SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
3
9
3
1
9
4
Tin tức sự kiện 02 Tháng Giêng 2016 10:05:00 SA

Cướp giật - nỗi ám ảnh trên đường phố

Thời gian gần đây, tình hình cướp giật trên đường phố có chiều hướng gia tăng. Nếu như truớc đây chỉ hoạt động vào ban đêm, thì nay chúng hoạt động cả ban ngày. Nhiều vụ rất táo tợn và hung hãn, chém giết nạn nhân để cướp tài sản…

Theo ghi nhận của ngành chức năng, tính chất, thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm ngày càng manh động, rất liều lĩnh, tinh vi và xảo quyệt. Chúng có thể gây án mọi lúc, mọi nơi, nên việc phòng ngừa gặp không ít khó khăn. Chúng sẵn sàng “chém trước, cướp sau” hay kề dao vào cổ để lấy xe, tài sản… Tình trạng cướp giật từ lâu được coi là vấn nạn và ngày càng diễn biến phức tạp hơn, đặc biệt vào các ngày lễ và gần dịp Tết nguyên đán. Vụ gần đây nhất, Chị Huyền - sinh năm 1991, ngụ quận Phú Nhuận, đi xe đạp trên đường Mạc Đĩnh Chi thì bị hai đối tượng đi xe máy áp sát và giật đi sợi dây chuyền 2 chỉ vàng. Do quá bất ngờ nên chị Huyền chỉ kịp “ơi ới..” vài tiếng, khi tĩnh lại hô cướp cướp, chỉ tích tắc chúng đã cao chạy xa bay… Chúng thường hoạt động nhiều nhất từ 15 giờ đến 18 giờ (chiếm 32,73%) và từ 18 giờ đến 24 giờ (31,55%). Các đối tượng thường hình thành băng nhóm, có phân công theo dõi và hành động. Thông thường, vụ cướp xảy ra chớp nhoáng khiến nạn nhân trở tay không kịp. Khi tiến hành cướp giật, chúng theo dõi và điện báo cho nhau theo dõi, chờ thời cơ thuận tiện ra tay. Người bị hại chủ yếu là nữ đi xe gắn máy từ các ngả đường vắng người, hoặc từ các Ngân hàng ra. Khi bị phát hiện hoặc chống cự thì chúng sẵn sàng sử dụng các loại hung khí tấn công nạn nhân và cướp tài sản để tẩu thoát.

Bọn cướp giật thường sử dụng xe phân khối lớn đi rảo quanh các tuyến đường, khi phát hiện “con mồi” sẽ áp sát, bất ngờ giật giỏ xách, dây chuyền, đồng hồ, điện thoại di động hoặc tài sản khác rồi phóng xe lẩn vào đám đông người đi đường hoặc tẩu thoát vào các con hẻm sâu. Địa điểm và thời gian lý tưởng nhất của bọn chúng là đêm khuya, khu vực ít người qua lại. Các đối tượng thường chặn đầu xe nạn nhân để ra tay cướp. Chúng còn bày trò đóng giả người chở xe ôm hoặc đứng chờ người quen ở góc phố để theo dõi nắm tình hình. Khi phát hiện được “con mồi”, chúng mật báo đồng bọn đeo bám, đến đoạn đường thuận tiện thì ra tay. Bọn chúng cải trang mặc quần áo giả tài xế taxi, nhân viên bảo vệ khách sạn nhằm đánh lạc hướng và tránh để mọi người nghi ngờ. Có lúc chúng đi thành từng tốp đông, xe phân khối lớn, dựng cảnh giả hiện trường, và bày trò với thủ đoạn cướp trắng trợn.

Do vậy, ngoài sự trấn áp và triệt phá của cán bộ chiến sỹ Công an và dân phòng các địa bàn, mỗi người chúng ta cần nêu cao cảnh giác để tự bảo vệ mình bằng những việc cụ thể như: Không dừng - đậu xe nơi tối vắng, không sử dụng điện thoại di động khi đi đường. Trường hợp cần thì đậu xe trên vỉa hè, lề đường và chú ý quan sát xung quanh xem có nghi vấn gì không. Trường hợp phải vận chuyển tiền từ ngân hàng về nhà, nhất thiết phải dùng xe ôtô, taxi và đi từ hai người trở lên, nhất thiết không đi một mình. Khi đi ra đường, không nên đeo nữ trang đắt tiền như: dây chuyền, vòng vàng v.v.. Gần đây, nhiều vụ cướp giật ngay tại các đám cưới khi khách ra về. Nếu đeo trang sức kim loại có giá, cần cài kín nút cổ áo, không để lộ trang sức ra ngoài; nếu mang túi xách, nên bỏ vào cốp xe (nếu có) hoặc móc chặt vào xe, ràng buộc kỹ càng.

Trên đường đi, nếu phát hiện đối tượng nghi vấn bám theo thì chạy chậm sát lề đường, hoặc tấp vào nơi có đông người. Khi bị cướp, phải bình tĩnh tri hô lớn cho mọi người nghe thấy để được hỗ trợ, đồng thời cố gắng ghi nhớ nhân dạng đối tượng, loại xe, biển số... và đến ngay cơ quan công an gần nhất trình báo. Mọi người khi tham gia giao thông trên đường, nếu phát hiện đối tượng nghi vấn thì cần thông báo ngay cho Công an, chính quyền địa phương hoặc Cảnh sát 113 để kịp thời trấn áp và xử lý.


Số lượt người xem: 2734    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA