Nữ biệt động cánh Hoa vận kiên cường Diệp Tú Anh
“cảm ơn Đảng vì đã cho tôi bản lĩnh, nghị lực...”
Cách đây 45 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã giành thắng lợi hoàn toàn. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta từ đây tập trung sức lực và trí tuệ hàn gắn vết thương chiến tranh xây dựng cuộc sống mới; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nhân dịp 45 năm Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi đã có duyên được gặp gỡ và trò chuyện cùng Bà Diệp Tú Anh – người cán bộ biệt động Hoa vận năm xưa và nghe bà kể về những ký ức hào hùng của một thời tuổi trẻ đã cống hiến cho cách mạng, những gian khổ trong hy sinh chiến đấu, những nỗi đau mất mát tưởng chừng như quá lớn và không thể nào chịu nổi, thế nhưng, bà đã vững vàng và kiên cường, sẵn lòng hy sinh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Bà Diệp Tú Anh – Nữ cán bộ biệt động cánh Hoa vận phường Cầu Tre
Phóng viên: Thưa Bà Diệp Tú Anh, xin Bà chia sẻ một số cảm xúc và kỷ niệm đáng nhớ nhất của Bà trong giai đoạn 30/4/1975?
Bà Diệp Tú Anh:
Giai đoạn 30-4-1975, tôi nghe nói sẽ có chiến dịch Hồ Chí Minh, có thể nói là tôi vô cùng phấn khởi, và tôi cảm thấy đây là một sự thay đổi, đánh dấu mốc lịch sử trong cuộc đời tôi tham gia cách mạng.
Trước ngày diễn ra chiến dịch Hồ Chí Minh, anh Tư Tuấn có đến cho tôi biết “Chị phải chuẩn bị sẵn sàng, thông tin đối với những người ở cơ sở của chị, phải chuẩn bị tinh thần sẵn sàng chiến đấu, lúc bấy giờ tôi là Y tá của Trung ương Cục Miền, thế là tôi bắt tay ngay, chuẩn bị đầy đủ những trang thiết bị phục vụ cho công tác sơ cấp cứu, phòng sơ cứu tại chỗ phục vụ thương binh, chỉ nghĩ đơn giản nếu có nhiều người bị thương thì mình phải sẵn sàng để tiếp ứng, băng ca, thuốc men, nước biển, penicilin, băng keo, bông băng, thuốc cầm máu… và lương thực để có thể cấp cứu trong trường hợp khẩn cấp.
Đêm 30 tháng 4, súng bắn dữ lắm. Lúc bấy giờ tôi ở Phường Cầu Tre (nay là một phần của phường 1 và phường 3 hiện giờ), tôi không hiểu tại sao mà tôi lại có một sức mạnh, một động lực gì mà thúc đẩy cho tôi có nghị lực đến thế. Lúc đó tôi không tiếc sinh mạng mình mà tôi chỉ biết là phải hoàn thành nhiệm vụ của một đảng viên tiên phong, làm thế nào để cho xứng đáng cho những anh em chiến sĩ đã hy sinh của tôi trong trận đánh Mậu Thân năm 1968, như Bác Hồ đã từng nói “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”.
Lúc 10 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, tôi cầm loa mà hô to “Giải phóng quân đã vô thành rồi, đất nước ta được hoàn toàn thống nhất, Hồ Chí Minh muôn năm, giải phóng quân muôn năm. Việt Nam thống nhất muôn năm”.
Bà Diệp Tú Anh (thứ hai từ trái qua) trong ngày Họp mặt truyền thống phụ nữ dân tộc TPHCM
Những ngày sau đó, chúng tôi tuyên truyền về Tuyên ngôn độc lập của Bác Hồ, và cương lĩnh của cuộc cách mạng cho bà con nghe, mấy anh em bên cánh hoa vận mới xuống tiếp quản Khóm 2, rồi tôi dắt các anh qua tiếp quản phường Cầu Tre. Lúc đó tình hình rất là khẩn trương. Tôi nhớ rõ là tôi cầm loa tôi chạy đi tuyên truyền đến Khóm 1 thì tôi gặp được đoàn quân của mình đang tiến vô, lúc này mấy anh được phân công tiếp quản quận 11 nhưng đến đây thì chưa thông thuộc đường sá, thế là tôi dắt đoàn giải phóng quân tiếp quản quận 11, giao lại đoàn quân cho Chị Hai Hòa rồi quay trở về địa bàn hoạt động của mình ở phường Cầu Tre.
Nói về sau ngày 30/4/1975, tôi tiếp tục hoạt động trên địa bàn phường Cầu Tre, lúc bấy giờ công việc còn khá ngổn ngang, bận rộn, chúng tôi vừa phải kêu gọi ngụy quân ngụy quyền đăng ký đi học tập, đồng thời tuyên truyền cho bà con hiểu rõ về Tuyên ngôn độc lập của Bác Hồ, Cương lĩnh của cuộc cách mạng, nói cho bà con hiểu rõ cuộc tiến công của mình vĩ đại như thế nào… Thế là sau quá trình vận động, bà con trước còn e dè sau mở toang cửa, hoan nghênh bộ đội ta tiến vào, tình hình vô cùng phấn khởi.
Lúc bấy giờ tôi phụ trách hội phụ nữ, các dì các chị tích cực lo công tác hậu cần cơm nước cho các chiến sĩ… đồng thời cũng rất thích nghe tôi kể chuyện: tôi kể về gương lịch sử của nữ tướng Trưng Trắc, Trưng Nhị; gương của Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Thị Bình - khi bà ra tù tham gia luôn vào phong trào hoà bình đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ; “Đội quân tóc dài” của Phó Tư lệnh Nguyễn Thị Định - bà là một trong những người lãnh đạo mở đầu cho Phong trào Đồng khởi Bến Tre…
Lúc đó, ít có thời gian chăm sóc cho hai con tôi là Diệp Tuấn và Diệp Dũng. Lúc đó đứa lớn tầm 8 tuổi – đứa nhỏ tầm 7 tuổi. Chúng nó tự lo cơm nước cho nhau. Giờ nghĩ lại thấy thương chúng nó quá. Mải mê công tác chẳng mấy khi tôi có thời gian để chăm sóc con cái của mình.
Lúc chồng tôi còn sống, vợ chồng tôi nghe bé Hiền và bé Nam hát bài “Em bé giải phóng quân” tại toà soạn báo giải phóng trung ương cục, thấy bài hát dễ thương quá lại có khí thế; chồng tôi nói: “sau này con chúng mình lớn lên, chắc chăn phải dạy nó hát bài này”. Thế nhưng, anh đâu còn nữa để nghe con mình hát… (Nói đến đây bà nghẹn lại, một lát sau bà ngậm ngùi kể tiếp)
Anh đã hy sinh trong trận đánh Mậu Thân 1968 nên ngày giải phóng 30/4/1975 lịch sử, tôi đã dạy hai con hát thuộc ngay bài hát trong đêm. Sáng 1/5 hai anh em nó lên hát. Lòng tôi như nghẹn lại, vô cùng xúc động không nói nên lời! “Anh ơi! Anh có nghe không? Em đã làm đúng nguyện vọng anh mơ ước rồi đó. Hai con chúng mình đã hát và ngoan giỏi lắm. Lúc đó làm gì có sân khấu, tui nó hát bà con xúm lại nghe “hai chú bộ đội nhí” hát hay quá, biểu diễn dễ thương quá. Em cảm thấy lòng em ấm áp, an ủi và có chút tự hào…” tôi nhủ thầm trong lòng mình như vậy. Hai em bé Hiền và bé Nam sau ngày giải phóng, chúng tôi có dịp gặp lại nhau, bé Hiền lúc đó tôi nhớ đang là Tổng biên tập Báo tiếp thị; còn bé Nam đang là du học sinh nước Nga.

Bà Diệp Tú Anh (thứ ba từ trái qua) cùng đồng đội tham dự Họp mặt truyền thống phụ nữ Hoa TPHCM năm 1992
Sau khi ở trên về tiếp quản quận 11, các chị phụ nữ bầu tôi vào phụ trách công tác phụ nữ, hội trưởng hội phụ nữ phường Cầu Tre (theo chức danh bây giờ người ta hay gọi là Chủ tịch Hội phụ nữ phường), trong khi các anh bên cánh hoa vận của tôi hoạt động rút hết về quận 5, thế là chị Chín Minh lúc này là Chủ tịch Hội phụ nữ Quận mới rút tôi lên công tác Ban chấp hành Hội phụ nữ Quận 11.
Từ khi đất nước hòa bình, tôi đã tham gia Ban Chấp hành Hội Phụ nữ phường Cầu Tre, Hội Phụ nữ quận 11, rồi xây dựng thành công 21 HTX mua bán thương nghiệp của quận 11 lúc bấy giờ, góp phần vào công cuộc xây dựng Hợp tác xã chung của cả nước nói chung, TPHCM nói riêng và của quận 11. Năm 1981, vì lý do sức khỏe nên tôi xin nghỉ hưu ở tuổi 50 do di chứng những ngày bị đánh đập tra tấn dã man trong tù (tôi là thương binh loại 3). Từ ngày nghỉ hưu, tôi mới dành thời gian nhiều hơn để chăm sóc các con, bươn chải mưu sinh và quyết tâm nuôi dạy 2 con trai Diệp Tuấn, Diệp Dũng nên người. Ở cái tuổi ngót nghét gần 90, tôi thấy mình vẫn sung sướng hơn nhiều người, trải qua nhiều thăng trầm mất mát lẫn thiệt thòi, có lúc rơi vào đơn độc nhưng tôi không buồn. Bởi vì giờ đây 2 con tôi đã thành đạt, giỏi giang. Con trai lớn Trần Diệp Tuấn hiện là PGS-TS, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP HCM; con trai thứ là Diệp Dũng, hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op. Đến bây giờ, tôi không biết mình lấy đâu ra sức lực để vượt qua từng ấy chặng đường, lắm lúc gian khổ, mệt mỏi nhất, tôi vẫn tin tưởng vào lý tưởng cao cả của Đảng, của Bác Hồ.
“Đảng đã cho tôi một tương lai tươi sáng
Một sức sống dẻo dai và lòng dũng cảm
Một tâm hồn tha thiết yêu nước, yêu dân
Một tình yêu lý tưởng không bao giờ cạn....
Đảng đã cho tôi nhiều nghị lực phấn đấu
Biết sống vì dân và chết cũng vì dân...”,
(trích bài thơ của bà Diệp Tú Anh)
Được biết, Bà Diệp Tú Anh, sinh năm 1931, là thế hệ thứ 3 trong gia đình một doanh nhân người Hoa ở Hội An, từ nhỏ, bà Diệp Tú Anh thường được nghe kể chuyện về Bác Hồ, về con đường giải phóng dân tộc và nuôi khát khao trở thành một người có ích. Khi Pháp đánh vào Hội An, bà Diệp Tú Anh (lúc đấy mới 14 tuổi) đã biết mở cửa cho đoàn Vệ Quốc quân hơn 10 người vào nhà trốn và gọi đò đưa các anh vượt sông Thu Bồn, thoát thân an toàn. 16 tuổi, bà Diệp Tú Anh trốn gia đình tìm vào chiến khu Tam Kỳ để rồi từng bước dấn sâu vào hoạt động đấu tranh suốt 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.
Trong suy nghĩ của bà, “Đến bây giờ, tôi không biết mình lấy đâu ra sức lực để vượt qua từng ấy chặng đường, lắm lúc gian khổ, mệt mỏi nhất, tôi vẫn tin tưởng vào lý tưởng cao cả của Đảng, của Bác Hồ cũng như tin rằng cách mạng sẽ thành công, đất nước sẽ hòa bình, thắng lợi. Đồng bào ta sẽ thoát khỏi nô lệ, không còn bị bóc lột. Đất nước sẽ thống nhất. Việt Nam sẽ độc lập.
Chúng tôi đã hy sinh cho nền hòa bình của dân tộc, thế hệ trẻ phải tiếp nối thành quả đó, phát huy và xây dựng đất nước ngày càng phát triển vững mạnh và giàu đẹp.
Xin được thay lời kết bằng trích đoạn của Bài thơ “Ba mươi năm lẻ, cách đôi miền…” năm 1984 của Tác giả Diệp Tú Anh “viết tặng Anh Võ Văn Đặng, người đã dìu dắt tôi vào Đảng”:
“Hỡi người Anh lớn của Em ơi!
Anh đã đưa Em đến với đời
Anh lại dắt Em vào với Đảng
Trong Em, anh tựa nắng hồng tươi
Em vẫn luôn luôn đứng dưới cờ
Búa liềm trong ý chí, trong mơ
Chết năm ba lượt… không sao cả
Hồn vẫn trung trinh, mộng vẫn thơ
Thoát lưới giặc rồi Em lại “đi”
Súng trên vai nặng, thở than gì
Sống là chiến đấu (câu tâm nguyện)
Chiếu đấu thì đâu sợ hiểm nguy…
Gặp lại anh rồi trân quý thêm
Ba mươi năm lẻ cách đôi miền
Hiên ngang em vẫn cùng Anh bước
Dưới lá cờ son rực búa liềm.”