Tháng 6 năm 2017 này, cả nước ta kỷ niệm 116 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 – 5/62017) và 92 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2017). Đây cũng là dịp cho đội ngũ những người làm công tác báo chí cách mạng ôn lại cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức sáng ngời của Bác Hồ để học tập và làm theo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nhà cách mạng kiệt xuất, lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam mà còn là cây bút xuất sắc cả trên lĩnh vực báo chí và văn học. Từ các thể tài cổ điển tới hiện đại, từ thơ ca đến tác phẩm chính luận, Người đều có sự vận dụng nhuần nhuyễn, tạo nên những tác phẩm đặc sắc. Bác đã sử dụng ngòi bút như một vũ khí sắc bén để phục vụ sự nghiệp cách mạng một cách toàn tâm, toàn ý. Nói về nghề báo, Người cho rằng: “Cán bộ báo chí cũng là một chiến sỹ cách mạng. Trang giấy, cây bút là vũ khí sắc bén của họ”.
Ngay trong thời kỳ học làm báo, Người đã nhận thức được vai trò to lớn của báo chí trong việc giác ngộ quần chúng, tổ chức, tập hợp quần chúng đấu tranh cách mạng. Bởi vậy, Người không chỉ viết báo, mà còn sáng lập 9 tờ báo và sử dụng những tờ báo này làm diễn đàn để đấu tranh cách mạng. Đó là các báo: Người cùng khổ (1922); Quốc tế nông dân (1924); Thanh niên (1925); Công nông (1925); Lính Kách mệnh (1925); Thân ái (1928); Đỏ (1929); Việt Nam độc lập (1941); Cứu quốc (1942). Đặc biệt, bằng việc sáng lập tờ Thanh niên, tờ báo của Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội - ra số đầu tiên vào ngày 21/6/1925, Bác đã khai sinh nền báo chí Cách mạng Việt Nam. Ngoài ra, Bác còn là người chỉ đạo, cộng tác viên mật thiết cho các tờ báo của Đảng như: Búa liềm, Tranh đấu, Tiếng nói của chúng ta. Sau Cách mạng tháng Tám (1945), Bác tiếp tục cộng tác, tổ chức và cho ra đời nhiều tờ báo mới. Nhưng đặc biệt, Bác dành công sức, tình cảm nhiều nhất cho báo Nhân Dân (báo Sự Thật trước đây), cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam. Từ số ra đầu tiên (11/3/1951) đến số báo 5526 (ngày 01/6/1969), Bác đã viết và đăng tổng cộng 1.205 bài trên báo Nhân Dân.
Tại Đại hội lần thứ 2 Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức từ ngày 16 đến 17/4/1959, Bác đã đến chúc mừng và nói chuyện về kinh nghiệm làm báo của mình:“Kinh nghiệm của Bác là kinh nghiệm ngược, Bác học viết báo Pháp trước, rồi học viết báo Trung Quốc, rồi sau mới học viết báo Việt Nam”. Nói là học, nhưng Bác không qua một trường lớp đào tạo nào, Người nói: “Còn học, thì một là học trong đời sống của mình, hai là học ở giai cấp công nhân”. Xuất phát từ mục đích hoạt động của báo chí cách mạng là vì dân và từ vai trò to lớn của báo chí đối với xã hội, Người nhắc nhở những người làm báo: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”. Để báo chí luôn là diễn đàn của nhân dân, Người khẳng định: “Một tờ báo không được đại đa số (dân chúng) ham muốn thì không xứng đáng là một tờ báo, và không riêng gì viết sách, viết báo, mà công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của nhân dân”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí không chỉ là tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể, tổ chức tập thể; mà còn là vũ khí sắc bén chống lại mọi biểu hiện phản động, tiêu cực đi ngược lại quyền lợi của nhân dân, của đất nước; báo chí là công cụ đấu tranh xã hội, đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp. Trong bức điện gửi Hội Nhà báo Á - Phi (ngày 24/4/1965), Người viết: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ của dân tộc, danh nhân văn hóa mà còn là người khơi nguồn và chỉ đạo báo chí Cách mạng Việt Nam. Với Người, báo chí phục vụ nhân dân, là tiếng nói của nhân dân, phục vụ mục đích trong sáng và cao cả của Đảng, của sự nghiệp cách mạng, là công cụ để phò chính, trừ tà, để khơi dậy, biểu dương cái tốt, người tốt, việc tốt, ngăn chặn và đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực. Sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng lớn mạnh, theo dòng chảy của cách mạng, của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng theo tư tưởng, đạo đức của Bác Hồ.
Trong thực tế, có những câu chuyện, khi được Bác liên hệ, nhắc nhở, chúng ta đều cảm thấy sự hàm súc, sâu sắc và vô cùng hữu ích đối với người được Bác quan tâm căn dặn. Có một lần, Bác về Hà Đông chống hạn, khi đến một con mương chắn ngang đường, đồng chí Chủ tịch Tỉnh mời Bác đi vòng đến chỗ dễ qua hơn. Nhìn xuống thấy đồng chí Chủ tịch Tỉnh đi đôi giày bóng lộn, Bác bảo: “Chú cứ đi đường ấy”. Nói rồi, Bác cởi dép lội tắt qua cho nhanh để đến với nông dân đang tát nước chống hạn. Sang bờ bên kia, Bác bảo mọi người cùng tát nước giúp dân. Bác chỉ một thanh niên ǎn mặc bảnh bao cùng tát nước với Bác, nhưng đồng chí này không biết tát nước, đồng chí Bí thư tỉnh đỡ lời: “Thưa Bác, đồng chí này là nhà báo ạ”. Bác cười và nói: “Nhà báo của nông dân, phải biết lao động như nông dân thì viết mới đúng được”.
Một trong những lớp học báo chí đầu tiên của nước ta là lớp học trong rừng Việt Bắc được Bác cho mở tại Trường Huỳnh Thúc Kháng. Khi chuẩn bị bước vào chiến dịch Biên giới – Thu Đông (1949 – 1950), trong thư gửi các học viên của lớp báo chí đầu tiên này, Bác khuyên các nhà báo 4 điều sau: 1. Gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực; 2. Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người ta; 3. Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận. Tốt hơn nữa là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho họ hiểu; 4. Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ… (trích “Hỏi & Đáp về Báo chí Việt Nam, NXB Trẻ TPHCM, 2001 – trang 95”) Quan điểm của Bác Hồ về công tác báo chí cách mạng rõ ràng, dứt khoát: “Viết cho ai đọc, viết nhằm mục đích gì ?”. Khi viết, không nói những vấn đề xa xôi, bài viết phải tập trung vào một nhiệm vụ cụ thể, có mục đích rõ ràng. Trong khi viết, Bác Hồ luôn hướng về một đối tượng: viết về quần chúng, viết cho quần chúng. Sứ mệnh của báo chí cách mạng là thức tỉnh, hướng dẫn, tập hợp quần chúng hành động. Viết cho ai và viết để làm gì là vấn đề Bác Hồ quan tâm nhắc nhở những người làm báo. Phải viết những điều chính mình đã hiểu, đã biết tận tường. Trong hành văn, nên dùng những từ thông dụng, cố gắng tránh dùng những từ “thông thái”, khó hiểu, những từ nước ngoài. Đi vào bài báo cụ thể, bút pháp, kết cấu phải mạch lạc, ngắn gọn, súc tích, có đầu, có đuôi, không thừa, không thiếu”.
Nhân kỷ niệm lần thứ 116 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và 92 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, nhớ lại và làm theo những lời dạy của Bác, chúng ta càng thấm thía tình nghĩa sâu nặng của Bác đối với nhân dân, với những người làm báo. Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương, phong cách Hồ Chí Minh” đã và đang lan tỏa rộng khắp vào cuộc sống sinh động của nhân dân ta, từng giờ, từng ngày được mọi ngành, mọi cấp, mọi địa phương tổ chức thực hiện đang nở rộ những điển hình, những nhân tố mới về lý tưởng sống, lẽ sống, cách sống … thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ! Mỗi người làm báo, viết báo khi cầm bút cần thấm nhuần những lời khuyên dạy của Bác rèn luyện và học tập để ngòi bút của mình càng luyện, càng tinh, xứng đáng như lời dạy của Bác đối với những người làm báo chí.