Kỷ niệm Ngày toàn quốc kháng chiến 19-12
Tạm ước 14-9 mà Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với Chính phủ Pháp chưa ráo mực thì quân xâm lược Pháp liên tiếp gây ra những vụ xung đột vũ trang đẫm máu ở khắp ba miền Trung Nam Bắc nước ta.
Tại Hà Nội, chỉ trong hai ngày 18 và 19/12/1946, thực dân Pháp đã ba lần gửi tối hậu thư láo xược đòi quân ta để cho chúng chiếm thêm một số vị trí quan trọng trong thành phố, đòi ta phải giải tán các lực lượng tự vệ, đòi đình chỉ các hoạt động chuẩn bị kháng chiến, đòi trao cho quân đội Pháp duy trì an ninh trong thành phố. Chúng đòi ta phải thực hiện các yêu sách trên chậm nhất là vào sáng ngày 20/12/1946.
Nguy cơ về một cuộc chiến tranh Pháp - Việt với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc đang trở thành hiện thực. Song mọi thiện chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và nguyện vọng thiết tha của dân tộc Việt Nam muốn sống trong hòa bình, độc lập, tự do và quan hệ hữu nghị với nước Pháp không được đáp ứng từ phía đối phương.
Vào đêm 14, ngày 15/12/1946, trong căn phòng nhỏ phía trong trên tầng hai nhà ông Nguyễn Văn Dương, ở làng Vạn Phúc, một làng quê ven thị xã Hà Đông, vốn nổi tiếng lâu đời về nghề dệt lụa cổ truyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh bên ngọn đèn dầu leo lét, viết bản thảo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” trên hai trang giấy cỡ 13,5 x 20,5.
Ngày 18 và 19/12/1946, Người chủ tọa cuộc họp mở rộng của Ban Thường vụ Trung ương Đảng cũng tại Vạn Phúc để quyết định phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên phạm vi cả nước. Hội nghị đã vạch ra đường lối cơ bản cho cuộc kháng chiến và thông qua Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo.
Lời kêu gọi đó cô đọng chỉ trong 198 từ mà sức mạnh truyền cảm, động viên rất lớn, gắn vào lịch sử oanh liệt của dân tộc Việt Nam ta.
Sáng ngày 20/12/1946, Lời kêu gọi lập tức được truyền trên làn sóng điện của Đài Tiếng nói Việt Nam lúc bấy giờ vừa sơ tán ra núi Trầm đi khắp nơi và thế giới, đến mỗi lòng người, lắng đọng mãi đến ngày nay như một lời hịch cứu nước, một quyết tâm sắt đá, một đường lối quân sự độc đáo, một ngọn cờ hòa bình đầy tinh thần nhân đạo cách mạng, một lòng tin sắt đá không gì lay chuyển nổi ở thắng lợi cuối cùng.
Lời hịch cứu nước ấy tiếp thêm sức mạnh cho nhân dân ta, mang theo hào khí non sông, hồn thiêng đất nước, thật sự đã cùng đồng bào và chiến sĩ cả nước, tham gia mở đầu trang sử mới của dân tộc.
Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh là quân lệnh số 1 của cuộc kháng chiến toàn quốc được phát đi sau 16 tháng chuẩn bị kỹ càng cho cuộc chiến tranh không thể tránh khỏi, đã trở thành một trong những cương lĩnh quân sự đầu tiên của Đảng ta. Trong bất cứ cuộc chiến tranh nào, quyền chủ động về chiến lược bao giờ cũng là nhân tố quyết định thắng lợi. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã chủ động tạo thế, tạo lực, loại trừ bất ngờ về chiến lược, chủ động đưa cả nước đi vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Điều đó nói lên nghệ thuật quân sự tài giỏi, biết khởi đầu chiến tranh và sau này, biết thắng địch từng bước, biết kết thúc chiến tranh, một nét nổi bật trong tư tưởng quân sự vĩ đại của Người.
Câu hỏi được đặt ra: Ai đánh giặc, đánh như thế nào, lấy gì mà đánh? Những băn khoăn đó đã được Người giải đáp chỉ với 67 từ: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp, cứu nước”.
Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh mở đầu đoạn viết về cách đánh bằng ba từ “Hỡi đồng bào”. Đây chính là biểu hiện sâu sắc quan điểm nhân dân và tư tưởng chiến tranh nhân dân sáng tạo của Người. Động viên, tổ chức nhân dân một nước thuộc địa “đánh thắng những đế quốc to” chưa hề có tiền lệ trong lịch sử.
Phát triển học thuyết quân sự Mác - Lê-nin, Người chỉ rõ cuộc kháng chiến của nhân dân ta là cuộc chiến tranh chính nghĩa, toàn dân, toàn diện, thoát ra khỏi quan niệm thông thường về chiến tranh giữa hai quân đội.
Tư tưởng quân sự của Ph.Ăng-ghen “mỗi nông dân, mỗi người dân thành thị là một chiến sĩ”, tư tưởng quân sự của Lê-nin “cả nước thành một doanh trại cách mạng”, tư tưởng quân sự của dân tộc ta “trăm họ đều là binh” đã trở thành tư tưởng cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân “theo con đường chính trị đúng”, dưới ngọn cờ độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Lời Người kết tinh khoa học tạo ra sức mạnh, sử dụng và phát huy sức mạnh tổng hợp nhằm đánh bại kẻ thù xâm lược có tiềm lực quân sự mạnh hơn mình gấp nhiều lần. Đó là tư tưởng đoàn kết toàn dân, tổ chức, động viên toàn dân đánh giặc, phát huy sức mạnh tiềm tàng của đất nước và của dân tộc, quy tụ cả sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại, nét độc đáo trong tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là bí quyết thành công của cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân ta.
Đánh giặc “phải có tín tâm và quyết tâm”, Người nhấn mạnh quyết tâm bằng những lời đanh thép: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Kêu gọi binh sĩ, tự vệ, dân quân, Người viết: “Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước”.
Truyền đến toàn dân niềm tin mãnh liệt, Người khẳng định: “Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta”. Quyết tâm ấy của Người đã hun đúc nhiệt tình cách mạng, sáng tạo ra cách mạng độc đáo và có hiệu quả. Tín tâm và quyết tâm của Người đã chuyển thành ngọn cờ quyết thắng của quân và dân ta. Ngọn cờ đó ngay từ đầu đã được giương cao bên ngọn cờ hòa bình, khi Người mở đầu Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vang dội núi sông không phải bằng một lời hô đánh, mà bằng một nguyện vọng hòa bình: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!”
Hòa bình là nguyện vọng của nhân dân ta, của cả loài người. Nhưng do âm mưu xâm lược ngoan cố của kẻ thù, không có con đường nào khác là phải đứng lên kháng chiến. Và kháng chiến là để mang lại hòa bình thật sự, hòa bình trong độc lập, tự do. Tư tưởng hòa bình có nguyên tắc của Lê-nin nổi lên trong tư tưởng quyết chiến quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ đầu và suốt cả quá trình cuộc kháng chiến trường kỳ càng làm sáng ngời chính nghĩa của sự nghiệp cứu nước của nhân dân ta, tạo nên sức mạnh tinh thần và vật chất, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.
Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Người, toàn thể dân tộc Việt Nam anh dũng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ đầy gian khổ, hy sinh nhưng vô cùng anh dũng để giữ vững nền độc lập, tự do vừa giành được của mình.
Lời hịch bất tử của Người đã trở thành lời thề bất tử của dân tộc ta.
Trên 60 năm qua, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử, bên cạnh những lời hịch cứu nước của Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung…