SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
3
6
9
3
7
5
Tin tức sự kiện 19 Tháng Bảy 2014 4:15:00 CH

Những bài học từ Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương

60 năm Ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương (20/07/1954 – 20/07/2014)

Ngày 07/05/1954, thực dân Pháp đại bại ở Điện Biên Phủ. Đúng 16 giờ 30 phút ngày 08/05/1954, Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương khai mạc.

Đại biểu dự Hội nghị gồm 9 đoàn: 3 đoàn của các nước xã hội chủ nghĩa: Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; 3 đoàn phương Tây: Pháp, Anh, Mỹ; 3 quốc gia liên kết trên bán đảo Đông Dương: Vương quốc Lào, Vương quốc Cam-pu-chia và “quốc gia” Bảo Đại. Đại diện lực lượng kháng chiến Phathét Lào và Khmer Itsarak có mặt ở Giơ-ne-vơ, nhưng không được các đoàn phương Tây chấp nhận tham dự Hội nghị.

Lập trường của đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là chấm dứt chiến sự, khôi phục hòa bình trên cơ sở công nhận chủ quyền, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương…

Lập trường của các đoàn phương Tây là hiếu chiến. Đoàn Mỹ âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh ở Đông Dương, hất cẳng Pháp và độc chiếm Đông Dương. Đoàn Vương quốc Anh thì chủ trương chống âm mưu kéo dài chiến tranh của Mỹ, nhưng lại ủng hộ Pháp thương lượng trên thế mạnh. Phái chủ chiến của Pháp Laniel nhận đàm phán với ta để tránh búa rìu dư luận và tránh bị nhân dân Pháp lật đổ, đồng thời cứu nguy cho quân đội Pháp ở Đông Dương.

Trải qua 75 ngày thương lượng với 31 phiên họp, trong đó có 7 phiên toàn thể và 24 phiên họp cấp trưởng đoàn rất căng thẳng và phức tạp, nhưng với thiện chí của phái đoàn ta, ngày 20/07/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Đông Dương được ký kết. Một ngày sau đó, ngày 21/07/1954, Hội nghị Giơ-ne-vơ đã ra tuyên bố cuối cùng…

3 Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia và tuyên bố cuối cùng của Hội nghị tạo thành khung pháp lý của Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 về Đông Dương.

Theo Hiệp định được ký kết, các nước tham gia Hội nghị tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia. Việt Nam bị chia cắt giả tạo thành 2 miền qua vĩ tuyến 17, mặc dù sự thận trọng của các bên tham gia Hội nghị nhấn mạnh rằng “dù bất cứ trường hợp nào không thể coi đó là biên giới chính trị hay lãnh thổ”. Sự chia cắt chỉ là tạm thời. Hai miền phải thống nhất trước tháng 7 năm 1956 bằng tổng tuyển cử “tự do và dân chủ”. Nước Pháp phải rút quân khỏi miền Bắc và Việt Minh rút khỏi miền Nam trong thời hạn 300 ngày, thường dân có quyền lựa chọn muốn ở miền Bắc hay miền Nam. Trong thời gian đó, họ được tự do đi lại. Nghiêm cấm quân đội nước ngoài xâm nhập lãnh thổ Việt Nam. Một Ủy ban Giám sát quốc tế gồm có Ba Lan, Ấn Độ và Canada sẽ giám sát việc thi hành các điều khoản của Hiệp định.

Năm tháng trôi qua, song cuộc đàm phán để đi tới Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá:

1- Bài học về độc lập tự chủ, tự lập tự cường: Nhờ độc lập tự chủ về đường lối, tự lập tự cường, tranh thủ tối đa sự hậu thuẫn vật chất và tinh thần từ bên ngoài, để tạo dựng thế và lực, chúng ta đến Hội nghị Giơ-ne-vơ trong tư thế của người chiến thắng, với ưu thế của những thắng lợi trên khắp chiến trường Đông Dương, nhất là chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Trong quá trình Hội nghị, chúng ta kiên định có tính nguyên tắc lợi ích quốc gia, bền bỉ tìm ra giải pháp phù hợp có lợi nhất cho đất nước.

 2- Bài học về kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao: Chính những thắng lợi to lớn trên các chiến trường cả nước mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trực tiếp tạo thế cho cuộc đấu tranh ngoại giao. Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bước vào Hội nghị Giơ-ne-vơ với thế thắng, thế mạnh. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm tăng thêm sự ủng hộ của nhân dân Pháp và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, quân Pháp phải rút khỏi miền Bắc nước ta.

3- Bài học về thời cơ: Thất bại trên chiến trường ở Đông Dương, nhất là đại bại ở Điện Biên Phủ, đã làm chia rẽ nội bộ giới cầm quyền Pháp đẫn tới hai phe chủ chiến và chủ hòa. Phong trào phản đối chiến tranh của nhân dân Pháp và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới lên cao. Xu thế hòa hoãn và ý đồ của các nước lớn muốn giải quyết hoà bình các cuộc xung đột. Đó là thời cơ lịch sử mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nắm bắt để đẩy mạnh hoạt động ngoại giao, tiến tới một giải pháp kết thúc chiến tranh có lợi cho ta.

4- Bài học về nhân nhượng có nguyên tắc: Nghệ thuật ngoại giao nhân nhượng có nguyên tắc và tư tưởng “dĩ bất biến ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thể hiện sinh động tại Hội nghị Giơ-ne-vơ. Đoàn đại biểu của ta đã kiên định những nguyên tắc cơ bản. Đó là, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước ta. Tình hình quốc tế và tương quan lực lượng chung trên thế giới lúc đó buộc chúng ta phải nhân nhượng và chỉ nhân nhượng những gì có thể nhân nhượng được. Những nhân nhượng của chúng ta đều là kết quả của sự suy xét kỹ lưỡng, có tính đến tác động trước mắt và lâu dài.

Hội nghị Giơ-ne-vơ đã diễn ra với sự đấu tranh quyết liệt của đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sự dàn xếp của các nước lớn. Hiệp định Giơ-ne-vơ đối với dân tộc Việt Nam chỉ là kết thúc một chặng đường trong sự nghiệp cách mạng lâu dài và gian khổ để đi tới độc lập tự do, góp phần cùng nhân loại làm cho thế kỷ 20 trở thành Thế kỷ giải trừ chủ nghĩa thực dân trên phạm vi quốc tế.

Những bài học từ cuộc đấu tranh ngoại giao trên bàn Hội nghị Giơ-ne-vơ và việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ  năm 1954 có giá trị lý luận và thực tiễn rất sâu sắc, và đã phát huy tác dụng khi đàm phán với Mỹ tại Hội nghị Pa-ri, đi đến ký kết Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973. Những bài học đó đã góp phần thúc đẩy nền ngoại giao nước ta trưởng thành nhanh chóng và đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày nay, công cuộc đổi mới đất nước đang bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu cao cả “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” thì những bài học từ Hội nghị Giơ-ne-vơ 1954 vẫn còn nguyên giá trị, cần được vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo để phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp cách mạng trong tình hình mới.


Số lượt người xem: 5503    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA