Cách mạng tháng Tám 1945 thành công. Ngày 2/9/1945, Chính phủ lâm thời làm lễ ra mắt quốc dân tại vườn hoa Ba Đình. Chủ tịch Hố Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, ngày 3/9/1945, Người đã nêu sáu vấn đề cấp bách, trong đó cứu đói là một trong sáu nhiệm vụ cấp bách hàng đầu. Người nói: “Nhân dân đang đói... Hơn hai triệu đồng bào chúng ta đã chết đói... Những người thoát chết đói nay cũng bị đói. Chúng ta phải làm thế nào cho họ sống. Tôi đề nghị với Chính phủ là phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất... mở một cuộc lạc quyên. Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo.”
Phát biểu tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, ngày 10/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến nhiệm vụ của Nhà nước phải chăm lo cho dân có cơm ăn, áo mặc, chỗ ở và được học hành, Người nói: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ.
Chúng ta phải thực hiện ngay:
1. Làm cho dân có ăn.
2. Làm cho dân có mặc.
3. Làm cho dân có chỗ ở.
4. Làm cho dân có học hành.
Cái mục đích chúng ta đi đến là 4 điều đó. Đi đến để dân nước ta xứng đáng với tự do độc lập và giúp sức được cho tự do độc lập”. Rõ ràng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy mục đích nâng cao đời sống cho nhân dân làm trung tâm chi phối mọi hoạt động kinh tế của Đảng và Chính phủ.
Xóa đói giảm nghèo là trách nhiệm của toàn xã hội. Người kêu gọi toàn dân đoàn kết phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều” và theo tinh thần “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”.
Người đã khởi xướng và gương mẫu thực hiện cuộc vận động hũ gạo cứu đói, với nghĩa cử cao đẹp mười ngày nhịn ăn một bữa, cùng với cuộc vận động “Tuần lễ vàng” để huy động sức mạnh to lớn của các tầng lớp nhân dân vào việc cứu giúp dân nghèo và xây dựng đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế cho đồng bào các dân tộc ít người. Các dân tộc anh em khác có điều kiện hơn giúp đỡ họ cách thức làm ăn, tổ chức sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây lại cuộc sống mới.
Nét nổi bật trong tư tưởng của Người về xóa đói giảm nghèo, đó là, đẩy mạnh tăng gia sản xuất phải đi liền với thực hành tiết kiệm, làm nhiều tiêu ít, có vậy mới bảo đảm chắc chắn lâu dài công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ có phát triển sản xuất mới có thể xóa đói giảm nghèo một cách có hiệu quả. Người đánh giá cao sức mạnh của dân và yêu cầu “đem tài sản, sức dân mà giải phóng cho dân”.
Xóa đói giảm nghèo, theo Người, là “Làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người giàu thì giàu thêm”. Người còn chỉ ra rằng, ăn no mặc ấm phải đi liền với học hành. Ý nghĩa sâu xa trong tư tưởng xóa đói giảm nghèo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là, bên cạnh xóa đói giảm nghèo về vật chất phải chú ý cả xóa đói giảm nghèo về tinh thần. Đó là giá trị to lớn trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xóa đói giảm nghèo mà chúng ta cần vận dụng sáng tạo trong tình hình mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm xã hội mà chúng ta đang phấn đấu vươn tới là “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Nó xa lạ với đói nghèo, lạc hậu, là xã hội giàu về kinh tế, lành mạnh về văn hóa xã hội...
Trên sáu thập kỷ qua, thực hiện những lời chỉ giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xóa đói giảm nghèo đã trở thành mục tiêu mang tính nhân văn sâu sắc của sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.
Ngày nay, “xóa đói giảm nghèo” không còn là vấn đề riêng biệt của mỗi quốc gia, mà đã trở thành vấn đề mang tính toàn cầu. Hội nghị cấp cao thiên niên kỷ của Liên hợp quốc đã ra Tuyên bố Thiên niên kỷ, trong đó nêu rõ: “Giúp nhân dân các nước thoát cảnh đói nghèo, cùng cực; tạo dựng ở cấp độ quốc gia và toàn cầu môi trường thuận lợi cho phát triển và xóa đói giảm nghèo”. Hội nghị đã quyết định lấy ngày 17/10 hằng năm làm “Ngày thế giới chống đói nghèo”, và đánh giá cao những cố gắng to lớn của Việt Nam trong xóa đói giảm nghèo.
Trong hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, công tác xóa đói giảm nghèo của ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, được nhân dân ghi nhận và bạn bè quốc tế đánh giá cao. Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách tạo cơ hội cho người nghèo thoát khỏi cảnh nghèo khổ, hòa nhập cộng đồng. Chính phủ đã đầu tư ngày càng nhiều hơn cho chương trình xóa đói giảm nghèo thiết thực và có hiệu quả. Xóa đói giảm nghèo từng bước được xã hội hóa với nhiều biện pháp sáng tạo, nhất là đối với việc triển khai các chương trình xóa đói giảm nghèo lâu dài cho các vùng khó khăn, các đối tượng dễ bị tổn thương trước các biến động về kinh tế và tác động của thiên tai. Đồng thời, động viên người dân nỗ lực vượt qua khó khăn, tìm cách thoát khỏi đói nghèo, đồng tâm hiệp lực thực hiện các chương trình cải thiện điều kiện ăn, ở, mặc, học hành... của địa phương.
Công tác xóa đói giảm nghèo chỉ có thể giải quyết thành công khi chúng ta huy động được sức mạnh của cả dân tộc, thực hiện được lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Nhà nước, nhân dân và các hộ nghèo cùng làm”, “Trung ương và địa phương cùng lo”, “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.