SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
3
4
7
4
1
6
Tin tức sự kiện 29 Tháng Giêng 2022 8:05:00 SA

Chủ tịch UBND Quận 11 Trần Phi Long và những câu chuyện bây giờ mới kể

 

 

Trong không khí của những ngày cuối năm 2021 và chuẩn bị đón một năm mới – năm 2022, Chủ tịch UBND Quận Trần Phi Long trải lòng với chúng tôi: Tư tưởng “lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tư tưởng vì nhân dân, vì con người. Bác luôn căn dặn cán bộ phải gần dân, hiểu dân, trọng dân, học dân. Thấm sâu lời dạy của Người, trong những năm tháng công tác, nhất là trong thời gian cùng cả thành phố ứng phó với đại dịch Covid-19,  với tôi vì nhân dân, tôi sẵn sàng làm mọi công việc, kể cả công việc nguy hiểm đến tính mạng để người dân tử vong ít nhất, được bình an, được trở về với gia đình, với cuộc sống thường nhật. Còn sức thì tôi còn làm! Đó còn là  trọng trách mình mang trên vai.

Thời điểm cận Tết, nhà nhà sum họp bên bữa cơm gia đình, Chủ tịch UBND Quận 11 Trần Phi Long vẫn còn nhiều trăn trở bởi nỗi lo lắng vì những con số biết nói. Hằng ngày, khi đối diện với những bản báo cáo, số lượng người nhiễm, số lượng người tử vong vì Covid-19, đồng chí Trần Phi Long không khỏi xót xa và tự nhủ: “Phải làm gì để người dân tử vong ít nhất”? Câu hỏi của đồng chí như xoáy vào nỗi lòng của mỗi chúng tôi và đưa chúng tôi trở về những câu chuyện của những ngày tháng không thể quên với nhân dân Quận 11.

Chủ tịch Trần Phi Long kể lại: “Có hôm, tôi lái xe cấp cứu cùng anh em trực tiếp đưa người dân tới Bệnh viện. Bệnh viện rất đông, người bệnh cũng không có chỗ để nghỉ. Sau khi cấp cứu bệnh nhân, lúc bấy giờ đã tròm trèm 3 giờ sáng, anh em y tế mệt nhoài, cứ thế nằm la liệt trên mặt đường để tranh thủ nghỉ lấy sức để tiếp tục công việc cho ngày mai. Với giọng nói bùi ngùi, ánh mắt đượm buồn, đồng chí Trần Phi Long vẫn như đang chứng kiến  06 người dân chết trong đêm trước cổng Bệnh viện Quận 11, dưới cơn mưa tầm tã; hình ảnh những người bệnh nằm la liệt trong dù dã chiến (các đơn vị của Quận dựng tạm để phục vụ người bệnh nằm chờ trong tình trạng quá tải), những thi thể của bệnh nhân mất vì Covid-19 chưa kịp xử lý cũng nằm tạm tại hành lang bệnh viện, thậm chí ngoài trời... Đến nay, những hình ảnh đó vẫn còn như in trong tâm trí tôi. Tôi thấy ranh giới giữa sự sống và cái chết lúc đó sao gần đến vậy. Lòng tôi càng thêm trĩu nặng vì đây là một bài toán khó, nhiều lời giải phải làm sao cho vẹn toàn…”.

Ngay sau đó, Chủ tịch UBND Quận Trần Phi Long cùng với lãnh đạo Quận đã ra quyết định hoán cải công năng 2 chiếc xe của Quận để làm xe cấp cứu, một đường dây nóng được lập tức triển khai chính là số điện thoại của tôi và Phó Chủ tịch UBND Quận Nguyễn Trần Bình. Đường dây nóng liên tục nhận được nhiều cuộc gọi từ đêm tới sáng. May mắn là chúng tôi huy động được một đội tình nguyện lái xe cấp cứu với 07 người tham gia. Vấn đề đầu tiên khi thiếu hụt xe cấp cứu cơ bản đã giải quyết, vấn đề tiếp theo là khi đưa bệnh nhận vào viện, phải biết được mức độ nặng nhẹ của người bệnh để cấp cứu, điều trị hay chuyển viện kịp thời… Trao đổi nhanh và được tư vấn chuyên môn của Bác sĩ Phạm Quốc Dũng, Giám đốc Bệnh viện Quận 11, tôi quyết định thuê ngay một máy chụp X-quang lưu động từ Bình Dương chuyển về để chụp phổi bệnh nhân, đánh giá tình trạng bệnh. Với máy chụp X-quang lưu động này, F0 được đánh giá tình trạng bệnh từ sớm, nếu có dấu hiệu tổn thương phổi thì kịp thời chuyển lên tuyến trên. Nhờ máy X-quang được đưa vào vận hành kịp thời, tại khu cách ly 900 giường của quận gần như không có ca tử vong.

Thời điểm đó, tình trạng oxy khan hiếm, đồng chí Phi Long và các lãnh đạo Quận đã quyết định triển khai việc thành lập trung tâm phân phối và sang chiết oxy ngay tại quận, phân phối xuống 32 điểm ở các phường. Không chỉ vậy, khu điều trị của bệnh viện quận khi đó cũng chỉ có 2 bồn oxy 1m3 cho hơn cả trăm người dùng cùng lúc, tình trạng thiếu oxy xuất hiện. Quận tiếp tục vận động lắp đặt và vận hành một bồn oxy 21m3.

Đến thời điểm F0 ngày càng tăng cao theo chính sách xét nghiệm diện rộng của thành phố thì khu cách ly dù được nâng công suất lên 2500 giường thời điểm này cũng không đủ để đáp ứng. Chúng tôi nghĩ ngay đến việc phải thành lập một đội y bác sĩ tình nguyện khám F0 tại nhà khi Sở Y tế chưa có hướng dẫn và cũng chưa có có đơn vị nào triển khai để học hỏi kinh nghiệm. Chúng tôi đã tập hợp được 22 y bác sĩ tình nguyện, chỉ trong 4 ngày đã khám cho 1000 trường hợp. Một tuần sau đó, chúng tôi được tăng cường bộ đội quân y và triển khai thành lập các trạm y tế lưu động.

Tuy triển khai nhiều giải pháp là vậy, nhưng nhiều trường hợp chúng tôi vẫn không thể giành giật được bệnh nhân từ tay tử thần. Đó là điều mà không chỉ riêng tôi, ngành y tế quận 11 vẫn luôn trăn trở khi phải tuyên bố công nhận tử vong với gia đình, thân nhân người bệnh.

Việc xử lý thi hài cũng là vấn đề bức thiết đặt ra khi số ca tử vong ngày càng gia tăng. Giai đoạn đầu, các đội xử lý thi hài của thành phố không đủ đáp ứng xử lý thi hài trong bệnh viện và cả ngoài cộng đồng. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều thi thể gần 3 ngày chưa được xử lý. Nhận thấy bấp cập trong công tác này, tôi cùng lanh đạo Quận đã bàn bạc, thống nhất xin ý kiến lãnh đạo thành phố về việc xin phép cho địa phương được chủ động liên hệ nhà mai táng, và đề xuất định mức mai táng phí (17 triệu đồng/trường hợp). Kết quả là chúng tôi đã nhận được sự chấp thuận chủ trương từ thành phố. Tuy nhiên, vấn đề còn lại là nơi đặt thi hài chờ đưa đi hỏa thiêu thì chưa được giải quyết. Quận có đề xuất sử dụng container lạnh làm nơi lưu giữ thi hài nhưng thời điểm đó chưa được thành phố chấp thuận. Vào tình thế đó, tôi cùng các đồng chí lãnh đạo trong Quận đã có một quyết định “xé rào” là đưa một container lạnh về bệnh viện trong đêm làm nơi tạm lưu giữ thi hài của người tử vong do Covid-19 và chờ tới khi được đưa đi mai táng. Sau này, container lạnh chính thức được sử dụng như một nơi lưu giữ thi hài bệnh nhân tử vong vì Covid-19 toàn thành phố…

Với ánh mắt vừa buồn, vừa vui, đồng chí Trần Phi Long chia sẻ: “May mắn là tôi đã quyết định đúng, tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm hết với những quyết định đó, kể cả nguy cơ bị kỷ luật, mất việc, tôi vẫn phải làm, bởi vì mình còn mang trên vai trọng trách, đó là sức khỏe và sự bình an của nhân dân”. Tuy nhiên, việc ra nhiều quyết sách táo bạo, chưa có trong tiền lệ từ trước tới nay cũng chỉ giải quyết được vấn đề điều trị bệnh khi đã phát hiện khởi phát bệnh. Đây không phải là giải pháp để giải quyết rốt ráo dịch bệnh Covid-19. Muốn chống dịch thì công tác phòng dịch phải được xác định ưu tiên hàng đầu. Do vậy, trụ cột cần ưu tiên đó chính là tiêm chủng vaccine. Hơn 21 điểm tiêm trên toàn Quận ra đời trong bối cảnh ấy. Toàn bộ Thường vụ Quận ủy, UBND quận được huy động, lực lượng tình nguyện viên tích cực tham gia từ sáng đến tối trong chiến dịch tiêm chủng vaccine. Với tâm thế những người chiến sĩ “ra trận” phải chiến thắng mới được quay về nên tất cả anh em trong toàn Quận luôn kề vai sát cánh, đồng lòng trong cuộc chiến chống dịch. Với chiến lược đó, kết quả là Quận 11 là địa phương đầu tiên hoàn thành sớm nhất về tốc độ tiêm chủng, hiệu suất cũng cao nhất. Tính đến thời điểm hiện nay, Quận 11 là quận đầu tiên tiến hành tiêm đủ 2 mũi vaccine cho người dân (đạt trên 98%). Hiện nay, Quận đang tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm vaccine mũi 3 (mũi bổ sung) và tiêm vét các mũi 1,2 cho các trường hợp chưa được tiêm do hoãn tiêm hoặc nhiễm Covid-19 trong thời gian vừa qua. Chiến dịch bắt đầu từ ngày 04/01/2022 và dự kiến sẽ hoàn tất mũi 3 bổ sung cho toàn dân của Quận trong ngày 14/01/2022. Với tinh thần đoàn kết, với toàn bộ quyết tâm cao nhất, bất chấp những nguy hiểm cho tính mạng của mình và người thân, tất cả những con người đang tham gia vào mặt trận phủ vaccine toàn dân Quận 11 đã phát huy tối đa công suất làm việc (hơn 200% sức lực) để mang lại sự bình an cho nhân dân.

Trong cuộc chiến cam go, ác liệt giành giật sự sống cho người dân, tôi thầm biết ơn các anh em chiến hữu trong tuyến đầu chống dịch. Đó là những cán bộ, y bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế quận, phường; các đơn vị chi viện; các chiến sĩ quân đội, công an, đảng viên, công chức cơ sở, ban bảo vệ dân phố, ban điều hành khu phố, tổ dân phố, y bác sĩ phòng khám tư nhân, lực lượng tình nguyện viên, đoàn viên, thanh niên, các vị mạnh thường quân… đã kề vai sát cánh, phát huy tinh thần trách nhiệm cao độ, bền bỉ vượt qua khó khăn, dũng cảm đương đầu để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, giảm thiểu tối đa số ca tử vong. Kể sao cho siết những khó khăn, vất vả trong những ngày tháng chống dịch vừa qua, đó là sự hy sinh thầm lặng của nhiều tập thể, cá nhân, làm việc với cường độ cao những đêm dài không ngủ, ngày không kịp ăn, dầm mưa dãi nắng để vận chuyển nhu yếu phẩm, thuốc men cho người dân trong khu cách ly, phong tỏa, trao tận tay từng gói thuốc, gói thực phẩm cho những hộ dân khó khăn; những tình nguyện viên tranh thủ từng phút từng giờ để vận chuyển người bệnh cấp cứu, mang oxy đến tận nhà cho người bệnh vượt qua cơn chuyển nặng, đó là sự thơm thảo chung tay hỗ trợ máy móc, vật tư, trang thiết bị, trang phục bảo hộ, khẩu trang, hàng hóa thiết yếu, lương thực thực phẩm… nên số lượng tử vong của Quận 11 thuộc nhóm thấp nhất của TP. Hồ Chí Minh.

 Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã nhiễm bệnh, nhiều đồng chí, đồng đội đã ngã xuống. Đó là sự mất mát quá lớn đối với chúng tôi khi chứng kiến đồng chí, đồng đội của mình phải ra đi. Những hình ảnh, nghĩa cử cao quý đó sẽ mãi ghi đậm dấu ấn không bao giờ quên đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quận 11.

Chia tay đồng chí Trần Phi Long trong tiết trời Xuân đang về với mọi nhà và mỗi chi tiết trong từng câu chuyện của đồng chí Chủ tịch UBND Quận lại vang lên trong lòng chúng tôi câu hát “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai… Xin hát về bạn bè tôi, những người sống vì mọi người” để tôn vinh, tri ân, gửi gắm tình cảm đến những người đã, đang và tiếp tục cống hiến sức mình để giành lại lại sự sống, sức khỏe và bình yên cho mỗi người dân Quận 11.

BTQ

 


Số lượt người xem: 663    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Thông điệp Tay chân miệng 2015
  • Thông điệp Sốt xuất huyết 2015
Tìm kiếm