SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
3
7
9
2
3
6
Tin tức sự kiện 07 Tháng Giêng 2016 4:05:00 CH

Ngày truyền thống học sinh - sinh viên Việt Nam 9-1

Ngày 08/03/1949, thực dân Pháp, sau khi kiểm soát được các thành phố lớn và một số vùng nông thôn kế cận, bày trò trao trả độc lập giả hiệu, đã ký với Bảo Đại một hiệp định thành lập một chính phủ bù nhìn do Bảo Đại làm Quốc trưởng. Thực dân Pháp và tay sai đã tổ chức cho Bảo Đại đến thăm một số trường học ở Sài Gòn - Chợ Lớn, Huế, Hà Nội để phô trương cái gọi là "Quốc trưởng hồi loan chấp chính".

Biết rõ âm mưu của địch, tổ chức Đảng của ta đã vận động học sinh, sinh viên tẩy chay tiếp đón Bảo Đại ở các trường. Học sinh trường Pétrus Ký rủ nhau bỏ học và dán khẩu hiệu ở cổng trường, lớp học đòi "xử tử Vĩnh Thụy" (tức Bảo Đại). "Bảo Đại cút khỏi trường"... Một số nữ sinh trường Gia Long từ chối tham gia đón và tặng hoa Bảo Đại. Sinh viên trường Đại học Sài Gòn rải truyền đơn kêu gọi bãi khóa và căng trong trường một khẩu hiệu lớn lên án "Bảo Đại là tên bán nước". Phong trào tẩy chay Bảo Đại lan đến các trường Lê Bá Khai, Kỹ nghệ thực hành, Nguyễn Văn Khuê... và nhanh chóng được truyền ra đến Huế, Hà Nội. Ngày 09/11/1949, học sinh trường Khải Định (trường Quốc hội Huế) và trường Đồng Khánh bãi khóa phản đối giặc khủng bố học sinh Huế. Bảo Đại từ Sài Gòn ra Hà Nội bị học sinh, sinh viên Hà Nội tẩy chay. Học sinh trường Chu Văn An bãi khóa từ ngày 25/11 đến 07/12/1949 và được học sinh các trường Trưng Vương, Dũng Lạc, An-be Xa-rô, Văn Lang, Trí Tri, Đại học Y Hà Nội hưởng ứng.

Chính quyền ngụy ra lệnh đóng cửa một số trường ở Sài Gòn - Chợ Lớn và trắng trợn bắt nhiều học sinh, sinh viên. Làn sóng bãi khóa lan đến các trường Lê Bá Cang, Huỳnh Khương Ninh, các trường Đại học Y, Dược, Pháp lý, các trường chuyên nghiệp Vô tuyến điện, Công chính, Kỹ thuật... Địch tiếp tục vây ráp, bắt bớ thêm và tra tấn những người bị bắt để phát hiện cơ sở cách mạng. Làn sóng đấu tranh chống đàn áp kéo dài suốt từ tháng 11 và trở thành cao trào trong tháng 12, sang đầu tháng 1 năm 1950.

Sáng ngày 09/01/1950, hơn 2.000 học sinh, sinh viên Sài Gòn - Chợ Lớn từ nhiều ngả đường kéo về trước dinh thủ hiến Sài Gòn Trần Văn Hữu đòi Hữu thả ngay những người bị bắt và mở lại trường học. Khi đoàn biểu tình tới Tòa chính thì địch đã huy động cảnh sát, xe phun nước can thiệp hòng giải tán, nhưng cuộc biểu tình càng tập hợp được đông đảo học sinh, sinh viên tham gia. Trần Văn Hữu từ trong dinh dùng loa kêu gọi học sinh, sinh viên giải tán cuộc biểu tình, nhưng học sinh, sinh viên không chịu giải tán mà vẫn ở nguyên trước dinh thủ hiến và đòi phải tha ngay những người bị bắt.

Hai giờ chiều, Trần Văn Hữu ra lệnh tấn công. 300 cảnh sát vũ trang nổ súng vào đoàn biểu tình. Anh Trần Văn Ơn và các bạn xông lên tiếp tục đấu tranh. Bọn cảnh sát dùng dùi cui, súng đạn đàn áp dã man những người đi đầu đoàn biểu tình. Anh Trần Văn Ơn bị thương và ngã xuống trước họng súng của kẻ thù cùng hàng chục người khác. Học sinh, sinh viên không lùi bước, cùng đồng bào vừa khẩn trương cứu chữa những người bị thương, vừa giữ vững trận địa đấu tranh, đưa anh Trần Văn Ơn đi cấp cứu, không cho bọn cảnh sát cướp đi, và anh Trần Văn Ơn đã hy sinh sau đó.

Cuộc đàn áp đẫm máu ngày 09/01/1950 và tinh thần chiến đấu, hy sinh oanh liệt của anh Trần Văn Ơn đã dấy lên lòng căm thù giặc cao độ trong thanh niên, học sinh, sinh viên và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn.

Ngày 12/01/1950, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, nhân dân thành phố này đã biến đám tang anh Trần Văn Ơn thành cuộc biểu tình biểu dương lực lượng. Dẫn đầu cuộc biểu tình là luật sư Nguyễn Hữu Thọ, luật sư Trịnh Đình Thảo, kỹ sư Lưu Văn Lang... cùng một số đảng viên Đảng Cộng sản Pháp có mặt ở Sài Gòn. Hơn 5 vạn học sinh, sinh viên và đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn đi sau xe tang anh Trần Văn Ơn. 10 vạn đồng bào các giới đứng dọc hai bên đường tiễn biệt người học sinh yêu nước, kiên cường. Hai câu đối viết bằng máu của học sinh, sinh viên treo hai bên hương án là "Chết vì Tổ quốc, chết nhưng vẫn sống", "Sống kiếp Việt gian, sống nhục muôn đời". Nhiều khẩu hiệu được giương cao đòi "Trả thù cho anh Trần Văn Ơn". Cả nước theo dõi và hưởng ứng cuộc đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài Gòn - Chợ Lớn bằng nhiều hình thức.

Phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài Gòn - Chợ Lớn đã gây tiếng vang trong cả nước, lại được sự ủng hộ, hưởng ứng của các tổ chức học sinh, sinh viên, thanh niên tiến bộ trên thế giới.

Đại hội toàn quốc Liên đoàn Thanh niên Việt Nam lần thứ nhất (tháng 2/1950) tại căn cứ địa Việt Bắc đã ra Nghị quyết lấy Ngày 9 tháng 1 làm "Ngày truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam".


Số lượt người xem: 3219    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA