SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
5
1
4
3
9
9
Tin tức sự kiện 06 Tháng Mười 2017 4:35:00 CH

Giao ban chuyên đề công tác tài chính, kế toán cho các đơn vị thuộc quận

Vừa qua, Phòng Tài chính - Kế hoạch Quận 11 đã tổ chức hội nghị Giao ban chuyên đề về công tác tài chính, kế toán cho các đơn vị thuộc quận.

Tại hội nghị ông Đào Thanh Long - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận 11 đã thông qua các nội dung còn tồn tại, thiếu sót qua kết quả kiểm tra quy chế dân chủ cơ sở và qua công tác giám sát của mặt trận tại UBND 16 phường, các đơn vị sự nghiệp giáo dục để các đơn vị lưu ý, rút kinh nghiệm.

Bà Hoàng Thị Nga - Trưởng phòng Tài chính Kế hoạch Quận lưu ý một số chính sách thay đổi trong những năm gần đây có ảnh hưởng lớn đến nguồn thu, nhiệm vụ chi của đơn vị, như:

1. Luật tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13, có hiệu lực từ 01/01/2016. Theo đó, lập lại Hội đồng nhân dân ở các cấp chính quyền địa phương. Trong luật có quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân; Trong đó, tại Khoản 3 Điều 61 về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân phường, quy định: “Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách phường; điều chỉnh dự toán ngân sách phường trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách phường. Quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án trên địa bàn phường theo quy định của pháp luật”.

2. Luật ngân sách số 85/2015/QH13, có hiệu lực từ 01/01/2017. Trong đó lưu ý: Tiền thu phạt vi phạm hành chính, phạt, tịch thu khác điều tiết theo cơ quan ra Quyết định xử phạt (kể cả nguồn thu phạt an toàn giao thông). Như vậy, tại phường, tiền thu phạt An toàn giao thông do Công an phường hoặc Ủy ban nhân dân phường ra Quyết định xử phạt thì vẫn điều tiết 100% cho ngân sách phường. Các đơn vị thực hiện chi đảm bảo hoạt động cho các lực lượng xử phạt theo quy định tại Thông tư 153/2013/TT-BTC ngày 31/10/2013.

3. Luật phí và lệ phí số 97/2015/QH13, có hiệu lực từ 01/01/2017. Trong đó, quy định:

- Đối với Lệ phí: Toàn bộ số thu phí phát sinh trên địa bàn phải nộp vào ngân sách theo phân cấp (thu trên địa bàn phường điều tiết 100% cho ngân sách phường); trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị lập dự toán chi đảm bảo hoạt động tổng hợp chung vào dự toán ngân sách đơn vị.

- Đối với nguồn thu phí: Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định tỷ lệ phần trăm để lại cho tổ chức thu phí để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ phí, phần còn lại nộp ngân sách: Hiện nay thành phố đang quy định 10 loại phí tại Quyết định 52/2016/QĐ-UBND ngày 10/12/2016 (trong đó quy định rõ tỷ lệ để lại).

Đối với khoản thu phí khai thác, sử dụng thông tin cơ sở dữ liệu hộ tịch thực hiện theo quy định tại Thông tư 281/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 như sau:

+ Tổ chức thu phí nộp toàn bộ số phí thu được vào Ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho việc thực hiện công việc và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu.

+ Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 NĐ 120/2016/NĐ-CP thì được trích lại 50%.

Ở đây, Ủy ban nhân dân các phường không phải là cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí nên phải nộp 100% nguồn thu phí này vào ngân sách phường.

- Điều  khoản chuyển tiếp của Nghị định 120/2016/NĐ-CP quy định: Tổ chức thu phí, lệ phí thực hiện quyết toán số thu từ phí, lệ phí năm 2016 theo quy định của Pháp lệnh phí và lệ phí và quy định pháp luật về quản lý thuế. Sau khi quyết toán, số tiền phí, lệ phí được trích để lại chưa chi trong năm được chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định; đến ngày 01/01/2018, số tiền lệ phí còn dư phải nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước.

 


Số lượt người xem: 2136    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA