Trước khi bắt đầu vào chiến dịch Điện Biên Phủ, có một bài ca rất hào hùng diễn tả sự oanh liệt và vĩ đại chuẩn bị cho một trận chiến thắng và được coi như mốc son lịch sử chói lọi của dân tộc Việt Nam. Bài ca đó được mang tên “Hò kéo pháo”, tác giả là nhạc sỹ Hoàng Vân. Ông sinh năm 1930, quê ở Hà Nội, phụ trách thiếu sinh quân Trung đoàn 165, Sư đoàn 312, sau đó phụ trách nghệ thuật văn công Sư đoàn 312. Hòa bình lập lại, ông về chỉ huy dàn nhạc Đoàn ca nhạc Đài tiếng nói Việt Nam kiêm chỉ đạo nghệ thuật. Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sỹ Việt Nam cho đến năm 1966. Sau Hòa bình lập lại, ông được cử đi học tại Nhạc viện Bắc Kinh - Trung Quốc, tốt nghiệp ông về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, nhạc trưởng đoàn ca nhạc và chỉ đạo nghệ thuật. Một số ca khúc tiêu biểu của ông như: Hò kéo pháo (1954), Hà Nội - Huế - Sài Gòn, Quảng Bình quê ta ơi, Nổi trống lên rừng núi ơi, Không cho chúng nó thoát, Hai chị em, Người chiến sỹ ấy, Chào anh giải phóng quân - chào Mùa xuân đại thắng, v.v...
Đã 60 năm trôi qua, mỗi lần được nghe bài hát “Hò kéo pháo”, chúng ta lại bồi hồi xúc động và rất đỗi tự hào về một thời oanh liệt của pháo binh quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, và không quên cảm ơn người nhạc sỹ đã sáng tác một bài hát “sống mãi vời thời gian và đi cùng năm tháng”
Vào thời điểm quân ta chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, ông được đi quan sát chiến trường để sau đó đưa “gánh hát” tới phục vụ các đơn vị tham gia chiến đấu. Hoàng Vân được tận mắt nhìn thấy cảnh tượng hào hùng của các chiến sỹ pháo binh gò lưng kéo pháo vượt dốc núi cao hàng nghìn mét. Hàng trăm con người lưng cúi rạp, chân xoạc, tay bám vai, ghì nhau cùng hỗ trợ dây tời kéo khẩu trõng pháo nhích dần, nhích dần từng tấc một ngược lên đỉnh dốc theo một nhịp thống nhất: “Hò dô ta nào! kéo pháo ta vượt qua đèo? Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua núi? Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi? Vực sâu thăm thẳm vực nào sâu bằng chí căm thù. Kéo pháo ta lên trận địa đây vùi xác quân thù. Hai ba nào! Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo… Hò dô ta nào kéo pháo ta vượt qua núi/gà rừng gáy trên nương rồi dấn bước ta đi lên nào/Kéo pháo ta sang qua đèo trước khi trời hửng sáng. Hai ba nào! sắp tới nơi còn một đợt nữa thôi/Vai ướt đẫm mồ hôi/Tới đích rồi Đồng chí pháo binh ơi/Mai đây nghe pháo gầm vang sương đêm cùng dậy cùng bộ binh đánh tan đồn thù. Lòng quyết tâm sắt gan nào bằng hò dô…”
Ông được nghe chiến sỹ pháo binh mặt trận kể: khẩu pháo của Đại đội 801 đang đổ dốc Suối Reo, pháo thủ Mận ghé vai vào bánh pháo, kết hợp với dây ghìm khẩu pháo khỏi tụt xuống quá nhanh. Nhưng khẩu pháo vẫn cướp đà đè vào đùi Mận, mọi người gắng hết sức kéo pháo ngược lên để cứu đồng chí Mận, Mận nói với anh em: “Thôi chân tôi đằng nào cũng hỏng, các đồng chí cứ cho bánh pháo lăn qua để kịp vào trận địa chiến đấu...” Lời nói chân thành thể hiện tấm lòng hy sinh cao cả vì chiến thắng đã làm mọi người cảm động và anh em đồng đội đã cố gắng hết sức kéo pháo lên, cứu được cả người lẫn pháo.
Hôm sau đó có một sự cố, khẩu pháo nặng 2 tấn đang lên dốc, thì đột nhiên dây tời bị đứt, kéo cả khối người xềnh xệch trên mặt đường. “Cứu lấy pháo! Còn người còn pháo!”... những tiếng thét ấy vang lên, pháo bị lao nhanh có nguy cơ đâm lao xuống vực sâu. Không một giây chần chừ, chiến sỹ Nguyễn Văn Chức đã ôm chèn lao cả thân mình vào bánh pháo, rồi khẩu pháo chồm qua người Chức, quặt vào gốc cây to, khựng lại. Tấm gương quên mình cứu pháo của đồng chí Chức làm mọi người lặng đi, nghẹn ngào, cảm phục, trong hoàn cảnh khắc nghiệt ấy phẩm chất anh hùng của người chiến sỹ cách mạng lại được tỏa ra nhân lên. Vâng! đó là anh hùng Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, v.v... con người và hình ảnh ấy làm Hoàng Vân xúc động, nốt nhạc Hò kéo pháo ra đời từ đó…
Không bút nào tả xiết những vất vả nguy hiểm của người kéo pháo. Vậy mà đồng đội tôi với khát khao chiến thắng đã vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ. Tôi khâm phục tận đáy lòng những pháo binh dũng cảm, nốt nhạc lời ca trong tôi tuôn chảy ào ào. Tôi còn nhớ 3 giờ sáng tôi tỉnh giấc và đi ra khỏi hầm đêm trời lạnh giá rét buốt, sương phủ mờ mịt trong không gian tĩnh lặng tuyệt đối của núi rừng vào đêm. Tôi bỗng nghe tiếng đập cánh, tiếng gà gáy rất gần, tôi lặng người đi. Nếu ai đã từng trải qua những ngày mưa dầm, cơm vắt ấy thì sẽ hiểu, tiếng gà gáy giữa trận mạc làm cho người ta xúc động thế nào. Tiếng gà gáy báo hiệu một ngày mới, báo hiệu cuộc sống thanh bình. Vâng! đó là khát vọng của người lính và hình ảnh ấy đã đi vào bài hát rất tự nhiên “Gà rừng gáy trên nương rồi, kéo pháo ta băng qua đồi, trước khi trời hửng sáng…” Hò kéo pháo không chỉ góp phần quan trọng động viên chiến sỹ, nó còn là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của ông. (Nhạc sỹ tâm sự)
Đúng vậy! nó sẽ còn vang mãi bài ca anh “bộ đội Cụ Hồ” từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ, họ luôn nêu cao tinh thần không quản ngại gian khổ hy sinh, bởi dân có no quân mới mạnh, phương châm ấy đã được Bác Hồ dạy quân đội ta ngay từ ngày đầu thành lập. Danh hiệu cao quý anh “bộ đội Cụ Hồ” là phần thưởng cao quý đối với mọi cán bộ chiến sỹ quân đội bởi nó đã trở thành bản sắc văn hóa Việt Nam.
Chiến tranh đã lùi xa, song mỗi dịp kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước, mỗi ngày trọng đại lại xuất hiện những người lính Cụ Hồ năm xưa, thân thương xiết bao trong bộ đồng phục tuy đã sờn vai, ngã màu theo thời gian, trên ngực lấp lánh huân chương chiến công. Một sự thật chắc chắn luôn có sức động viên cổ vũ những ngòi bút tâm huyết với đất nước dân tộc. Hoàng Vân là một nhạc sỹ như vậy đó. Trong chiến tranh cũng như khi hòa bình, ông lao động cần mẫn say sưa nhiệt tình cho ra đời những ca khúc có sức cỗ vũ toàn dân bước vào cuộc chiến đấu mới tới ngày toàn thắng của dân tộc.
Ông được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ chi Minh. Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đích thân trao tặng Huân chương Chiến công Hạng Ba trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Cho tới nay, ca khúc “Hò kéo pháo” vẫn là điểm khởi đầu những thành công của nhạc sỹ Hoàng Vân, ông tâm sự: “Đó là những giây phút đẹp nhất, xúc động nhất trước thiên anh hùng ca bất tử của chiến thắng Điện Biên Phủ, mà không dễ gì có được trong cuộc đời sáng tác âm nhạc của tôi...”