SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
4
6
5
5
0
1
Tin tức sự kiện 22 Tháng Chín 2013 3:30:00 CH

Tập huấn Luật xử lý vi phạm hành chính

Vừa qua, Phòng Tư pháp quận 11 đã tổ chức tập huấn Luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 19/07/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính, 07 Nghị định xử phạt vi phạm hành chính của Chính phủ đã ban hành.

Luật xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/06/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2013, trừ các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2014.

Đến ngày 01/07/2013, Chính phủ vẫn chưa ban hành các Nghị định hướng dẫn và áp dụng Luật xử lý vi phạm hành chính để xử phạt vi phạm hành chính.

Do đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 83/NQ-CP ngày 08/07/2013. Tại Điểm 3 của Nghị quyết ghi “ …đối với các Nghị định quy định chi tiết Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa được ban hành trong khi Luật có hiệu lực từ ngày 01/07/2013, Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc tiếp tục áp dụng quy định tại các Nghị định hiện hành và các biểu mẫu quyết định, biên bản kèm theo các Nghị định này nếu không trái với tinh thần của Luật Xử lý vi phạm hành chính.”

Ngày 18/07/2013, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Công văn 3698/UBND-PCNC về việc triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và áp dụng Nghị định hiện hành về việc xử phạt vi phạm hành chính.

Ngày 19/07/2013, Chính phủ ban hành Nghị định 81/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. Có hiệu lực thi hành ngày 19/07/2013. Cho đến nay, Chính phủ mới ban hành được 07 Nghị định sau:

1/ Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/10/2013.

2/ Nghị định 98/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số. Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2013.

3/ Nghị định 103/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản. Có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2013.

4/ Nghị định 93/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa. Có hiệu lực thi hành ngày 15/10/2013.

5/ Nghị định 97/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng. Có hiệu lực kể từ ngày 10/10/2013.

6/ Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2013.

7/ Nghị định 105/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập. Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2013.

Để thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định của Luật, ngày 19/07/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 81/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. Kèm theo Nghị định này, Chính phủ đã ban hành 11 mẫu biên bản và 20 mẫu quyết định về xử phạt vi phạm hành chính. Các mẫu này đều được áp dụng kể từ ngày 19/07/2013. Trong khi đó, 7 Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính mới ban hành chưa có hiệu lực thi hành. Do vậy trong thời gian này, việc áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính phải theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ ban hành để thực hiện theo Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính sửa đổi năm 2008 mà Nghị quyết 83/NQ-CP ngày 8/7/2013 của Chính phủ cho phép.

Trước thực tế như trên đã trình bày, đòi hỏi người có thẩm quyền xử phạt, công chức, viên chức được phân công thực thi công vụ tiến hành các thủ tục, kể từ khi lập biên bản vi phạm hành chính đến khi ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải hết sức thận trọng thì mới bảo đảm không vi phạm pháp luật.


Số lượt người xem: 7866    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA