SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
5
2
0
4
0
2
Tin tức sự kiện 08 Tháng Giêng 2016 3:15:00 CH

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta

Kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội (06/01/1946 – 06/01/2016)

Ngày 02/09/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 03/09/1945, trong Bài phát biểu trước phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu…”

Ngày 08/09/1945, Người ra Sắc lệnh số 14-SL về Tổng tuyển cử trong cả nước bầu Quốc hội đầu tiên trong lịch sử lập hiến của nước Việt Nam mới. Đồng thời, với việc tổng tuyển cử, ngày 20/09/1945, Ủy ban Dự thảo Hiến pháp đã khẩn trương được thành lập do Bác Hồ phụ trách.

Những ngày tiến tới Tổng tuyển cử, cả nước có biết bao nhiêu sự kiện nóng bỏng bởi thù trong giặc ngoài, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội hết sức khó khăn, vừa kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền Nam, vừa thực hiện sách lược tạm thời hòa hoãn với quân Tưởng ở miền Bắc, đồng thời lại vừa phải đấu tranh để chống lại những hành động phá hoại điên cuồng của chúng.

Ngày 18/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày 06/01/1945; hạn nạp đơn ứng cử kéo dài đến hết ngày 27/12/1945; nơi nào lệnh hoãn không đến kịp, Chính phủ vẫn cho phép tiến hành Tổng tuyển cử theo quy định cũ là ngày 23/12/1945.

Ngày 05/01/1946, Người ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu: “…Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình… Ngày mai, tất cả các bạn cử tri đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”.

Đáp lại Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng cả ý chí sắt đá của dân tộc quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được, toàn thể nhân dân Việt Nam từ Bắc chí Nam, từ nông thôn đến thành thị, từ miền xuôi đến miền ngược, không phân biệt gái trai, già trẻ đã dành trọn cho ngày lịch sử vĩ đại - Ngày 06/01/1945: toàn dân đi bỏ phiếu. Đặc biệt, ở các tỉnh phía Nam, nhất là Nam bộ, cuộc Tổng tuyển cử đã diễn ra dưới bom đạn rất ác liệt của kẻ thù. Nhiều nơi, nhân dân đã phải đổi cả xương máu để thực hiện quyền tự do, dân chủ của mình. Nhưng chúng ta đã thắng lợi, 333 đại biểu Quốc hội đã được cử tri trong cả nước lựa chọn bầu vào cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau, 43% không đảng phái, 87% là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu phụ nữ và 34 đại biểu các dân tộc ít người.

Quốc hội đã hội đủ các đại biểu của cả ba miền Trung Nam Bắc, là ý chí của nhân dân cả nước. Quốc hội đã có đại diện của tất cả các thế hệ những người Việt Nam yêu nước đương thời, từ những nhà cách mạng lão thành nổi tiếng như Hồ Chí Minh, Tôn Đức Thắng… cho đến những đại biểu trẻ tuổi đang tràn đầy nhiệt huyết như Nguyễn Đình Thi vừa tròn 22 tuổi. Quốc hội còn bao gồm những nhà tư sản, công thương gia như Ngyễn Sơn Hà, Trịnh Văn Bô… những nhân sĩ trí thức và các nhà hoạt động văn hóa như Nguyễn Văn Tố, Hoàng Đạo Thúy, Đặng Thai Mai, Thái Văn Lung, Huỳnh Tấn Phát… những nhà tu hành như Linh mục Phạm Bá Trực, Thượng tọa Thích Mật Thể, Chưởng quản Cao đài Cao Triều Phát… kể cả sự có mặt của Vĩnh Thụy, tức cựu hoàng Bảo Đại vừa mới tuyên bố thoái vị trước đó 4 tháng và những người vốn là quan lại cao cấp của chế độ cũ như cựu thượng thư Bùi Bằng Đoàn…

Trong Diễn văn khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I, ngày 02/03/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946 “là cái kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già trẻ, lớn bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”.

Để tập trung mũi nhọn vào kẻ thù chính là thực dân Pháp, và hạn chế những hành động phá hoại của bọn phản động tay sai của quân đội Tưởng Giới Thạch, theo sách lược đã thỏa thuận trước Tổng tuyển cử, Bác Hồ trong kỳ họp này, đã đề nghị Quốc hội mở rộng thêm thành phần của Quốc hội khóa I. Người đề nghị Quốc hội cho phép 70 đại biểu của các đảng phái tay sai của Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch gồm 20 người của “Việt Nam Cách mạng đồng minh Hội”, và 50 người của “Việt Nam Quốc dân đảng” tham gia Quốc hội không qua bầu cử. Quốc hội nhất trí thông qua đề nghị này. Nhưng sau đó không lâu, khi quân đội Tưởng Giới Thạch rút về nước, bọn phản động tay sai đã bám theo quân Tưởng chạy sang Trung Quốc.

Với uy tín tuyệt đối, với trí tuệ uyên thâm, Bác Hồ đã chủ trì thành công kỳ họp đặc biệt quan trọng này. Cảm xúc dạt dào trước sự kiện ấy, nhà thơ Xuân Diệu đã sáng tác ngay lúc đó trường ca “Hội nghị non sông” để chào mừng Quốc hội:

“Cái thuở ban đầu dân quốc ấy,

Nghìn năm chưa dễ đã ai quên…”

…“Hoa mới vẫn hoa quen thuộc cũ

Nước non nay lại nước non nhà”…

...“Đường đi ngăn trở, ở đôi bên,

Mạch máu quê hương vẫn chảy liền…”

Từ ngày 28/10 đến 09/11/1046, Quốc hội khóa I đã họp kỳ họp thứ hai cũng tại Nhà hát lớn Hà Nội, thông qua Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam, và ủy nhiệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng ra tổ chức một Chính phủ mới hoàn toàn không có bọn phản động tham gia.

Quốc hội khóa I (1946 - 1960) là Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, một mốc son chói lọi đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước ta. Quốc hội ra đời trong khói lửa của cuộc đấu tranh quyết liệt, vừa là thành quả, vừa là yêu cầu bức thiết của cách mạng. Hoạt động trong điều kiện cả nước vừa phải hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, vừa phải thực hiện từng bước cải cách dân chủ, Quốc hội khóa I đã góp phần quan trọng vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, kết thúc thắng lợi bằng một Điện Biên chấn động địa cầu, bước đầu đưa miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội, tiếp tục đấu tranh giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.


Số lượt người xem: 3514    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA