SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
4
0
5
5
9
6
Tin tức sự kiện 04 Tháng Sáu 2016 2:10:00 CH

Tư tưởng Hồ Chí Minh về gia đình

Ngày 10/10/1959, tại Hội nghị cán bộ thảo luận Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Có người nghĩ rằng Bác không có gia đình, chắc không hiểu gì mấy về vấn đề này. Bác tuy không có gia đình riêng, nhưng Bác có một đại gia đình rất lớn, đó là giai cấp công nhân toàn thế giới, là nhân dân Việt Nam. Từ gia đình lớn đó, Bác có thể suy đoán được gia đình nhỏ”.

Bài nói của Bác còn có đoạn với nội dung rất quan trọng: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”. Đó là nội dung cơ bản của Tư tưởng Hồ Chí Minh về gia đình.

Tư tường Hồ Chí Minh về gia đình đã được thể hiện trong đường lối của Đảng, luật pháp của Nhà nước với nội dung nêu cao trách nhiệm các ngành, các cấp, các đoàn thể, các tổ chức trong việc chăm lo xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc để các thành viên trong gia đình có khả năng và cơ hội góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Chỉ thị số 55-CT/TƯ của Bộ Chính trị ngày 28/06/2000 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, xác định một mục tiêu quan trọng là xây dựng gia đình bền vững, hạnh phúc. Năm 2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 49-CT/TƯ về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nghị quyết Đại hội XI của Đảng về Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách” Báo cáo Chính trị tại Đại hội XI của Đảng cũng nêu rõ: “Sớm có chiến lược quốc gia về xây dựng gia đình Việt Nam, góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống của văn hóa, con người Việt Nam, nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ”.

Với vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với vai trò và mối quan hệ hữu cơ giữa gia đình và xã hội, gia đình có no ấm, hòa thuận thì xã hội mới ổn định và phát triển. Sức mạnh của xã hội bắt nguồn từ sức mạnh của gia đình.

Từ bao đời nay, ở nước ta, gia đình vẫn được coi là tế bào cơ bản và tự nhiên của cộng đồng xã hội. Gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp từ mấy nghìn năm và qua nhiều thế hệ. Với kết cấu bền chặt, gia đình Việt Nam có nhiều thế hệ cùng chung sống, gắn kết với nhau tạo nên sức mạnh dòng họ, góp phần làm nên sức mạnh cộng đồng. Gia đình là chốn nương náu của mỗi con người, một thiết chế có luật lệ và tôn ti trật tự luôn mang lại những cảm giác an toàn cho các thành viên của nó. Chính gia đình đã tạo nên một xã hội bền vững.

Ngoài chức năng sinh sản, bảo tồn, phát triển nòi giống thì chức năng giáo dục, hình thành nhân cách và chức năng xã hội của gia đình là những yếu tố giúp cho các thành viên có được chỗ đứng của mình trong cộng đồng xã hội. Chức năng xã hội của gia đình là sự chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên như ông bà, cha mẹ, anh chị em, con cái… có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Nó tạo ra sự hòa thuận, hạnh phúc trong gia đình, có tác dụng gắn kết với nhau, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển trí tuệ, tài năng của mỗi thành viên.

Gia đình là tế bào của xã hội không ngừng bồi đắp nền tảng văn hóa tinh thần. Gia đình khỏe mạnh, sống có văn hoá, đoàn kết là nhân tố quan trọng xây dựng cụm dân cư của cộng đồng, là pháo đài vững chắc phòng chống sự xâm hại của các tệ nạn xã hội.

Dưới ánh sáng của Tư tưởng Hồ Chí Minh về gia đình, nhờ đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, gia đình Việt Nam vẫn duy trì được nền tảng vững chắc. Nhiều giá trị tốt đẹp được phát huy, một số tập tục lạc hậu được loại bỏ dần, làm cho gia đình vẫn duy trì được bản sắc dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa của thời đại, mãi mãi là cái nôi nuôi dưỡng các thế hệ người Việt Nam.

Tuy nhiên, trong thực tế, những năm gần đây, gia đình Việt Nam đang đứng trước những thử thách mới. Tiến trình mở cửa hội nhập quốc tế và mặt trái của cơ chế thị trường, của toàn cầu hóa đang tác động vào những mối quan hệ của gia đình Việt Nam. Những biểu hiện tiêu cực và tệ nạn xã hội, tình trạng xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ, trẻ em, số vụ ly hôn ngày càng gia tăng, số thanh thiếu niên phạm pháp hình sự ngày càng nhiều, có cả học sinh, sinh viên, sự vô trách nhiệm trong giáo dục con cái… là những mối hiểm họa có nguy cơ phá vỡ sự bền vững gia đình, cần phải kiên quyết đấu tranh ngăn chặn.

Đề cao vai trò gia đình và trách nhiệm xây dựng gia đình theo Tư tưởng Hồ Chí Minh, tháng 05/2001, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg lấy ngày 28 tháng 6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, trong “Tháng hành động vì trẻ em” và “Tháng hành động phòng, chống ma túy” mang ý nghĩa là các vấn đề nói trên có mối quan hệ mật thiết với nhau.

Nhân Ngày Gia đình Việt Nam, các hoạt động tôn vinh các giá trị cao quý của gia đình đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, sự tham gia tự nguyện và đầy trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể, các tổ chức và mọi gia đình ở khắp mọi miền đất nước. Những gia đình tiêu biểu, ông bà, cha mẹ gương mẫu, con cháu hiếu thảo… được biểu dương, trẻ em nghèo hiếu học được tặng quà, càng làm cho ý nghĩa Ngày Gia đình thêm sâu sắc. Các gia đình tiêu biểu là những tấm gương sáng lan tỏa trong cộng đồng, góp phần tạo nên những thực thể xã hội khỏe mạnh, đủ sức chống lại những yếu tố tiêu cực trong quá trình vận hành nền kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập…

Để mỗi gia đình Việt Nam thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, vấn đề quan trọng hàng đầu là nâng cao nhận thức của mỗi công dân trong xã hội, coi đầu tư cho gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững. Gia đình có trách nhiệm với xã hội. Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo vệ sự ổn định và phát triển của gia đình. Cán bộ, đảng viên có trách nhiệm gương mẫu chăm lo xây dựng chính gia đình mình và vận động nhân dân cùng thực hiện. Gia đình gương mẫu cần được tôn vinh, khen thưởng; thái độ vô trách nhiệm với gia đình phải bị lên án mạnh mẽ. Cuộc vận động “Con cháu hiếu thảo, ông bà, cha mẹ gương mẫu” mà Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động cần được mở rộng, đẩy mạnh có hiệu quả và thiết thực hơn…

Xây dựng gia đình phải trên cơ sở kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, đồng thời tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của thời đại về gia đình. Nước ta hiện có khoảng 20 triệu gia đình. Sự bền vững và phát triển của mọi gia đình là yếu tố cơ bản bảo đảm cho sự ổn định và phát triển của toàn xã hội.


Số lượt người xem: 4899    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA