Ngày 11-6-1948, trong lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra ác liệt, Bác Hồ đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Phát động phong trào thi đua ái quốc là một sáng tạo của Người trong quá trình vận động cách mạng. Người xác định: “...bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều”1. Người kêu gọi:
“Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc,
Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn,
Đồng bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp,
Đồng bào công nông thi đua sản xuất,
Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh,
Nhân viên Chính phủ thi đua tận tụy làm việc, phụng sự nhân dân,
Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng.
Nói tóm lại, ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc”2
Mục tiêu của thi đua hướng vào ba vấn đề lớn vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài của cách mạng nước ta: “diệt giặc đói”, “diệt giặc dốt”, “diệt giặc ngoại xâm”3.
Nội dung thi đua là vận động, tổ chức mọi người, mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp nhân dân làm tốt hơn nữa công việc hằng ngày. Công việc hằng ngày là nền tảng của thi đua.
Cách làm là dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân để đem lại hạnh phúc cho dân. Theo Bác, thi đua phải có sự lãnh đạo đúng. Bác căn dặn: “Phải có kế hoạch tỉ mỉ, kế hoạch ấy phải đi từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm. Kế hoạch ấy phải thiết thực, rõ ràng, đúng mức...Phải giải thích kỹ càng cho mọi người dân hiểu rõ rằng: thi đua ái quốc là ích lợi cho mình, ích lợi cho gia đình mình và ích lợi cho làng, cho nước, cho dân tộc...Mọi người dân đều hiểu rõ thì tất cả mọi khó khăn đều giải quyết được, tất cả mọi khuyết điểm đều sửa chữa được.4
Cần có sự lãnh đạo thống nhất, phối hợp chặt chẽ giữa Đảng, chính quyền, đoàn thể, bảo đảm các mặt hoạt động thi đua ăn khớp với nhau và lãnh đạo các cấp, các ngành đặc biệt là cấp ủy, đảng viên phải gương mẫu đi trước lôi cuốn mọi người noi theo.
Với Bác, đã nói thì phải làm, lý luận đi đôi với thực tiễn, không có cái kiểu “đánh trống bỏ dùi”, “phát mà không động”, “đầu voi đuôi chuột”. Người phê bình kiểu phát động phong trào thi đua “trống giong cờ mở”, khẩu hiệu rất kêu, nhưng rồi không có phong trào. Một trong những bí quyết để giữ vững phong trào thi đua diễn ra liên tục và toàn diện, theo Bác, là “phải dựa vào quần chúng mà phát động mọi phong trào...Phải làm cho quần chúng luôn luôn phấn khởi, tin tưởng”5.
Sau mỗi đợt thi đua, mỗi phong trào thi đua, phải tiến hành sơ kết, tổng kết, kịp thời biểu dương, nêu gương, khen thưởng. Theo Bác, một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. “Một số cán bộ ta hình như mãi làm công tác hành chánh sự vụ hơn là để nhiều tâm sức xây dựng con người, xây dựng Đảng và các tổ chức cách mạng, cho nên không chịu theo dõi việc làm hằng ngày của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Ai làm tốt không kịp thời nêu gương, ai làm xấu không kịp thời giúp đỡ sửa chữa”6. Bác cho đó là “những cán bộ không biết làm việc”6.
Từ năm 1959, Người đã đích thân khởi động phong trào “người mới việc mới”, sau này, đổi thành “người tốt việc tốt”. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Người, hàng ngàn gương “người tốt việc tốt” đã được phát hiện, nêu gương, khen thưởng và được giới thiệu rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Năm 1969, các nhà xuất bản đã tuyển chọn in thành sáu tập: “Vì nước vì dân”, “Việc nhỏ nghĩa lớn”, “Dũng cảm đảm đang” có tác dụng rất lớn trong nhân dân.
Cũng cần phải nói thêm là, ngày 26-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công bố Quốc lệnh quy định 10 điểm thưởng và 10 điểm phạt để cho “quân dân biết rõ những tội nên tránh, những việc nên làm”. Tiếp đến, ngày 17-9-1947, Người đã ký Sắc lệnh số 83-SL thành lập Viện Huân chương trực thuộc Phủ Chủ tịch. Rõ ràng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người quan tâm đặc biệt đến vấn đề thi đua ái quốc, coi nó là một bộ phận không thể thiếu được trong công tác quản lý Nhà nước.
Nhìn lại chặng đường cách mạng đã qua, phong trào thi đua ái quốc do Người khởi xướng và trực tiếp lãnh đạo đã trở thành cao trào hành động cách mạng lôi cuốn cả dân tộc, góp phần làm nên chiến thắng trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc của nhân dân ta. Và từ khi đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, phong trào thi đua có nội dung mới, có động lực mới và tạo nên sự hấp dẫn mới cuốn hút mọi người. Những bài học kinh nghiệm được rút ra từ phong trào thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị thời sự.
Trong suốt 24 năm trên cương vị nguyên thủ quốc gia, Bác Hồ vô vàn kính yêu của chúng ta đã thực sự quan tâm đến cuộc vận động thi đua ái quốc, từ những việc lớn là cùng với Trung ương Đảng và Chính phủ đề ra những chủ trương đúng đắn đến việc trực tiếp chỉ đạo những công việc cụ thể thúc đẩy phong trào cách mạng không ngừng tiến lên. Không chỉ là người khởi xướng, tổ chức, theo dõi và động viên phong trào thi đua ái quốc của toàn dân từ những ngày đầu lập nước, Bác Hồ còn là người đi tiên phong hòa mình vào phong trào đó.
Phát huy truyền thống yêu nước, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức thi đua, hăng hái đưa Nghị quyết XI của Đảng đi vào cuộc sống, ra sức thực hiện cho bằng được mục tiêu cao cả: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Mỗi một người chúng ta phấn đấu trở thành một bông hoa đẹp trong vườn hoa đẹp của cả dân tộc như Bác Hồ hằng mong muốn.
Chú thích:
(1)(2)(3) Hồ Chí Minh Toàn tập - NXB CTQG - H - 1995 - T 5 - tr 444 - 445 - 444.
(4)(6) Báo Nhân Dân, số 15654, ngày 11-5-1998.
(5) Hồ Chí Minh Toàn tập - NXB CTQG - H - 1996 - T 12 - tr 212.