Kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12
Trong một lần được giao nhiệm vụ làm giám khảo cho một cuộc thi của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quận về đề tài biển đảo quê hương, tôi có dịp biết đến trận chiến Gạc Ma qua giọng kể ngọt ngào của nữ đoàn viên Chi đoàn Công ty Dược Mekophar. Theo câu chuyện mà tôi được nghe kể thì trong trận chiến đó, lực lượng không cân sức, 3 tàu vận tải làm nhiệm vụ vận chuyển lực lượng công binh và nguyên vật liệu ra xây dựng các công trình nhằm phục vụ cho đời sống của quân, dân Việt Nam đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa theo kế hoạch thường niên, đã đấu chọi với lực lượng Trung Quốc hùng mạnh với trên 6 tàu chiến được trang bị nhiều vũ khí hạng nặng. 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã hy sinh, 11 người bị thương, nhưng vẫn bảo vệ được Cô Lin và Len Đao... Mỗi năm, cứ đến ngày 14/03, cả nước lại tổ chức tưởng niệm các anh, những người lính đã hy sinh xương máu của mình trong trận hải chiến bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988. Trận chiến đến nay đã 27 năm, nhưng với những gì đã và đang diễn ra trong giai đoạn hiện nay, tôi hình dung đến một giai đoạn nào đó, trận chiến này có thể tái diễn với mức độ “đẫm máu” hơn, ác liệt hơn.
Biển đảo Việt Nam là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc được cha ông truyền lại. Trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam là ra sức gìn giữ toàn vẹn phần lãnh thổ này như lời Bác Hồ năm xưa đã dặn “các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”. Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi công dân Việt Nam đối với lịch sử dân tộc, là nhân tố quan trọng bảo đảm cho dân tộc ta phát triển bền vững. Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng chỉ rõ: “Mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển, đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa…”. Đó là ý chí sắt đá, quyết tâm không gì lay chuyển được của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Thời gian qua, tình hình thế giới, khu vực và trên biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp. Do vậy, nhiệm vụ phòng thủ, bảo vệ đất nước, nhất là an ninh trên biển gặp nhiều khó khăn, thách thức. Để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, điều tiên quyết đặt ra là phải không ngừng củng cố, tăng cường sức mạnh quốc gia, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển. Trong đó, xây dựng thế trận lòng dân, đảm bảo bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc là vấn đề chiến lược, mang tính cấp bách.
Biển nước ta luôn gắn với những giá trị thiêng liêng tâm linh và lịch sử: truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ, những chiến công lịch sử Bạch Đằng, Vân Đồn xưa, Cồn cỏ, đường huyền thoại Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ… Biển nước ta cũng là nơi sinh sống của hàng chục triệu người dân đất Việt, là không gian sinh tồn của dân tộc, là địa bàn chiến lược trong bảo vệ và phát triển đất nước. Do vậy, bảo vệ chủ quyền và phát huy tiềm năng biển đảo là mệnh lệnh của Tổ quốc dành cho mỗi người Việt Nam.
Mệnh lệnh của Tổ quốc cũng là quyết tâm của toàn dân tộc, sức mạnh nội lực của chúng ta: Tăng cường tiềm lực, hỗ trợ về cơ sở vật chất và con người, đặc biệt cho các lực lượng ở biển như Cảnh sát biển, Kiểm ngư, Hải quân, các chiến sĩ đang canh giữ các đảo tiền tiêu của Tổ quốc; phải đầu tư nhiều hơn cho ngư dân đóng những con tàu lớn. Chúng ta cần có nhiều biện pháp tuyên truyền sâu rộng toàn thể người dân Việt Nam trong việc giữ vững chủ quyền biên giới, biển, đảo Việt Nam. Nhân dân Việt Nam luôn ý thức được rằng, biển đảo luôn là một phần máu thịt rất thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc thân yêu. Đó là hình ảnh của người dân Việt Nam với những bộ trang phục bằng hình ảnh lá quốc kỳ, tay cầm lá cờ đỏ sao vàng đi trên các đường phố để biểu tình với thái độ cương quyết nhưng trong trật tự, với khuôn khổ pháp luật để phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đó là những đợt quyên góp, ủng hộ vật chất cho các chiến sĩ ở Trường Sa và Hoàng Sa, cho Cảnh sát biển và lực lượng kiểm ngư Việt Nam, điển hình như phong trào toàn dân hướng về biển đảo quê hương, những cuộc vận động “Góp đá xây Trường Sa”, “Viết thư gửi lính đảo Trường Sa”, “Vì biển đảo thân yêu”, “Triệu trái tim hướng về biển đảo Tổ quốc”, “Em yêu biển đảo Việt Nam”, “Vì biển xanh quê hương”… với các em học sinh Tiểu học, Trung học, tình yêu quê hương, đất nước, hướng về biển đảo được thể hiện khi cùng nhau xếp hình bản đồ Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng cờ Tổ quốc. Tình yêu đất nước, hướng về biển đảo quê hương của nhân dân Việt Nam còn được thể hiện qua những bài viết, những ca khúc ngợi ca biển đảo, những dòng suy nghĩ chân thật thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, quyết tâm góp một phần công sức của mình cho việc bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Là dân quân tự vệ trong một đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là trong một đơn vị văn hóa, cần thấm nhuần các giá trị truyền thống của dân tộc, sự hy sinh cống hiến của thế hệ cha anh đi trước và cập nhật các kiến thức pháp luật liên quan. Đó là tiền đề, là căn cứ thuận lợi để bản thân đề ra những nhiệm vụ cấp thiết trong giai đoạn hiện nay; đồng thời, cần nắm vững kiến thức pháp luật về biên giới biển đảo để tuyên truyền mọi người cùng nhau hiểu và thực hiện; cùng với lực lượng dân quân tự vệ tại đơn vị ra sức tập luyện, sẵn sàng chiến đấu; tham gia tích cực các phong trào vì biển đảo thân yêu, vì tuyến đầu Tổ quốc.
Trận chiến đẫm máu Gạc Ma không chỉ nhắc chúng ta sự hy sinh anh dũng của 64 chiến sĩ hải quân mà là minh chứng cho tinh thần không khuất phục trước mọi kẻ thù xâm lược. Đảng và Nhà nước đang chủ trương dùng biện pháp hòa bình để giải quyết các vấn đề tranh chấp tại biển Đông, nhưng nếu đến lúc dùng bạo lực cách mạng để giải quyết tranh chấp, đến lúc trận chiến nổ ra còn ác liệt hơn, đẫm máu hơn trận chiến Gạc Ma thì dẫu có hy sinh, nhân dân Việt Nam anh hùng sẽ vì Tổ quốc thiêng liêng “thà chết chớ lui”.