SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
4
9
6
6
0
2
Tin tức sự kiện 17 Tháng Hai 2021 7:05:00 SA

Những bông hoa đẹp của Quận 11 năm 2020

Năm 2020, Quận 11 đã đón mừng nhiều tấm gương tiêu biểu đó là: Cô Lê Thị Thúy Vân giáo viên môn Công nghệ, trường THCS Lữ Gia, Thầy Phạm Đông Phương, giáo viên môn Vật lý và Cô Đỗ Thị Đan Thùy, giáo viên môn Địa lý đều của trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa được tặng giải thưởng Võ Trường Toản cấp Thành phố (lần 23-2020). Ngoài ra còn có 4 Thầy Cô khác của Quận 11 được tuyên dương “Nhà giáo trẻ tiêu biểu Thành phố Hồ Chí Minh” (lần 12-2020). Đây cũng là những bông hoa đẹp của ngành GDĐT Quận 11 trong năm 2020.

 

Cô LÊ THỊ THÚY VÂN

(Giáo viên trường THCS Lữ Gia)

LÊ THỊ THÚY VÂN là cô giáo dạy môn Công nghệ, Chủ nhiệm lớp 9/4 của trường THCS Lữ Gia năm học 2020-2021. Cô Thùy Vân là một trong 7 giáo viên bậc học THCS của ngành giáo dục Thành phố vinh dự được trao tặng giải thưởng Võ Trường Toản cấp Thành phố (lần 23-2020) do Sở GD-ĐT TP.Hồ Chí Minh tổ chức nhân dịp kỷ niệm lần thứ 38 ngày Nhà Giáo Việt Nam 20.11 (1982-2020) tại Nhà hát Thành phố vừa qua.

Cô Thúy Vân sinh ngày 01/12/1969, quê quán huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang, cư ngụ tại số B4.6E Chung cư Bình Đăng, Phường 6, Quận 8. Tốt nghiệp kỹ sư cơ khí-kỹ thuật tại trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh năm 1994. Về công tác tại trường THCS Lữ Gia Quận 11 từ tháng 2-1995 cho đến nay, cô Thúy Vân đã được tập thể thầy cô tín nhiệm, phụ huynh tin tưởng, học sinh yêu mến và kính trọng.

Ảnh: Cô Lê Thị Thúy Vân-giáo viên trường THCS Lữ Gia nhận giải thưởng Võ Trường Toản (lần 23-2020) do Sở GDĐT TP.HCM tổ chức tại Nhà hát Thành phố

Đối với Công nghệ là một môn học mới mang nhiều tính kỹ thuật, tính thực tiễn và gần gũi với đời sống xã hội bởi công nghiệp là một ngành quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Vì thế để giúp học sinh tiếp thu bài giảng và học tốt môn Công nghệ khối lớp 8-9, Cô Thúy Vân đã vận dụng phương pháp dạy học tiếp cận thực tiễn thông qua hoạt động thực hành theo phương pháp giáo dục STEM, củng cố kiến thức, dặn dò học sinh chú trọng về kỹ thuật, cơ khí, kỹ thuật điện đối với chương trình Công nghệ lớp 8 cũng như việc xây dựng dưới dạng mô-đun, kỹ năng nghề “lắp đặt mạng điện trong nhà” đối với chương trình Công nghệ lớp 9 đồng thời rèn luyện cho các em một số kỹ năng lao động nghề nghiệp, làm quen với các ngành nghề trong xã hội như nấu ăn, trồng cây, cắt may, lắp đặt mạng điện trong nhà, sửa chữa xe đạp cũng như biết vẽ kỹ thuật, lắp ráp mô hình, thực hành thí nghiệm qua đó giúp học sinh hình thành tính năng làm việc khoa học theo tác phong công nghiệp và để hướng nghiệp cho các em sau khi tốt nghiệp bậc học THCS.

Thống kê chất lượng học tập môn Công nghệ ở 10 lớp thuộc khối 8-9 do Cô Thúy Vân phụ trách trong năm học 2019-2020 được ghi nhận đã có 357 học sinh đạt loại giỏi trong đó có hai lớp 8/1 và 9/1 đạt tỉ lệ học sinh giỏi 100% còn riêng lớp 9/6 của Cô Thúy Vân làm chủ nhiệm đã đạt tỉ lệ 100% học sinh được công nhận tốt nghiệp THCS với thành tích có 18 học sinh đạt danh hiệu học sinh Giỏi (41,9%) và 14 học sinh đạt danh hiệu học sinh Tiên tiến (32,6%). Về công tác bồi dưỡng học sinh giỏi môn Công nghệ và môn Vẽ kỹ thuật, Cô Thúy Vân cũng đã mang về cho trường nhiều giải thưởng trong đó có 2 giải Nhất, 3 giải Nhì, 2 giải Ba và 1 giải Khuyến khích đạt cấp Quận và cấp Thành phố.

Nhiều đề tài sáng kiến kinh nghiệm của Cô Thúy Vân được ứng dụng trong giảng dạy, nổi bật nhất là hai đề tài sáng kiến kinh nghiệm là: “Vận dụng phương pháp giáo dục STEM để dạy bài thực hành truyền chuyển động-môn Công nghệ lớp 8”“Sử dụng phương pháp Bàn tay nặn bột để dạy các bài thực hành lắp đặt mạch điện-môn Công nghệ lớp 9” đều được Hội đồng sáng kiến cấp Quận công nhận, đạt tính khả thi cao.

Với thâm niên 25 năm giảng dạy, Cô Thúy Vân được nhà trường đánh giá xếp loại “Chuyên môn giỏi” nhiều năm liền, hai lần đạt danh hiệu Giáo viên Giỏi cấp Quận, một lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Thành phố, 12 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, 5 Bằng khen của UBND TP.Hồ Chí Minh và mới đây là giải thưởng Võ Trường Toản cấp Thành phố.

Trưởng thành từ gia đình có truyền thống chọn nghề sư phạm, Cô Thúy Vân là cô con gái thứ hai của gia đình vinh dự được nhận giải thưởng Võ Trường Toản cấp Thành phố. Trước đó, chị gái của mình là cô Lê Thị Thu Vân, giáo viên dạy môn Hóa học ở trường THCS Bình Tây (Quận 6) cũng được trao tặng giải thưởng Võ Trường Toản (lần 17-2014) còn đối với trường THCS Lữ Gia thì Cô Lê Thị Thúy Vân là cô giáo thứ ba của trường được trao tặng giải thưởng cao quý này mà điều thú vị nhất là cả ba cô giáo được trao tặng giải thưởng Võ Trường Toản của trường đều cùng mang họ Lê đó là cô Lê Diệu Hằng-giáo viên môn Hóa học (giải thưởng Võ Trường Toản lần 16-2013) và cô Lê Thị Minh Hương-giáo viên môn Vật lý (giải thưởng Võ Trường Toản lần 17-2014).

Niềm vui của Cô Lê Thị Thúy Vân còn được nhân đôi khi tập thể Sư phạm của trường THCS Lữ Gia (Quận 11) đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, phần thưởng cao quý do Chủ tịch Nước trao tặng đúng vào dịp nhà trường tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 38 ngày Nhà giáo Việt Nam trong năm học 2020-2021.

 

Thầy PHẠM ĐÔNG PHƯƠNG và Cô ĐỖ THỊ ĐAN THÙY

(Giáo viên Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa)

 

Thầy PHẠM ĐÔNG PHƯƠNG, sinh ngày 31/01/1968, quê quán huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, cư ngụ tại số A304 Chung cư Da Sà, đường 21D, Phường Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân. Tốt nghiệp Cử nhân Vật lý tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM năm 2005. Thầy Phương đã có 8 năm giảng dạy môn Vật lý ở trường THPT Long Trường, Quận 9, TP.HCM. Năm 2012 Thầy Phương bảo vệ luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Vật lý tại trường Đại học Quốc gia. Từ tháng 9-2013 cho đến nay, Thầy Phương chuyển về giảng dạy môn Vật lý tại trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 11.

Còn nhớ cách đây hai năm, tác phẩm truyền hình “Người Thầy” do Nhóm Phóng viên Trung Tâm Tin Tức HTV của Đài Truyền hình TP.HCM thực hiện đã được trao tặng Giải Vàng (Thể loại Phóng sự) tại Cuộc thi Liên hoan Truyền hình Toàn quốc lần thứ 38-2018 do Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) tổ chức tại Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Nội dung phóng sự này khắc họa lại tấm gương lao động vượt khó, nuôi các em ăn học thành tài, vươn lên học tiếp Đại học với ước mơ được làm Thầy để rồi phải chống chọi lại cơn bệnh hiểm nghèo, quyết tâm vượt qua bạo bệnh, bám trường, bám lớp và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học. Tấm gương người thầy ấy đã tạo ấn tượng sâu đậm và niềm xúc động đối với khán giả truyền hình và trong toàn ngành giáo dục của Thành phố và cả nước.

Hình ảnh chân dung người Thầy trong phóng sự đó là Thầy PHẠM ĐÔNG PHƯƠNG, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A13 năm học 2020-2021 của trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa thuộc Phường 16, Quận 11 hiện nay Thầy Phương cũng chính là một trong 50 nhà giáo xuất sắc-cán bộ quản lý xuất sắc của ngành GD-ĐT của Thành phố được trao tặng giải thưởng cao quý Võ Trường Toản cấp Thành phố (lần 23-2020) do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức nhân dịp kỷ niệm lần thứ 38 ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 (1982-2020) tại Nhà hát Thành phố vừa qua.

“Bài giảng sinh động của THẦY cộng hưởng thái độ học tập “Biết sợ Thầy” của TRÒ sẽ tạo được THÓI QUEN học tốt nhiều môn học!” Đây cũng là phương châm trong phương pháp giảng dạy của Thầy Phương nhằm giúp học sinh yêu thích và học tốt môn Vật lý 12 và thi đại học đạt hiệu quả cao. Môn Vật lý bao gồm cơ-quang-điện đều liên quan đến môn Toán. Điều mà Thầy Phương quan ngại nhất là sự thiếu căn bản kiến thức Toán của học sinh và thường lệ thuộc vào máy tính! Vì thế ngay từ đầu năm học, Thầy Phương tổ chức ôn tập kiến thức song hành cả Vật lý và Toán, kết hợp vừa dạy lý thuyết, vừa luyện tập cũng như hướng dẫn ôn thi đại học, thực hành làm quen các dạng bài trọng tâm như Dao động cơ học, Sóng điện từ, Cường độ dòng điện, Dòng điện xoay chiều, Giao thoa sóng, Lượng tử ánh sáng, Thuyết tương đối, Vật lý hạt nhân, Tìm hộp đen…qua đó giúp học sinh tìm ra hướng giải đáp hiệu quả đồng thời Thầy Phương còn hướng dẫn học sinh thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, tham gia các cuộc thi đua xe năng lượng mặt trời hay thi bắn tên lửa nước, lập Bảng thống kê điểm thi THPT Quốc Gia giúp học sinh lớp 12 chọn trường dựa vào thống kê điểm theo khối thi.

Kết quả xếp loại học tập môn Vật lý ở các lớp do Thầy Phương phụ trách được ghi nhận là có 23,3% học sinh đạt loại Giỏi, 49,2% học sinh đạt loại Khá. Riêng lớp 12A2 (Năm học: 2019-2020) của Thầy Phương làm chủ nhiệm đã có 39/43 học sinh thi đậu trúng tuyển Nguyện vọng 1 vào các trường Đại học, đạt tỉ lệ 90,6% đồng thời Thầy Phương còn mang thành tích về cho cả hai trường THPT Long Trường và Nam Kỳ Khởi Nghĩa nhiều giải thưởng qua các kỳ thi học sinh giỏi môn Vật lý 12, thi Olympic chuyên và không chuyên môn Vật lý lớp 10-11 gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 8 giải Ba đạt cấp Thành phố cùng với 3 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc và 2 huy chương Đồng đạt cấp Cụm.

15 năm giảng dạy, Thầy Phương là giáo viên Giỏi cấp Trường và cấp Cụm nhiều năm liền, hai danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, Công đoàn viên xuất sắc, Bằng khen của UBND TP.HCM, Giấy khen của Hiệu trưởng về thành tích “Dạy học sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT 2020”. Năm học 2018-2019, Thầy Phương được Bình chọn Giáo viên gương điển hình Tiên tiến toàn ngành GD-ĐT Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2015-2019 và mới đây là giải thưởng Võ Trường Toản cấp Thành phố.

 

Ảnh: Thầy Phạm Đông Phương và Cô Đỗ Thị Đan Thùy đều là giáo viên trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa cùng nhận giải thưởng Võ Trường Toản (lần 23-2020) do Sở GĐĐT TP.HCM tổ chức tại Nhà hát Thành phố

Cùng nhận giải thưởng Võ Trường Toản cấp Thành phố với Thầy Phạm Đông Phương là Cô Đỗ Thị Đan Thùy, giáo viên môn Địa lý kiêm Tổ trưởng chuyên môn Tổ Địa lý và cũng chính là Chủ tịch Công đoàn của trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa hiện nay.

ĐỖ THỊ ĐAN THÙY, sinh ngày 17/11/1978, quê quán Hà Nội, cư ngụ tại số 93/51/5 Đường 100 Bình Thới, Phường 14, Quận 11, tốt nghiệp Cử nhân Khoa học Địa lý tại trường Đại học Sư phạm TP.HCM năm 2000. Cũng như Thầy Phương, cô Đan Thùy đã có 8 năm giảng dạy môn Địa lý tại trường THPT Bà Điểm, huyện Hóc Môn. Từ tháng 8.2008 cho đến nay, Cô Đan Thùy chuyển công tác về giảng dạy tại trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa ở Quận 11.

Đối với môn Địa lý cấp 3-theo như Cô Đan Thùy cho biết muốn dạy tốt và học tốt môn học này, trước hết phải khơi gợi được niềm đam mê của học sinh qua từng bài giảng trên lớp, phát huy năng lực tư duy, óc sáng tạo của học sinh, nâng cao hiệu quả sử dụng phương tiện dạy học, phương tiện truyền thông, cập nhật thông tin cần thiết cho cuộc sống, thường xuyên cho học sinh làm quen với các loại hệ thống Tập Bản đồ, vận dụng tối đa tính năng của Atlat, nhận dạng biểu đồ, vẽ biểu đồ, phân tích bảng số liệu cũng như rèn luyện cho học sinh biết ứng dụng trong thực tế và một số kỹ năng có ích trong đời sống và sản xuất qua đó giáo dục các em ý thức trách nhiệm, lòng say mê khoa học và tình yêu quê hương, đất nước.

Kết quả xếp loại học tập môn Địa lý ở các lớp do Cô Đan Thùy phụ trách được ghi nhận là có 5,8% học sinh đạt loại Xuất sắc, 30,3% học sinh đạt loại Giỏi và 52,4% học sinh đạt loại Khá đồng thời cũng mang về thành tích cho cả hai trường THPT: Bà Điểm và Nam Kỳ Khởi Nghĩa nhiều giải thưởng trong đó có hai học sinh đạt giải Nhì ở kỳ thi học sinh giỏi môn Địa lý cấp Thành phố và một giải Nhất cấp Toàn quốc tại cuộc thi An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai do Bộ GD-ĐT và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức trong năm học 2019-2020. Ngoài ra, Cô Đan Thùy còn tham gia dạy học trên truyền hình, bài giảng được phát sóng trên HTV Key của Đài Truyền hình TP.HCM và được Bộ GD-ĐT chọn phát sóng trên kênh VTV7 của Đài Truyền hình Việt Nam trong đợt học sinh nghỉ và học tại nhà vì dịch bệnh Covid-19.

Dù không làm Chủ nhiệm lớp nhưng với vai trò là Chủ tịch Công đoàn của trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Cô Đan Thùy đã tổ chức được nhiều hình thức hoạt động công đoàn phong phú, thiết thực nhằm thu hút sự tham gia nhiệt tình của giáo viên, công đoàn viên cũng như tích cực tham gia các phong trào thi đua của trường, Quận và Công đoàn ngành giáo dục Thành phố, nhiều năm liền Công đoàn trường được công nhận là Công đoàn cơ sở vững mạnh, được Liên đoàn Lao động Thành phố trao tặng Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen trong năm học 2019-2020.

Năm học 2013-2014, sáng kiến kinh nghiệm của Cô Đan Thùy với đề tài “Phát huy vai trò của Ban Nữ công trong công tác vận động nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đã được Hội đồng sáng kiến cấp Ngành xếp loại Tốt.

20 năm gắn bó với bục giảng, Cô Đan Thùy đã đạt được nhiều thành tích và các danh hiệu thi đua như Lao động tiên tiến, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 1 lần Chiến sĩ thi dua cấp Thành phố, 6 Bằng khen và 3 Giấy khen của Ủy ban nhân dân TP.HCM, Liên đoàn Lao động Thành phố, Công đoàn ngành giáo dục Thành phố, Bộ Giáo dục-Đào tạo và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cùng giải thưởng Võ Trường Toản cấp Thành phố.

Lần đầu tiên nhận giải thưởng Võ Trường Toàn cấp Thành phố (lần 23-2020), Thầy Phạm Đông Phương và Cô Đỗ Thị Đan Thùy đều cảm thấy vinh dự và thật hạnh phúc bởi giải thưởng cao quý này như hun đúc thêm lòng yêu nghề để các thầy cô tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng Người, thi đua Dạy tốt-Học tốt, tất cả vì học sinh thân yêu để thực hiện trọng trách cao cả của những nhà giáo còn niềm vui nhất của chúng tôi chính là trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa có đến hai giáo viên đầu tiên của trường được trao tặng giải thưởng Võ Trường Toản cấp Thành phố trong cùng một năm học 2019-2020.

BTQ


Số lượt người xem: 1858    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA