SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
3
8
2
9
8
6
Tin tức sự kiện 05 Tháng Mười Một 2016 1:10:00 CH

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á - Âu: cơ hội và thách thức

Ngày 29/5/2015, tại thị trấn Bu-ra-bay (Ca-dắc-xtan), Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng các quốc gia thành viên Liên minh Kinh tế Á – Âu bao gồm: Liên Bang Nga, Cộng hòa Ác-mê-ni-a, Cộng hòa Bê-la-rút, Cộng hòa Ca-dắc-xtan và Cộng hòa Cư-rơ-gư-xtan ký kết ở cấp Nhà nước Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á – Âu (VN - EAEU). Hiệp định chính thức có hiệu lực từ ngày 5/10/2016, mở ra trang mới trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu nói chung và các nước thành viên.

Hiệp định Thương mại tự do VN – EAEU bao gồm các nội dung chính: thương mại, quy tắc xuất xứ hàng hóa, phòng vệ thương mại, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, hàng rào kỹ thuật trong thương mại, thương mại điện tử, cạnh tranh, pháp lý và thể chế… Nội dung quan trọng nhất là các cam kết mở cửa thị trường cho hàng hóa của cả hai bên. EAEU sẽ dành cho Việt Nam nhiều ưu đãi thuế quan, đặc biệt đối với các mặt hàng thế mạnh như dệt may, da giày, thủy sản… và cả những mặt hàng tiềm năng như đồ gỗ, hàng điện tử… Việt Nam cũng mở cửa đối với nhiều mặt hàng thế mạnh của EAEU như chăn nuôi, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, sắt thép…

Hiệp định Thương mại tự do VN – EAEU mở ra cho Việt Nam cơ hội tiếp cận một thị trường khoảng 182 triệu dân, GDP năm 2014 đạt khoảng hơn 2.200 tỷ USD. Hiệp định là cơ hội sẽ rộng mở đối với cả hai bên. Việt Nam rất kỳ vọng vào Hiệp định Thương mại tự do VN – EAEU.

Cơ cấu các mặt hàng thế mạnh của mỗi bên là cơ sở để hỗ trợ, bổ sung cho nhau, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của mỗi bên. Nước Nga tuy đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhưng thuế nhập khẩu vào Nga vẫn còn cao, nhất là các sản phẩm nông nghiệp. Thông qua Hiệp định VN – EAEU, tồn tại này được khắc phục, tạo cú hích cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu mạnh vào Nga.

Mặt hàng thủy sản, 95% tổng số dòng thuế được cắt giảm với lộ trình 10 năm, trong đó 71% có thuế suất thuế nhập khẩu bằng 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Đối với hàng dệt may, 82% tổng số dòng thuế cam kết cắt giảm, trong đó 42% xóa bỏ hoàn toàn với lộ trình tối đa 10 năm, 36% xóa bỏ hoàn toàn ngay khi hiệp định có hiệu lực. Theo dự báo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, khi thực thi Hiệp định Việt Nam – EAEU, kim ngạch hàng dệt may sẽ tăng trưởng 50% trong năm đầu tiên và tăng trung bình 20% trong 5 năm tiếp theo. Giá trị kim ngạch hàng dệt may sẽ tăng từ 700 triệu USD hiện nay lên 1 tỷ USD trong 1 – 2 năm tới.

Mặt hàng da giày, có 77% tổng số dòng thuế được cắt giảm, trong đó 73% được xóa bỏ hoàn toàn theo lộ trình tối đa 5 năm…

Hiệp định Thương mại tự do VN – EAEU có hiệu lực, trên thị trường sẽ có 4.959 dòng thuế được cắt giảm về 0%, chiếm 52,4% tổng biểu thuế,

Việc cắt giảm, xóa bỏ thuế quan sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng chủng loại hàng hóa và nâng cao kim ngạch xuất khẩu.

Mặt hàng gạo xuất khẩu vào thị trường EAEU với thuế suất 0% và hạn ngạch 10.000 tấn/năm, nhưng sau ba năm, hai bên sẽ xem xét lại con số này.

Các thành viên của EAEU, đặc biệt là Liên bang Nga có thế mạnh về khoa học – công nghệ và cơ khí chế tạo, khi có dự án đầu tư vào Việt Nam, chúng ta có cơ hội tiếp cận công nghệ và trình độ quản trị cao của đối tác. Ngược lại, Việt Nam có thế mạnh về sản xuất hàng dệt may, giày dép và chế biến thủy sản. EAEU mong muốn chúng ta đặt nhà máy sản xuất, chế biến tại các nước EAEU. Các sản phẩm do các nhà máy này làm ra sẽ thâm nhập thị trường các nước xung quanh. Hợp tác thương mại đầu tư của Việt Nam và EAEU sẽ có quy mô lớn hơn và chất lượng cao hơn.

Với Hiệp định VN – EAEU, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh này sẽ tăng khoảng 18 đến 20% hằng năm. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội to lớn, Việt Nam phải đối mặt với không ít thách thức phải vượt qua.

Thị trường EAEU yêu cầu về chất lượng hàng hóa tương đối cao, quy trình, thủ tục xuất nhập khẩu phức tạp và không nhất quán giữa các nước EAEU.

Hàng rào kỹ thuật trong thương mại, các biện pháp về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của EAEU rất chặt chẽ. Bài toán đặt ra là làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được các quy tắc xuất xứ, quy tắc về vệ sinh, an toàn thực phẩm để đẩy mạnh xuất khẩu và tận dụng được các chế độ ưu đãi thuế quan từ Hiệp định.

Khi thép giá rẻ của Nga nhập vào Việt Nam, ngành thép nước ta sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn. Tổng sản lượng thép của Nga đạt khoảng 70 triệu tấn/năm và được đánh giá là có chi phí sản xuất thuộc loại thấp nhất thế giới.

Một khó khăn khác là phương tiện thanh toán trong tình hình Nga đang bị Mỹ và các nước phương Tây cấm vận, việc thanh toán theo phương thức L/C bằng đồng USD không thực hiện được, khiến Việt Nam phải tìm cách thanh toán bằng nội tệ.

Với Hiệp định VN – EAEU, thuận lợi và không thuận lợi đan xen với nhau. Nhưng nếu tính toán thiệt hơn thì Hiệp định VN - EAEU sẽ đem lại cho Việt Nam nhiều lợi ích hơn là bất lợi.

Nhà nước làm tốt công tác truyền thông để các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt đầy đủ tinh thần và nội dung Hiệp định, chuẩn bị sẵn sàng đón nhận cơ hội và đối phó với những thách thức. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Trung ương Nga nghiên cứu, công nhận hai đồng Rúp và Việt Nam đồng trong thanh toán.

Nhà nước Việt Nam và EAEU thể hiện vai trò hỗ trợ cụ thể về chính sách, vận tải, hải quan… tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Hiệp định mang lại hiệu quả thật sự cho doanh nghiệp, nền kinh tế Việt Nam và EAEU, hiện thực hóa mục tiêu đạt kim ngạch thương mại song phương từ 10 đến 12 tỷ USD đến năm 2020, gần gấp 3 lần so với năm 2014 (đạt khoảng 4 tỷ USD).

Các doanh nghiệp Việt Nam cập nhật đầy đủ các thông tin từ Hiệp định, nhận thức hết cơ hội, thách thức và đề ra cho được cách thức đối diện với những cơ hội cũng như thách thức; mặt khác, chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, sẵn sàng hội nhập với các nước đối tác, tận dụng tối đa các lợi thế từ hiệp định mang lại.

Hiệp định VN – EAEU sẽ thúc đẩy mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại… với các nước EAEU để có lợi cho tất cả các bên thành viên; đặc biệt, góp phần làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong thời gian tới.


Số lượt người xem: 2673    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA