SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
2
6
7
7
4
0
Tin tức sự kiện 30 Tháng Tư 2020 10:30:00 SA

Chuyện kể nhân ngày Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020) (Kỳ 3)

 

Có một “Tiểu Long nữ” Phùng Ngọc Anh người về từ cõi chết

Đó là một câu chuyện rất chân thật của nữ Hoa kiều đặc biệt với cái tên thân thuộc Phùng Ngọc Anh. Mọi người nhắc đến bà vì tấm gương can trường và dũng cảm, khi bị bắt và tra tấn dã man, bà vẫn kiên quyết không khai những anh em đồng chí đồng đội, cho đến tận bây giờ bà vẫn còn nhớ như in cái ngày bà bước ra từ cửa tử.

Cứ mỗi lần nhắc lại quá khứ, bà lại rưng rưng nước mắt nhớ tới một thời hào hùng kháng chiến. Bà Phùng Ngọc Anh bồi hổi kể lại: “Tôi sinh ra ở huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Hồi nhỏ, đây là vùng sôi động của Việt Minh nên tôi bị ảnh hưởng bởi các cô chú kháng chiến. Trong kháng chiến chống Pháp, vùng đất này hứng nhiều bom đạn nên cả gia đình tôi phải lưu lạc lên Sài Gòn sinh sống. Lúc bấy giờ có nhiều nữ sinh trung học như tôi quay trở lại Trung Quốc làm lưu học sinh để tránh chiến tranh. Riêng tôi năm 1961 cũng được gia đình vận động nhưng tôi quyết định sang Hong Kong học tập. Năm 1964, báo chí nước ngoài thường nhắc tới chiến tranh ở miền Nam Việt Nam. Lúc đó tôi nghĩ Việt Nam đang hồ hởi chống Mỹ mà mình chạy trốn như thế không đành nên gom góp tiền bạc để về Sài Gòn hoạt động”.

Lúc bấy giờ nhà tôi đang nuôi giấu một cán bộ cách mạng là anh Tư Bình trong nhà. Lúc tôi mới từ Hong Kong trở về, Ông Tư Bình rất dè dặt với tôi. Hiểu được tâm tư của người cán bộ - anh Tư Bình, đêm đó, tôi lẻn vào phòng và ăn cắp một mớ tài liệu, trong đó toàn là thư cảnh cáo các tên ác ôn có tiếng của Sài Gòn, tôi lặng lẽ rời nhà trong đêm và mang tới các địa chỉ ghi trong thư bỏ vào nhà họ. Thấy tài liệu bị mất, ông Tư Bình rất hoảng, thấy vậy, tôi mới nói với anh Tư Bình: “Tui ăn cắp đồ của anh nhưng tui không làm bậy, tui đi gửi họ rồi”. Từ sau đó, anh Tư Bình mới hướng dẫn và đào tạo tôi tham gia lực lượng võ trang, chuyên đi phát truyền đơn, theo dõi và vạch kế hoạch ám sát những tên ác ôn. Tôi hoạt động gần một năm dưới sự phụ trách trực tiếp của đồng chí Phùng Sinh, sau này do đồng chính Phùng Sinh bị bệnh tim trở nặng, nên cấp trên đặc cách cho ông lui vào sau hoạt động, lúc này toàn bộ trách nhiệm chỉ huy, đôn đốc anh em đội võ trang do tôi lo liệu. Lúc này tôi đề xuất với anh Tư Bình: “đánh mấy tên ác ôn không sướng tay, anh cho tụi tui chuyển sang bắn Mỹ đi…”. Thế là sau đó tôi cùng đồng đội nữ xách súng đi lùng giặc Mỹ. “Lúc bắn đâu biết chúng là ai, cứ thấy Mỹ là bắn thôi. Đến hôm sau báo Tây đăng mới biết tụi này toàn là tướng tá, sĩ quan cấp cao của Mỹ”. Đội võ trang người Hoa do bà phụ trách phát triển lên tới tám người, trong đó nhiều người (như Tiểu Yến, Thanh Hồng) chiến đấu rất dũng cảm.

Cô Phùng Ngọc Anh bồi hồi kể lại chuyện chết đi sống lại của mình, sức khỏe cô yếu dần đi sau những ngày ở nhà tù Côn Đảo, nhưng nụ cười lạc quan vẫn nở trên môi của người nữ biệt động năm nào

Hồi tưởng về những ngày xưa, bà Phùng Ngọc Anh kể rằng sau lần thủ tiêu địch bất thành vào tháng 9-1967, bà bị địch bắt và tra tấn dã man. Tôi nhớ như in cái ngày mà Tòa án quân sự Mỹ đưa tôi ra xét xử, trước khi tuyên đọc bản án, viên thẩm phán hỏi to: “Cô Phùng Ngọc Anh là người Hoa kiều sống ở Chợ Lớn, chính quyền Việt Nam Cộng hòa luôn có những chính sách ưu đãi đặc biết đối với người Hoa. Vậy tại sao cô lại đi làm Việt cộng chống đối chính quyền, phá rối trị an?”. Trước sự chứng kiến của đông đảo quan chức Mỹ, tôi trả lời bọn chúng: “Tôi là người Hoa kiều nhưng sinh ra tại Việt Nam, ăn cơm gạo Việt Nam mà lớn lên. Nay đất nước Việt Nam bị Mỹ xâm lược, tôi có nghĩa vụ cùng nhân dân Việt Nam đứng lên chống Mỹ”.

Sau khi chiến dịch Mậu Thân 1968 nổ ra, đêm mùng 2 Tết, địch đưa bà cùng anh Trần Văn Kiểu, chị Lê Thị Riêng và một số người khác lên một chiếc xe chạy từ Tổng nha Cảnh sát ra Chợ Lớn đem ra xử bắn một cách lén lút. Trên đường đi, toán lính thủ tiêu toàn bộ số người trên xe bằng cách xả súng từ phía sau như một cái cớ bị Việt cộng phục kích trên đường. Toàn bộ tù nhân trên xe đều hy sinh, duy chỉ có bà còn sống sót, bị một viên đạn găm vào đùi ngất xỉu, lúc tỉnh dậy bà thấy chị Lê Thị Riêng nằm đè lên che đạn thay mình. Bà chỉ kịp với lấy cây kẹp tóc trên đầu chị Lê Thị Riêng làm kỷ niệm… Đó là lần thập tử nhất sinh mà bà đã trải qua, cho đến tận bây giờ bà vẫn không tin rằng mình có thể trở về từ cõi chết.

Sau khi được phát hiện vẫn còn sống, tôi bị đày ra Côn Đảo, lần lượt qua các nhà lao như Chí Hoà, chuồng Cọp ở Côn Đảo. Ở đâu, tôi cũng giữ vững cho mình tinh thần lạc quan, cùng với các bạn tù chính trị của mình tiếp tục đấu tranh tiếp tục chiến đấu và cống hiến cho cách mạng”. Mãi đến năm 1974, tôi mới được trao trả tự do.

Chính những ngày hoạt động và những ngày tù ngục là những ngày ý nghĩa, đáng sống vì sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng của mình. Giơ bàn tay nổi tiếng khắp thế giới vì bị tra tấn của mình, bà cho biết: “Đã nửa thế kỷ trôi qua, nhưng tôi luôn nhớ mãi ngày hồi sinh của mình, khi được những người anh, người chị hy sinh cho mình được sống, để mình tiếp tục cống hiến cho cách mạng những ngày tươi đẹp nhất của tuổi xuân”. Bà hiện sống cùng người cháu gái trong khu chung cư phường 8 quận 11, TP.HCM. Có người đã gửi đề nghị phong danh hiệu anh hùng cho “Tiểu Long nữ” Phùng Ngọc Anh. Bà cười khi kể lại chuyện này và nói: “Anh hùng đâu phải dễ, công lao nhỏ bé, văn hóa, chính trị tôi không bằng ai. Anh hùng ở trong tim thôi. Khi đất nước bị xâm lược là biết đứng lên, quên mình chống giặc...”.


 


Số lượt người xem: 3849    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA