1. Bệnh do virut Zika là gì?
Là bệnh truyền nhiễm hiện đang xảy ra tại một số quốc gia ở Châu Mỹ, Châu Phi, Châu Á.
2. Bệnh lây truyền như thế nào?
Đường lây truyền bệnh do virut Zika chủ yếu là qua muỗi Aedes aegupti (muỗi vằn) đốt và truyền virut Zika từ người bệnh sang người lành. Đây cũng là loại muỗi truyền bệnh Sốt xuất huyết Dengue.
Ngoài ra, bệnh có thể lây truyền qua các đường khác:
- Truyền từ mẹ sang con.
- Truyền qua đường tình dục.
- Truyền qua đường máu.
3. Dấu hiệu thường gặp?
Dấu hiệu ban đầu là phát ban và sốt 37,5oC đến 38oC, và có một trong dấu hiệu sau:
- Viêm kết mạc mắt.
- Đau khớp.
- Đau cơ.
- Đau đầu.
Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp mắc bệnh thường có dấu hiệu không rõ ràng, hoặc dễ nhầm lẫn với Sốt xuất huyết Dengue.
4. Bệnh virut Zika được chẩn đoán như thế nào?
Chẩn đoán bệnh do virut Zika dựa vào:
- Các dấu hiệu bệnh.
- Tiền sử ở/đi/đến từ khu vực có dịch hoặc nghi ngờ dịch bệnh trong vòng 12 ngày.
- Xét nghiệm máu.
5. Tại sao cần phòng bệnh do virut Zika?
- Tại Việt Nam, muỗi vằn rất phổ biến.
- Nguy cơ bệnh xâm nhập và lây lan trong cộng đồng rất lớn do sự giao lưu, du lịch, thương mại, lao động giữa các nước.
- Hiện chưa có vắc-xin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu.
- Cộng đồng hiện chưa có miễn dịch đối với virut Zika.
- Bệnh có thể gây các biến chứng tiềm ẩn.
6. Các biến chứng tiềm ẩn của bệnh do virut Zika có thể là gì?
Tổ chức Y tế thế giới đang nghiên cứu để xác định mối liên quan của bệnh do virut Zika với các hội chứng:
- Hội chứng viêm da rễ và dây thần kinh (Guillain-Barré): tình trạng mà hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công một phần của hệ thần kinh. Người mắc hội chứng có các dấu hiệu: yếu cơ, cảm giác kiến bò (tê và ngứa) ở tay và chân, có thể bị liệt. Tuy nhiên, người mắc hội chứng này có thể tự phục hồi.
- Hội chứng não nhỏ: hiện tượng hiếm gặp ở trẻ sơ sinh. Trẻ có đầu nhỏ hơn bình thường do sự phát triển não bất thường trong bào thai, có thể dẫn đến tử vong hoặc gặp phải những khó khăn với sự phát triển não bộ khi trẻ lớn lên.
7. Có thể làm gì để phòng ngừa bệnh?
- Diệt muỗi, diệt lăng quăng. Vì muỗi vằn là tác nhân lây truyền bệnh do virut Zika và Sốt xuất huyết Dengue.
+ Không cho muỗi ở: dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, thông thoáng;
+ Không cho muỗi đẻ trứng: đậy kín các dụng cụ chứa nước; không để đọng nước ở máng xối, công trình xây dựng; tiêu hủy các vật phế thải đọng nước;
+ Không cho muỗi đốt: ngủ mùng, mặc áo dài tay, thoa kem chống muỗi;
+ Không cho muỗi tồn tại: phun thuốc, dùng nhang, vợt diệt muỗi; tẩm mùng bằng hóa chất;
+ Không có lăng quăng: nuôi cá bảy màu trong các bể nước, lu, vại; vệ sinh dụng cụ chứa nước; thay ly nước cúng, bình hoa; cho muối vào chén nước ở chân bàn.
- Người ở/đi/đến từ quốc gia đang có dịch bệnh chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày, khi có dấu hiệu nghi ngờ cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.
- Người bị bệnh hoặc người trở về từ quốc gia đang có dịch bệnh, cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) đang mang thai hay dự định có thai để tránh những biến chứng có thể xảy ra đối với thai nhi.
- Phụ nữ mang thai nếu có các dấu hiệu trên, cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.
- Phụ nữ có thai hoặc dự định có thai trong vòng 6 tháng tới không nên đến các quốc gia đang có dịch bệnh khi không cần thiết.
- Hoãn việc hiến máu 28 ngày đối với người trở về từ vùng dịch bệnh hoặc người được xác định nhiễm virut Zika.
8. Các địa chỉ cần biết:
· Trung tâm Y tế dự phòng, 699 Trần Hưng Đạo quận 5, hotline: 0938.060.869
· Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế, 40 Nguyễn Văn Trỗi quận Phú Nhuận, hotline: (08) 3844.5306
· Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe, 59B Nguyễn Thị Minh Khai quận 1, hotline: (08) 3930.9878
· Bệnh viện Nhiệt đới, 764 Võ Văn Kiệt quận 5, hotline: (08) 3923.5804 - (08) 3923.8704.