SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
2
6
5
9
9
6
Tin tức sự kiện 28 Tháng Sáu 2013 9:50:00 SA

Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc

Kỷ niệm Ngày gia đình Việt Nam (28/06/2001 - 28/06/2013)

Ở nước ta, gia đình đã hình thành và phát triển trong cộng đồng các dân tộc anh em từ thuở bình minh dựng nước. Vai trò của gia đình Việt Nam cùng sức sống mãnh liệt của nó được thể hiện trong suốt chiều dài lịch sử 4.000 năm dựng nước và giữ nước.

Ngày 30/04/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và nói chuyện với Đại hội liên hoan phụ nữ “năm tốt”. Trong bài nói, Người đã đề cập đến vấn đề gia đình:

“Gia” là nhà. “Đình” là sân. Theo nghĩa cũ thì gia đình chỉ giới hạn hẹp hòi trong một cái nhà, cái sân. Nghĩa là chỉ lo cho cha mẹ, vợ con trong nhà mình ấm no yên ổn, ngoài ra ai nghèo khổ mặc ai. Như thế là ích kỷ, không tốt.

Theo nghĩa mới, thì gia đình rộng rãi hơn, tốt đẹp hơn. Thí dụ: những người cùng lao động trong một nhà máy, trong một cơ quan, trong một hợp tác xã… đều phải đoàn kết và thương yêu nhau như anh em trong một gia đình. Rộng ra nữa là đồng bào cả nước đều là anh em trong một đại gia đình… Đã là đại gia đình, thì sự săn sóc dạy dỗ cũng không chỉ nhằm làm cho con cháu mình khỏe và ngoan, mà phải cố gắng giúp đỡ cho tất cả các cháu đều ngoan và khỏe…”

Ngoài chức năng sinh sản, bảo tồn, phát triển nòi giống thì chức năng giáo dục, hình thành nhân cách và chức năng xã hội của gia đình là những yếu tố quyết định giúp các thành viên tìm được chỗ đứng của mình trong cộng đồng xã hội.

Gia đình là cái nôi sinh thành, dưỡng dục, là trường học gây dựng nhân cách, đạo đức và nhận thức cho mỗi cá nhân. Gia đình còn là chỗ nương tựa khi khó khăn, là nguồn khích lệ khi thành công. Gia đình bồi đắp tình máu mủ ruột rà đến lòng nhân ái trong cộng đồng, cao hơn là tình yêu lý tưởng cao đẹp, tình yêu Tổ quốc. Gia đình còn là nơi gìn giữ và lưu truyền bản sắc văn hóa dân tộc.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, rất quan tâm đến gia đình là đúng, nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội. Hạt nhân của xã hội là gia đình.

Nói đến gia đình cũng chính là nói đến văn hóa gia đình, một di sản văn hóa vô giá của tổ tiên để lại cho hôm nay và cả cho mai sau. Gia đình truyền thống Việt Nam xưa rất chú trọng “gia đạo, gia phong và gia lễ, trong đó gia đạo là sức mạnh của gia đình”. Thời đại nào cũng vậy, văn hóa gia đình là nền tảng văn hóa xã hội. Di sản văn hóa gia đình cần được trân trọng giữ gìn và phát huy trong cuộc sống ngày nay.

Nhờ chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước khuyến khích chăm lo xây dựng gia đình, gia đình Việt Nam đã duy trì được nền tảng vững chắc. Nhiều giá trị tốt đẹp được phát huy, nhiều tập tục lạc hậu được loại bỏ, làm cho gia đình vừa giữ gìn được bản sắc dân tộc, vừa tiếp thu được những tinh hoa của thời đại. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, thì dư luận đã có sự báo động về sự lung lay của nền tảng gia đình trong xã hội.

Hiện tượng ly hôn trong xã hội xảy ra với số lượng ngày càng tăng, gây tình trạng bất ổn trong cuộc sống gia đình và kéo theo sự bất ổn trong xã hội. Nhiều trẻ em phải rời bỏ tổ ấm gia đình đi lang thang kiếm sống, bơ vơ trước bao nhiêu cạm bẫy. Lối sống thực dụng tôn thờ đồng tiền, các sản phẩm văn hóa độc hại, tệ nạn xã hội lan tràn đang hằng ngày hằng giờ tác động vào gia đình, đe doạ sự bền vững của nó. Gia đình nào không vững vàng sẽ bị cuốn theo làm suy thoái đạo đức, lối sống, dẫn đến hậu quả xấu. Tệ ngược đãi phụ nữ, trẻ em, sự vô trách nhiệm trong giáo dục con cái, tình trạng bỏ mặc cha mẹ già ngày càng phổ biến. Một bộ phận thanh niên trong các gia đình bố mẹ có chức, có quyền, giàu có, sẵn tiền tiêu pha. Bọn chúng không cần biết đến quá khứ, cũng chẳng cần lo đến tương lai, chỉ biết hưởng lạc trước mắt, thậm chí hư hỏng, vi phạm pháp luật… Nhiều gia đình chưa thấy hết trách nhiệm của mình, thường đổ lỗi cho xã hội. Đó là những thách thức đối với việc xây dựng gia đình.

Ngày 28-6-2000, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta đã có Chỉ thị số 55-CT-TW, trong đó nêu rõ yêu cầu “Tổ chức Ngày Gia đình trong tháng hành động vì trẻ em hằng năm”.

Ngày 4-5-2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 72 về Ngày gia đình Việt Nam, trong đó ghi rõ: “Lấy ngày 28/06 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, với mục đích xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Liên hiệp quốc cũng đã lấy năm 1994 là Năm Quốc tế Gia đình với khẩu hiệu: “Xây dựng nền dân chủ nhỏ nhất ở ngay cơ sở của xã hội”. Như vậy, rõ ràng gia đình không còn là vấn đề cá biệt riêng lẻ nữa, mà đã trở thành vấn đề chung của quốc gia và quốc tế.

Xây dựng gia đình là trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình, đồng thời cũng là trách nhiệm của toàn xã hội. Thái độ vô trách nhiệm với gia đình và con cái phải bị lên án. Gia đình gương mẫu cần được tôn vinh, khen thưởng. Giáo dục gia đình phải được thực sự chú trọng. Cuộc vận động “Con cháu hiếu thảo. Ông bà, cha mẹ gương mẫu” do Mặt trận Tổ quốc phát động cần được mở rộng. Các ngành, các cấp làm tốt hơn công tác xóa đói giảm nghèo, chăm lo sự nghiệp giáo dục, y tế, phòng chống các tệ nạn xã hội. Các đoàn thể, tổ chức xã hội, các cơ quan truyền thông đại chúng và ngành văn hóa… cần đưa vấn đề gia đình vào nội dung hoạt động của mình với hiệu quả cao hơn, hỗ trợ đắc lực, tác động từ nhiều kênh khác nhau đối với việc thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Gia đình là tế bào tự nhiên và cơ bản của cộng đồng xã hội. Trên tinh thần đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “…nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng xã hội chủ nghĩa mà phải chú ý hạt nhân cho tốt” Đó là nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về gia đình.

Tử tưởng đó của Người đã được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng về Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011): “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách”.

Báo cáo Chính trị của Đảng tại Đại hội XI cũng nêu rõ: “Sớm có chiến lược quốc gia về xây dựng gia đình Việt Nam, góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống của văn hóa, con người Việt Nam, nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ…”

            Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế tạo ra nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi để gia đình phát triển, đồng thời cũng đặt gia đình và công tác gia đình trước nhiều thách thức. Do đó, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc là động lực quan trọng quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội, là vấn đề ngày càng có ý nghĩa, đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội.


Số lượt người xem: 18600    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA