SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
3
3
3
4
5
5
Tin tức sự kiện 23 Tháng Mười Một 2015 2:15:00 CH

Phòng Tư pháp quận hướng dẫn UBND các phường giải quyết việc nuôi con nuôi

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, số trường hợp nuôi con nuôi thực tế đã được đăng ký từ ngày 01/01/2011 đến hết ngày 30/06/2015 là 3.334 trường hợp.

Thực hiện Quyết định số 1985/QĐ-BTP ngày 13/07/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành kế hoạch triển khai đăng ký nuôi con nuôi thực tế trên phạm vi toàn quốc và Công văn số 3976/BTP-PBGDPL ngày 29/10/2015 của Bộ Tư pháp về việc đẩy mạnh thông tin, phổ biến về đăng ký nuôi con nuôi tại địa bàn cơ sở;

Vừa qua, Phòng Tư pháp quận 11 đã tổ chức triển khai cho Chủ tịch, công chức hộ tịch Ủy ban nhân dân các phường trong quận; đồng thời đề nghị thông báo trong cộng đồng dân cư ở tổ dân phố, khu phố, để các gia đình thực tế hiện đang nuôi con nuôi nhưng chưa đăng ký, phải thực hiện đăng ký tại Ủy ban nhân dân phường nơi có hộ khẩu thường trú; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, Cảnh sát khu vực, tổ dân phố ở phường khảo sát, nắm thông tin để biết gia đình nào hiện đang nuôi con nuôi thực tế cần hướng dẫn, giải quyết tất cả các trường hợp nuôi con nuôi thực tế theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ nuôi và con nuôi. Theo quy định của pháp luật về đăng ký con nuôi thực tế thì:

1/ Thời hạn đăng ký nuôi con nuôi thực tế:

Theo quy định của Điều 50 Luật Nuôi con nuôi và Điều 23 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/03/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi, việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau trước ngày 01/01/2011 mà chưa đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền, thì được đăng ký trong thời hạn 5 năm, tính từ ngày 01/01/2011 đến hết ngày 31/12/2015.

2/ Hậu quả pháp lý trong trường hợp không đăng ký việc nuôi con nuôi thực tế:

Nếu sau ngày 31/12/2015, người dân không tiến hành đăng ký việc nuôi con nuôi thực tế thì việc nuôi con nuôi đó sẽ không được công nhận. Người nuôi không được coi là cha, mẹ nuôi. Người được nuôi không được coi là con. Việc nuôi con nuôi sẽ không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa người nuôi và người được nuôi. Các tranh chấp phát sinh liên quan đến cha, mẹ nuôi và con nuôi, giữa con nuôi với thành viên gia đình của cha, mẹ nuôi (như nghĩa vụ cấp dưỡng, quyền thừa kế…) sẽ không được pháp luật bảo hộ.

3/ Điều kiện đăng ký nuôi con nuôi thực tế:

- Các bên có đủ điều kiện về nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật tại thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi;

- Đến thời điểm đăng ký việc nuôi con nuôi thì quan hệ cha, mẹ và con vẫn đang tồn tại và cả cha, mẹ nuôi và con nuôi vẫn còn sống;

- Giữa cha, mẹ nuôi và con nuôi có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau như cha, mẹ và con.

4/ Hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi thực tế:

- Tờ khai đăng ký nuôi con nuôi thực tế (Mẫu mới số TP/CN-2014/CN.03 được ban hành kèm theo Thông tư số 24/2014/TT-BTP, truy cập vào website của Bộ Tư pháp: moj.gov.vn để lấy biểu mẫu này) hoặc đến Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đang có hộ khẩu thường trú để được hướng dẫn giải quyết;

- Bản sao Giấy chứng minh nhân dân hoặc Giấy khai sinh của người được nhận làm con nuôi;

- Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn của người nhận con nuôi (nếu có);

5/ Thủ tục đăng ký nuôi con nuôi thực tế:

- Người nhận con nuôi nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã (xã, phường, thị trấn), nơi người đó thường trú.

- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp xã (xã, phường, thị trấn) cử công chức tư pháp - hộ tịch phối hợp với Công an cấp xã (xã, phường, thị trấn) tiến hành xác minh và kiểm tra, nếu đáp ứng đủ điều kiện thì đăng ký nuôi con nuôi thực tế.

Hướng dẫn giải quyết một số vướng mắc phát sinh thường gặp trong quá trình đăng ký nuôi con nuôi thực tế:

Trường hợp 1: Các bên chưa đăng ký việc nuôi con nuôi thực tế, nhưng Giấy khai sinh của con nuôi đã có tên cha, mẹ nuôi và Sổ hộ khẩu đã có tên con nuôi thì giải quyết như thế nào?

Trả lời: Trường hợp các bên chưa đăng ký việc nuôi con nuôi thực tế, nhưng Giấy khai sinh của con nuôi và Sổ hộ khẩu đã có tên con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp xã (xã, phường, thị trấn) tiến hành đăng ký việc nuôi con nuôi thực tế, không cần đăng ký khai sinh lại cho con nuôi, nhưng trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ là “cha, mẹ nuôi ”.

Trường hợp 2: Trường hợp một bên cha hoặc mẹ đã mất, bên còn lại có nguyện vọng đăng ký nuôi con nuôi thực tế thì giải quyết như thế nào?

Trả lời: Trường hợp một bên cha hoặc mẹ nuôi đã mất, người còn lại có nguyện vọng đăng ký nuôi con nuôi thực tế thì cơ quan có thẩm quyền chỉ đăng ký việc nuôi con nuôi giữa người còn sống và con nuôi. Trong Giấy chứng nhận việc nuôi con nuôi, phần ghi về cha, mẹ nuôi chỉ ghi thông tin của người còn sống.

Trường hợp 3: Cha, mẹ nuôi có nguyện vọng đăng ký nuôi con nuôi thực tế nhưng muốn giữ bí mật, không để con nuôi (trên 9 tuổi) ký vào Tờ khai đăng ký con nuôi thực tế thì giải quyết như thế nào?

Trả lời: Theo biểu mẫu về Tờ khai đăng ký con nuôi thực tế được ban hành kèm theo Thông tư số 24/2014/TT-BTP, nếu người nhận con nuôi muốn giữ bí mật về việc nuôi con nuôi thì người được nhận làm con nuôi không cần phải ký tên vào Tờ khai.

Mọi khó khăn, thắc mắc cần liên hệ Phòng Tư pháp quận 11 (Ủy ban nhân dân quận 11). Địa chỉ: 270 Bình Thới, phường 10, quận 11. Điện thoại: 3858.1085 hoặc điện thoại trực tiếp cho Trưởng phòng – 0913.909.786 để được hướng dẫn giải quyết.


Số lượt người xem: 3611    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA