SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
3
6
5
5
7
2
Tin tức sự kiện 05 Tháng Chín 2016 8:35:00 SA

Nhân cách sống vĩ đại, cao đẹp của Hồ Chí Minh

Có rất nhiều những mẫu chuyện kể về cuộc sống của Bác, đời thường của Bác như Bác ở, Bác mặc, Bác ăn... Câu chuyện nào cũng cho ta thấy phẩm chất cao đẹp của Bác đó là: rất giản dị. Trong “Kể chuyện Bác Hồ”, ta có thể tìm thấy rất nhiều câu chuyện thể hiện phẩm chất cao đẹp đó. Câu chuyện “Bác có phải là vua đâu” dưới đây của Trần Hiếu trong tập “Bác Hồ – con người và phong cách” sẽ cho chúng ta thấy phẩm chất cao đẹp này của Người.

 Chuyện kể năm 1961, Bác thăm xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An – một xã có phong trào trồng cây tốt. Tại một ngọn đồi thấp, Bác đứng nói chuyện với nhân dân trong xã, trời gần trưa, tuy đã sang đông mà nắng gay gắt, Bác đứng giữa trưa ai cũng băn khoăn, đồng chí Chủ tịch huyện cho tìm mượn được chiếc ô định giương lên che nắng cho Bác, thì Bác quay lại hỏi:

- Thế chú có đủ ô che cho tất cả đồng bào không? Thôi, cất đi, bác có phải là vua đâu!

Một lần, trong bữa ăn, đồng chí phục vụ dọn lên cho Bác một đĩa cá anh vũ – một loại cá sông quý hiếm thường chỉ có ở khúc Bạch Hạc – Việt Trì. Nhìn đĩa cá biết ngay của hiếm, Bác khen và bảo:

- Cá ngon quá, thế mà chú Tô (tức đồng chí Phạm Văn Đồng) lại đi vắng. Thôi các chú để đến chiều đồng chí Tô về cùng thưởng thức.

- Miếng ngon không bao giờ Bác chịu ăn một mình. Chia ngọt sẻ bùi là thế, tưởng mọi chuyện sẽ qua đi, nhưng đến bữa sau, khi nhìn đĩa cá, Bác hiểu ngay và tỏ ý không bằng lòng.

- Bác có phải là vua đâu mà phải cung với tiến.

Rồi Người kiên quyết bắt mang đi không ăn nữa. Như Bác đã từng nói, ở đời ai chẳng thích ăn ngon mặc đẹp, nhưng nếu có miếng ngon đó lại đánh đổi bằng sự mệt nhọc, phiền hà của người khác thì Bác đâu có chấp nhận.

Lão Tử có nói: Trời đất sở dĩ có thể dài và lâu vì không sống cho mình nên mới được trường sinh. Thánh nhân đặt thân mình ở sau mà lại lên trước, đặt thân mình ở ngoài mà lại còn. Bác Hồ sống quên mình, không nghĩ đến mình mà trở thành sống mãi – lời Lão Tử thật sâu sắc lắm thay.

Ví dụ thứ 2 đó là câu chuyện “Nhảy một nhảy” do Quang Đạm kể trong tập “Bác Hồ – con người và phong cách”. Chuyện kể, Chiến dịch mùa thu năm 1950 đã mở thông con đường qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhiều Đoàn học sinh Việt Nam sang Bắc Kinh học tập và trao đổi kinh nghiệm đã mang về một món nhảy múa đó là điệu ương ca. Món sinh hoạt văn hoá mới này được đông đảo anh em công tác tại cơ quan văn phòng của Trung ương Đảng hưởng ứng. Bác Hồ vui vẻ khuyến khích bằng sự trực tiếp tham gia của mình, nhất là sau những giờ lao động buổi chiều kết hợp nghệ thuật với thể dục. Điệu ương ca được bác dịch nôm là “Nhảy một nhảy”.

Trong một cuộc họp của Mặt trận Liên Việt có đủ các giới, trong giờ nghỉ, Người điều khiển Hội nghị cũng đề nghị mọi người nhảy múa cho vui, giới thanh niên, trung niên vỗ tay hưởng ứng, còn một số các vị nhân sĩ, thân sĩ đứng nhìn, trong đó có bà Thục Viên – một nhà giáo dạy học nhiều năm ở Hà Nội - Đại biểu Quốc hội khoá I được nhân dân thủ đô tin cậy quý mến. Bác Hồ từ phòng họp bước ra, đi thẳng đến chỗ các vị cao niên vui vẻ mời “chúng ta cùng Nhảy một nhảy chứ” rồi khoác tay bà Thục Viên, bị bất ngờ và cũng đầy hào hứng, bà Thục Viên cũng hối hả bước và quay theo, Bác bước dồn dập và quay tròn, mọi người đều nhìn về phía Bác đánh và gõ nhịp. Chỉ một chốc, bà Thục Viên luống cuống “bắn” cả một chiếc dép vào chân Bác Hồ, cũng là lúc chuông báo họp lại.

Câu chuyện cho ta thấy một khía cạnh tâm hồn trẻ trung yêu đời của Bác vượt qua rào chắn, những điều tối kỵ ở xã hội phong kiến cũ. Bác – một vị Chủ tịch nước 60 tuổi nhưng cũng rất hiện đại, rất trẻ trung, yêu đời. Chính câu chuyện của Bác cho thấy Bác Hồ đã cổ vũ đời sống mới, văn hoá mới giản dị mà hiệu quả như thế đấy.

Càng đọc những mẫu chuyện về Bác, ta sẽ càng thấy yêu Bác, yêu quê hương đất nước, yêu con người và sống sao cho thật đẹp, thật có ích. Để từ đó, chúng ta sẽ thấy mình ngày một lớn lên, và hiểu hơn khẩu hiệu “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

 


Số lượt người xem: 4298    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA