SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
3
8
3
6
0
2
Tin tức sự kiện 15 Tháng Ba 2013 11:15:00 SA

Nguyễn Ái Quốc với Quốc tế Cộng sản

Kế tục tư tưởng và sự nghiệp vĩ đại của C.Mác và Ph.Ăng-ghen, V.I.Lê-nin, lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, đã xây dựng và lãnh đạo tổ chức quốc tế cách mạng của giai cấp vô sản, trung tâm phối hợp và lãnh đạo phong trào Cộng sản, công nhân Quốc tế trong suốt 24 năm từ năm 1919 đến 1943. Đó là Quốc tế Cộng sản.

Đại hội thành lập Quốc tế Cộng sản diễn ra từ ngày 2 đến 6-3-1919 tại Mát-xcơ-va do V.I.Lê-nin chủ trì, vào lúc Nguyễn Ái Quốc đang sống và hoạt động ở Pa-ri trong Hội người Việt yêu nước, trong phong trào công nhân và Đảng Xã hội Pháp. Đại hội thông qua nhiều văn kiện, trong đó có "Tuyên ngôn của Quốc tế Cộng sản gửi những người vô sản toàn thế giới" kêu gọi những người vô sản các nước đoàn kết lại dưới lá cờ của Quốc tế Cộng sản đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc dã man, chống lại những giai cấp đặc quyền, chống lại tất cả các hiện tượng và hình thức áp bức xã hội và dân tộc, giành chính quyền và chuyên chính vô sản.

Quốc tế Cộng sản trải qua bảy nhiệm kỳ Đại hội.

Sau Đại hội II, Nguyễn Ái Quốc lúc bấy giờ là đảng viên Đảng Xã hội Pháp, đã được đọc bản Đề cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê-nin đăng trên báo L'Humanité. Sau khi nghiên cứu nghiêm túc văn kiện này, Nguyễn Ái Quốc thấy rằng, Quốc tế Cộng sản đã thừa nhận việc đấu tranh giành độc lập dân tộc là một nguyện vọng tha thiết của nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước thuộc địa khác. Tại Đại hội Đảng xã hội Pháp ở Tua năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã lên tiếng tố cáo những tội ác của chủ nghĩa thực dân Pháp, kêu gọi những người xã hội chủ nghĩa chân chính Pháp hãy có những hành động ủng hộ thiết thực phong trào cách mạng giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa.

Từ năm 1921 đến 1923, với tư cách là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc say mê nghiên cứu lý luận của Lê-nin, đường lối của Quốc tế Cộng sản trên tất cả các vấn đề đấu tranh cách mạng, đặc biệt là vấn đề dân tộc và thuộc địa, đồng thời tham gia tích cực mọi hoạt động thực tiễn nhằm thực hiện lý luận và các Nghị quyết của Quốc tế Cộng sản.

Được sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Tháng 6-1924, Nguyễn Ái Quốc được Đảng Cộng sản Pháp cử đi dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản ở Mát-xcơ-va. Trong Đại hội này, Nguyễn Ái Quốc đã đọc tham luận về hoạt động của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, về vấn đề dân tộc và thuộc địa, về vấn đề ruộng đất. Nguyễn Ái Quốc còn đưa ra trước Đại hội những đề nghị cụ thể của mình mà theo đồng chí thì nếu thực hiện được những đề nghị ấy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Đảng Cộng sản Pháp trong việc đẩy mạnh hoạt động về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Đại hội đã cử Nguyễn Ái Quốc làm Ủy viên Ủy ban thường trực các thuộc địa của Quốc tế Cộng sản.

Năm 1924, Quốc tế Cộng sản thành lập Đông Phương bộ ở Thượng Hải (Trung Quốc) và Nguyễn Ái Quốc được cử làm Ủy viên. Đông Phương bộ đã có nhiều công lao trong việc tổ chức tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lê-nin vào Việt Nam.

Năm 1925, Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông được thành lập, trong đó Đông Dương là một thành viên.

Năm 1928, sau Đại hội VI, nhiều văn kiện của Đại hội được đưa vào Việt Nam, trong đó có bản Đề cương về cách mạng giải phóng dân tộc được xem là một tài liệu có tác dụng chỉ đạo thiết thực đối với Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội - tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này.

Ngày 27-10-1929, Quốc tế Cộng sản đã gửi thư cho những người cộng sản Việt Nam một Chỉ thị về việc thành lập một Đảng Cộng sản thống nhất ở Đông Dương.

Đầu tháng 2-1930, Nguyễn Ái Quốc, Ủy viên Đông Phương bộ, được Quốc tế Cộng sản ủy nhiệm về Trung Quốc trực tiếp triệu tập Hội nghị Hương Cảng để thống nhất ba tổ chức Cộng sản thành một Đảng Cộng sản thống nhất - Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất (10-1930) quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Quốc tế Cộng sản (1931) đã kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương vào hàng ngũ của mình là một thành viên chính thức.

Những năm tháng hoạt động ở Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm đấu tranh cách mạng để cống hiến với Quốc tế Cộng sản và chỉ đạo cách mạng ở Đông Dương sau này. Nguyễn Ái Quốc đã đi sâu nắm tình hình ở các thuộc địa, nắm quan điểm của các Đảng Cộng sản có liên quan đến vấn đề thuộc địa, tập hợp và cung cấp cho Quốc tế Cộng sản thêm nhiều tư liệu quý và những nhận xét sâu sắc. Nội dung ấy được trình bày trong các bài phát biểu ở Đại hội V Quốc tế Cộng sản, Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân, Đại hội lần thứ III Quốc tế Cộng sản đỏ v.v... cùng với vài chục bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí của Quốc tế Cộng sản (Thư tín Quốc tế, Quốc tế Cộng sản) và báo chí của các đoàn thể quốc tế (Quốc tế Nông dân, Quốc tế Công hội đỏ, Nữ Công nhân).

Năm 1941, Nguyễn Ái Quốc trở về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Lúc này, ở trong nước, kẻ thù đàn áp cách mạng rất ác liệt. Ở ngoài nước, chiến tranh lan rộng, nên sự liên lạc giữa Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương và Nguyễn Ái Quốc với Quốc tế Cộng sản bị gián đoạn. Tuy vậy, Nghị quyết Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, các Hội nghị Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản sau đó vẫn soi sáng cuộc đấu tranh cách mạng tiến lên giành độc lập dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc và phát xít.

            Năm 1943, trước bối cảnh quốc tế và sự phát triển của các Đảng Cộng sản, Quốc tế Cộng sản tuyên bố giải tán, nhưng tinh thần và truyền thống vẻ vang của Quốc tế Cộng sản vẫn được Đảng ta, đứng đầu là Nguyễn Ái Quốc tiếp tục kế thừa và phát huy, đưa Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công trong cả nước, góp phần to lớn vào sự nghiệp vẻ vang của phong trào cách mạng thế giới.


Số lượt người xem: 24405    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA