Trong thời gian vừa qua, trên các phương tiện thông tin, truyền thông đề cập rất nhiều đến việc triển khai, áp dụng dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính do cơ quan nhà nước thực hiện. Vậy dịch vụ công trực tuyến là gì và những lợi ích mà nó đem lại ra sao, bài viết này sẽ đề cập đến những điều cơ bản cần biết về Dịch vụ công trực tuyến.
1. Dịch vụ công trực tuyến là gì?
Theo quy định tại khoản 4, Điều 3 Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, dịch vụ công trực tuyến được xác định như sau:
“Dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng.
a) Dịch vụ công trực tuyến mức độ 1: là dịch vụ bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính và các văn bản có liên quan quy định về thủ tục hành chính đó.
b) Dịch vụ công trực tuyến mức độ 2: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
c) Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
d) Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng”
2. Những lợi ích mà dịch vụ công trực tuyến đem lại?
- Đối với dịch vụ công trực tuyến mức độ 1: cá nhân, tổ chức có thể truy cập Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước để tìm hiểu trước các trình tự, thủ tục, hồ sơ trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, qua đó có sự chuẩn bị trước hồ sơ, phí, lệ phí trước khi tiến hành nộp hồ sơ tại cơ quan nhà nước.
- Đối với dịch vụ công trực tuyến mức độ 2: cá nhân, tổ chức có thể truy cập Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước để tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu; hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ; qua đó, cá nhân, tổ chức có thể chuẩn bị đầy đủ hồ sơ trước khi nộp hồ sơ, hoặc có thể lựa chọn phương thức gửi hồ sơ qua đường bưu điện, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại khi thực hiện thủ tục hành chính.
- Đối với dịch vụ công trực tuyến mức độ 3: người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ; các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng; việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Như vậy, thay vì phải liên hệ đến cơ quan nhà nước ít nhất 02 lần để nộp hồ sơ và nhận kết quả thủ tục hành chính, cá nhân, tổ chức có thể nộp hồ sơ qua mạng và chỉ cần liên hệ cơ quan nhà nước 01 lần để nộp phí, lệ phí và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
- Đối với dịch vụ công trực tuyến mức độ 4: người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ; việc thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến; việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng. Như vậy, cá nhân, tổ chức không còn phải liên hệ trực tiếp với cơ quan nhà nước để giải quyết thủ tục hành chính; giúp tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí đi lại khi thực hiện thủ tục hành chính.
Nhìn chung, dịch vụ công trực tuyến đem lại cho người sử dụng nhiều lợi ích trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính: người sử dụng có thể tìm hiểu và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ trước khi nộp, hạn chế việc thiếu thành phần hồ sơ phải bổ sung nhiều lần; tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí đi lại, hạn chế việc phải chờ đợi, xếp hàng khi phải liên hệ cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, việc áp dụng dịch vụ công trực tuyến là phù hợp với xu thế phát triển của dịch vụ công trên thế giới.
3. Hiện nay, người dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có thể khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến bằng cách nào?
Về cơ bản, các thủ tục hành chính do cơ quan nhà nước giải quyết trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đều đã có áp dụng dịch vụ công trực tuyến với những mức độ khác nhau từ mức độ 1 đến mức độ 4.
Đối với các thủ tục hành chính áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và mức độ 2, cá nhân, tổ chức có thể truy cập vào Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính để tìm hiểu về các thủ tục hành chính được công khai, niêm yết tại Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử, từ đó chuẩn bị hồ sơ, tải và điền các biểu mẫu trước khi liên hệ cơ quan nhà nước để nộp hồ sơ theo quy định.
Đối với các thủ tục hành chính áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4, cá nhân, tổ chức có thể truy cập vào Cổng dịch vụ công trực tuyến Thành phố Hồ Chí Minh theo liên kết sau:
https://dichvucong.hochiminhcity.gov.vn/
Riêng đối với các thủ tục hành chính lĩnh vực Hộ tịch, cá nhân, tổ chức có thể khai thác tại Trang đăng ký hộ tịch trực tuyến của Bộ Tư pháp theo liên kết sau:
https://hotichtructuyen.moj.gov.vn/
Sau khi truy cập vào các liên kết này, cá nhân, tổ chức có thể lựa chọn các thủ tục hành chính được niêm yết tại đây để tiến hành điền biểu mẫu, đăng tải hồ sơ và đăng ký giải quyết thủ tục hành chính theo quy định.