúng mức, vẫn còn tình trạng lao động trong hộ nghèo muốn có thu nhập ngay từ các việc làm phổ thông, chưa muốn học nghề nên công tác đào tạo nghề vẫn chưa thực hiện có hiệu quả.

 

Phóng viên: Thưa ông, như vậy thì trong thời gian tới, Quận ủy – HĐND - UBND cũng như Ban chỉ đạo giảm nghèo của Quận sẽ tập trung thực hiện những mục tiêu, giải pháp như thế nào để hoàn thành kết hoạch cho năm 2018 của chương trình?

Phó Chủ tịch Trần Phi Long: Tập trung đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, hộ cận nghèo; triển khai thực hiện kịp thời và đầy đủ các chính sách đãi xã hội, tập trung chăm lo, hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Phấn đấu đến tháng 10/2018, Quận hoàn thành chỉ tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo Thành phố giai đoạn 2016-2020; 5 phường (phường 4, 7, 9, 10, 16) không còn hộ cận nghèo theo chuẩn cận nghèo Thành phố giai đoạn 2016-2020 (giảm 1.112 hộ). Số hộ cận nghèo còn lại vào cuối năm 2018 là 588 hộ, tỷ lệ 1% trên tổng số hộ dân. Một số giải pháp có thể kể đến như tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Chương trình giảm nghèo bền vững cho Ban giảm nghèo và cán bộ làm công tác giảm nghèo phường, tổ trưởng tổ tự quản, nhất là người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo để các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân hiểu rõ và cùng hưởng ứng thực hiện. Tập trung vận động và cân đối đủ nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ vượt chuẩn cận nghèo. Gắn việc trợ vốn với hướng dẫn hộ nghèo kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh. Tăng cường sự phối hợp giữa Ủy ban nhân dân với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể từ quận đến phường trong việc thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo ở địa phương. Phát huy nội lực trong các tầng lớp nhân dân tham gia; đẩy nhanh quá trình giảm nghèo trong cộng đồng dân cư, nhất là đồng bào Hoa sống trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ về sửa chữa, chống dột, xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Vận động thanh niên nghèo có độ tuổi từ 18 đến 35 tuổi đăng ký học các nghề phù hợp với trình độ khả năng của mình tại Trung tâm, các cơ sở dạy nghề và tìm được việc làm sau khi hoàn thành khóa học. Tổ chức lớp bồi dưỡng, kiểm tra tay nghề, bậc thợ cho thanh niên nghèo đang làm việc tại các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn Quận. Với những giải pháp tích cực nêu trên, tôi tin tưởng quận 11 sẽ hoàn thành chỉ tiêu Quận không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo Thành phố giai đoạn 2016-2020 trong năm 2018, trước thời hạn 02 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quận lần XI đề ra.

 

Phóng viên: Xin cám ơn đồng chí đã dành thời gian để trả lời phỏng vấn cho Tổ tin Quận 11. Trước thềm năm mới Xuân Mậu Tuất 2018 đã gần kề, ông có lời nhắn nhủ gì đối với nhân dân trên địa bàn?

Phó Chủ tịch Trần Phi Long: Nếu nạn đói nghèo là một thứ giặc, là lực cản của phát triển thì Giảm nghèo bền vững chính là con đường phá vỡ lực cản đó, tạo tiền đề cho sự phát triển. Phải giúp cho người nghèo thoát nghèo bền vững không để xảy ra tình trạng tái nghèo. Cho cần câu hơn cho con cá, tôi tin tưởng bằng việc xác định đúng đắn giải pháp, cách làm sẽ không để tái nghèo sau khi đã hoàn thành chương trình giảm nghèo bền vững. Trước thềm năm mới 2018, tôi xin gửi lời chúc sức khỏe đến nhân dân trên địa bàn có một mùa xuân mới an toàn – tiết kiệm – vui tươi.

Xin chân thành cảm ơn đồng chí.

 (Mỹ Hạnh thực hiện)

 


Số lượt người xem: 2877    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA