SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
2
6
5
6
4
9
Tin tức sự kiện 01 Tháng Bảy 2019 2:50:00 CH

Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Nhìn lại chặng đường cách mạng đã qua, phong trào thi đua yêu nước do Bác Hồ khởi xướng và trực tiếp lãnh đạo đã trở thành cao trào hành động cách mạng lôi cuốn cả dân tộc, góp phần làm nên chiến thắng trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc của nhân dân ta. Và từ khi đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, phong trào thi đua có nội dung mới, động lực mới, tạo nên sức hấp dẫn mới cuốn hút mọi người.

Kể từ đầu năm 1946 đến tháng 10-1968, trong thời gian hơn 20 năm, Bác Hồ đã 30 lần nói về thi đua yêu nước.

Theo Người, thi đua là một biện pháp cực kỳ quan trọng thúc đẩy phong trào cách mạng nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu cách mạng đã đề ra. Người đã phát động hàng loạt phong trào thi đua yêu nước qua các thời kỳ cách mạng. Nhiều phong trào nay đã đi vào lịch sử như: Phong trào tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, phong trào đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, phong trào người tốt việc tốt…

Trong Lời  kêu gọi thi đua ái quốc, ngày 11-6-1948, Người kêu gọi: “Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc; các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp đỡ người lớn; đồng bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp; đồng bào tri thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh; nhân viên Chính phủ thi đua tận tuỵ làm việc, phụng sự Nhân dân; bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng. Nói tóm lại, ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc.” Người nhiều lần dạy: Thi đua phải thiết thực, gắn với công việc hằng ngày của mỗi người, đem lại lợi ích cho cá nhân, cho cộng đồng và cho đất nước.

Cũng trong Lời kêu gọi nói trên, Người còn khẳng định: “Tưởng lầm rằng thi đua là một công việc khác với những công việc làm hằng ngày. Thật ra, công việc hằng ngày chính là nền tảng thi đua….Thi đua ái quốc là ích lợi cho làng, cho nước, cho dân tộc…” Người yêu cầu mọi phong trào thi đua yêu nước đều phải có sơ kết, tổng kết, kịp thời biểu dương, khen thưởng. Những hình thức khen thưởng đều có tác dụng động viên, khích lệ những người tham gia phong trào.    

Trong suốt 24 năm trên cương vị nguyên thủ quốc gia, Bác Hồ đã thực sự quan tâm đến cuộc vận động thi đua yêu nước, từ những việc lớn là cùng với Trung ương Đảng và Chính phủ đề ra những chủ trương đúng đắn đến việc trực tiếp chỉ đạo những công việc cụ thể thúc đẩy phong trào cách mạng không ngừng tiến lên. Và chính bản thân Người là một tấm gương sáng ngời trong phong trào thi đua yêu nước. Khi kêu gọi nhân dân tham gia một phong trào thi đua nào đó thì chính Người bao giờ cũng tự mình tiên phong thực hiện.

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Người, phong trào thi đua yêu nước được tiếp thêm sức mạnh, tiếp tục phát triển, góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Phong trào thi đua yêu nước đã phát triển cả về bề rộng và bề sâu, được quần chúng nhân dân và các ngành, các cấp tham gia tích cực, là một trong những biện pháp vận động quần chúng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thấm nhuần và thực hiện sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, công tác thi đua - khen thưởng cần tập trung khắc phục cho được những yếu kém, tạo sự đồng bộ, nhịp nhàng trong tổ chức, thật sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Công tác thi đua - khen thưởng phải hướng mạnh vào việc động viên các tầng lớp nhân dân nhằm lôi cuốn, phát huy được cao nhất năng lực của mỗi người, góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương. Vì vậy, phải thường xuyên quan tâm chỉ đạo, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động cho phù hợp hoàn cảnh thực tế của từng đơn vị, địa phương. Mục tiêu thi đua phải cụ thể, thiết thực. Làm tốt công tác theo dõi, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua để không ngừng nâng cao tác dụng của phong trào. Đổi mới công tác khen thưởng, để mỗi hình thức khen thưởng đều khích lệ, động viên các cá nhân, tập thể tích cực làm việc. Các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần xây dựng con người mới XHCN, đẩy lùi tiêu cực.

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nguyện chung sức, chung lòng, năng động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, phát huy truyền thống yêu nước, biến các phong trào thi đua thành động lực cách mạng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện cho bằng được mục tiêu cao cả “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

 


Số lượt người xem: 1531    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA