SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
3
6
8
9
2
4
Tin tức sự kiện 04 Tháng Mười Một 2015 10:20:00 SA

Những chiêu “móc túi” người tiêu dùng

Thời gian qua, do tình trạng loạn giá gas và nhiều chiêu trò "móc túi" người tiêu dùng, nên một số doanh nghiệp, đại lý gian lận bằng cách: cắt tai, mài đế, chiếm dụng bình của hãng khác; sang, chiết, nạp gas trái phép; sử dụng gas lậu không rõ nguồn gốc; gian dối về chất lượng, số lượng…

Không khó để nhận thấy các doanh nghiệp, đại lý phải cạnh tranh không lành mạnh để tồn tại. Để được người tiêu dùng chấp nhận, họ thường sử dụng “chiêu” giảm giá gas cực sốc, giảm giá kèm theo khuyến mãi đủ thứ. Không chỉ doanh nghiệp, tổng đại lý ra “chiêu” khuyến mãi mà cả các đại lý nhỏ cũng tự in tờ rơi rải khắp nơi, nhét vào cửa chính, cửa sổ của từng gia đình. Một số đại lý còn cho nhân viên đến các hộ dân giả vờ kiểm tra an toàn dây dẫn, van bếp gas, rồi lén lút dán chèn thông tin của mình lên bình đang sử dụng của hãng khác. Họ mua lại bình của hãng khác rồi cắt tai, mài đế, sang, chiết nạp gas lậu, không bảo đảm an toàn, bán giá cao nhằm trục lợi bất chính… Những chiêu thức này khiến không ít người tiêu dùng bị mắc lừa, không biết đâu là gas thật, gas lậu và không biết cân thiếu, cân đủ thế nào?

Tìm hiểu thông tin báo giá trên tờ rơi, trên các trang mạng của doanh nghiệp tại cùng một thời điểm cũng có sự chênh lệch. Các thương hiệu như Petrolimex, Total, Shell hầu hết đều được chào giá bán cao hơn các hãng khác như Petrol, Gia Định, Thăng Long... từ 30 đến 50 nghìn đồng/bình 12kg. Được biết, mức giá gas bán tới khách hàng dưới dạng đóng bình do các doanh nghiệp đề xuất và được phê duyệt bởi Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính). Mức giá này căn cứ vào giá nhập, quy trình an toàn, chiết nạp, cơ cấu quản lý, điều hành… Thông thường, khi tới tay khách hàng, giá một bình 12 kg sẽ cao hơn giá nhập 50%. Tức là nếu giá nhập kho 12 kg là 200 nghìn đồng thì bình gas 12kg sẽ được bán với giá 300 nghìn. Thương hiệu, cơ cấu nhân sự, bộ máy quản lý… được cho là nguyên nhân khiến giá bán gas của một số hãng luôn cao hơn mặt bằng chung. Bên cạnh đó, các thương hiệu ít tên tuổi hơn luôn có cách để tồn tại, thậm chí "sống khỏe" bên cạnh các tên tuổi lớn trong ngành. Hiệp hội Gas Việt Nam khẳng định: “Giá gas trên thị trường hiện nay không thống nhất, ngoài những lý do chủ quan về cơ cấu quản lý, thương hiệu, còn có nguyên nhân do một số doanh nghiệp, đại lý kinh doanh gian dối, ăn bớt số lượng, chiếm dụng vỏ bình, sang, chiết nạp gas trái phép”…

Hiện nay, các đại lý thường kiêm luôn chức năng của một trạm chiết nạp với nhiều bất cập. Quy trình sang, chiết, nạp vào bình thiếu số lượng, hoặc từ hãng này sang hãng khác sau khi chiếm dụng vỏ bình. Thậm chí, số doanh nghiệp kinh doanh gas có số vỏ bình luân chuyển trên thị trường thấp, từ dưới 100 nghìn bình đến dưới 300 nghìn bình vẫn được phép kinh doanh bất chấp quy định của cơ quan quản lý Nhà nước (phải có từ 300 nghìn bình trở lên). Một số doanh nghiệp “lách” luật, cạnh tranh không lành mạnh, giở chiêu “móc túi” khách hàng… Đối với doanh nghiệp vi phạm, việc xử lý còn nhẹ chưa đủ sức răn đe. Cũng có trường hợp, lực lượng kiểm tra gặp phải sự chống đối quyết liệt hoặc trì hoãn của đối tượng, gây khó khăn khi bắt quả tang. Kể cả khi bắt quả tang, doanh nghiệp sử dụng bình của hãng khác để nạp gas thì gas đó cũng không bị coi là gas giả mà chỉ xử lý phạt hành chính đối với hành vi chiết, nạp trái phép…

Những vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh gas hiện nay cho thấy, nhiều người tiêu dùng bị “móc túi” một cách trắng trợn bởi một số doanh nghiệp, đại lý làm ăn phi pháp. Điều đáng buồn là không nhiều người tiêu dùng phản ứng với các hành vi nói trên của doanh nghiệp, một phần bởi không đủ cơ sở để khẳng định họ có vi phạm hay không. Nhưng rõ ràng, với nhu cầu sử dụng hàng triệu tấn khí đốt mỗi năm của người dân trong nước, số tiền người dân bị móc túi không phải là nhỏ. Không chỉ vậy, việc một số doanh nghiệp làm ăn gian dối cũng là tác nhân khiến những doanh nghiệp lớn về kinh doanh gas trong nước bị “móc túi”. Hậu quả, chỉ người tiêu dùng là chịu thiệt thòi. Tuy vậy, không vì thế mà thị trường gas bị "bỏ ngỏ" cho những hoạt động kinh doanh phi pháp, vô tư "móc túi" người tiêu dùng.


Số lượt người xem: 2669    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA