Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 52/2012/NĐ-CP ngày 14/6/2012 của Chính phủ và các quy định khác của pháp luật có liên quan về xử phạt vi phạm hành chính.
Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy được quy định tại Nghị định 52/2012/NĐ-CP, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:
a/ Phạt cảnh cáo;
b/ Phạt tiền.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
a/ Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề;
b/ Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
Ngoài các hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung như đã nêu trên, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
a/ Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do vi phạm hành chính gây ra;
b/ Buộc khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ hạng mục công trình, công trình xây dựng trái phép;
c/ Buộc khắc phục tình trạng không an toàn do vi phạm hành chính gây ra;
d/ Buộc giảm khối lượng, số lượng chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ theo định mức quy định;
đ/ Buộc di chuyển chất nguy hiểm về cháy, nổ do vi phạm hành chính gây ra đến kho, địa điểm theo quy định;
Trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt hàng ngày, đại đa số người dân ở khu dân cư đều nêu cao ý thức về phòng cháy và chữa cháy nên việc xảy ra cháy nhà ở khu dân cư ít khi xảy ra, bảo đảm được an toàn về tài sản và tính mạng của con người. Mặc dù vậy, không ít người biết rằng cháy xảy ra thì thiệt hại khó lường về tài sản cũng như con người nhưng rất chủ quan trong việc phòng cháy, nên khi cháy xảy ra là phải gánh chịu hậu quả nặng nề về vật chất và tinh thần. Việc khắc phục phải mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc của gia đình, người thân, của cộng đồng dân cư và của cả xã hội. Vụ cháy tại phường 10 vừa qua là một ví dụ cụ thể, thiệt hại về tài sản và thiệt hại lớn nhất và vô giá là có người chết.
Để hạn chế tối đa các vụ cháy có thể xảy ra tại khu dân cư. Chúng ta cần tập trung cả hệ thống chính trị và nhân dân thực hiện tốt công tác tuyên truyền, công tác phổ biến, giáo dục mọi người thường xuyên, luôn nêu cao ý thức phòng cháy và chữa cháy, không được chủ quan, chủ hộ phải có trách nhiệm hướng dẫn cho mọi thành viên trong gia đình luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, phòng cháy và chữa cháy, thường xuyên kiểm tra nguồn điện, dây điện, các vật dụng về điện; nếu thấy dây điện rò rỉ, tróc lớp nhựa, dễ bị chập mạch… cần thay ngay. Nấu, nướng xong phải tắt điện, ga, lửa… Ra khỏi nhà phải kiểm tra tắt các dụng cụ sử dụng điện, khóa cửa cẩn thận.
Việc thờ cúng phải đặt nơi trang nghiêm, tránh những nơi dễ cháy khi thắp nhang, đèn; chú ý việc cắm nhang vào lư nhang để tránh việc cây nhang đang cháy, cháy lan qua các chân cây nhang khác trong lư nhang và phát cháy.
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục mọi người luôn nêu cao trách nhiệm trong công tác phòng cháy và chữa cháy, các thành viên trong gia đình, cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, bảo vệ trong các cơ quan nhà nước, công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh luôn tự kiểm tra phòng cháy và chữa cháy tốt.
Các cơ quan có thẩm quyền và Ủy ban nhân dân phường thường xuyên tổ chức kiểm tra nhắc nhở và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong công tác phòng cháy và chữa cháy theo quy định của Nghị định 52/2012/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/6/2012 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy.