Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn coi trọng sự thống nhất giữa lời nói với việc làm, coi đó là một trong những nguyên tắc cơ bản của đạo đức cách mạng. Bản thân Người là tấm gương sáng ngời về nói đi đôi với làm.
Đối với lời nói, Bác Hồ nhấn mạnh: “Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng”. Theo ý của Bác, việc nói, viết của cán bộ, đảng viên phải phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng, lợi ích của quần chúng nhân dân, đúng với thực tế khách quan, phải ngắn gọn, rõ ràng, rõ mục đích.
Đối với việc làm, Bác Hồ yêu cầu cán bộ, đảng viên: việc gì có lợi cho dân, phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Người biểu dương và yêu cầu cán bộ, đảng viên dám nói, dám làm, năng động, sáng tạo. Theo Người: “Cách tổ chức và cách làm việc nào không hợp với quần chúng thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại. Cách nào hợp với quần chúng, quần chúng cần, thì dù chưa có sẵn, ta phải đề nghị cấp trên mà đặt ra. Nếu cần làm thì cứ đặt ra, rồi báo cáo sau, miễn là được việc”. Đó cũng là dũng khí của những cán bộ hết lòng vì Đảng, vì dân, vì nước.
Bác Hồ chỉ rõ rằng: mục đích xuyên suốt chi phối lời nói và việc làm của người cán bộ, đảng viên là tất cả vì dân. Đây là tiêu chí cơ bản để đánh giá tư cách, đạo đức, tác phong công tác của người cách mạng. Đối với cán bộ, đảng viên, Bác nói rất thẳng thắn: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “Cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Sự nêu gương về đạo đức của người cán bộ, đảng viên phải thể hiện mọi lúc, mọi nơi, trong sinh hoạt đời thường, trong từng hành vi nhỏ nhất.
Trong thực tế, nói thì dễ, làm mới khó. Khuyên người khác thì dễ, nhưng làm theo lời khuyên đó thì khó hơn nhiều. Nhưng, sẽ là sai lầm khi tuyệt đối hoá việc làm đến mức chỉ có làm mà không biết nói, không biết tổ chức tuyên truyền, giáo dục những việc tốt, những điển hình tiên tiến thì sẽ không phát huy hết hiệu quả của việc làm. Như vậy, sự thống nhất biện chứng giữa lời nói và việc làm đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải vừa nói hay, vừa làm giỏi. Cố nhiên, sự thống nhất biện chứng ấy không có nghĩa là lời nói và việc làm lúc nào cũng phải cân bằng tuyệt đối với nhau mà luôn luôn tuỳ thuộc vào từng môi trường, lĩnh vực, công việc cụ thể.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân trọn vẹn của sự thống nhất biện chứng giữa lời nói với việc làm. Nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên đã noi gương Người phấn đấu quên mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân, xứng đáng là người chiến sĩ tiên phong có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, lời nói đi đôi với việc làm, được quần chúng tin yêu, mến phục. Học tập đạo đức Bác Hồ về lời nói đi đôi với việc làm là khó, nhưng nếu quyết tâm cao và với tấm lòng trong sáng, tất cả vì việc chung, vì dân, vì nước, vì cộng đồng, chắc chắn chúng ta sẽ làm được.