SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
5
2
1
9
5
9
Tin tức sự kiện 18 Tháng Tám 2016 3:15:00 CH

Hiện trạng việc dạy thêm, học thêm

Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh có Văn bản số 2341 gửi Phòng Giáo dục & Đào tạo các quận, huyện; Hiệu trưởng các trường Trung học phổ thông (THPT) của thành phố, yêu cầu các trường không được tập trung học sinh để thực hiện các công việc chuẩn bị năm học mới trước ngày 1/8; không được tổ chức dạy thêm, học thêm, phụ đạo, bồi dưỡng kiến thức; không tổ chức thi, kiểm tra, khảo sát học sinh trước ngày tựu trường... Tiếp đó, Sở Giáo dục & Đào tạo thành phố lại có Văn bản số 2447 gửi Phòng Giáo dục & Đào tạo các quận, huyện; Hiệu trưởng các trường THPT, Giám đốc các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, quy định từ năm học 2016 – 2017 chấm dứt các hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường.

Những văn bản chỉ đạo nói trên thể hiện quyết tâm cao của Ngành Giáo dục thành phố nhằm chấn chỉnh một bước tình trạng học thêm, dạy thêm tồn tại hàng chục năm qua, gây nhiều bức xúc trong xã hội. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, các quy định trên chỉ mới được thực hiện trong các trường học. Tại một số tụ điểm, nhà riêng của các thầy, cô giáo, tình trạng học thêm, dạy thêm vẫn diễn ra bình thường.

Nhìn vào “bức tranh” dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố, chúng ta dễ dàng nhận thấy, đối tượng học thêm là học sinh ở tất cả các lớp Phổ thông, diễn ra ở mọi thời điểm trong năm. Đứng lớp dạy thêm là các thầy giáo, cô giáo đang công tác ở các trường phổ thông công lập; giáo viên đã về hưu và có cả giảng viên của một số trường đại học, cao đẳng. Ngoài việc học trong trường, các em học sinh và cả cha mẹ còn giới thiệu cho nhau tên, địa chỉ, môn dạy của những giáo viên uy tín, có nhiều kinh nghiệm giảng dạy, giỏi kỹ năng sư phạm... Do vậy, ở nhà riêng của những giáo viên này luôn có nhiều lớp học, vào nhiều khung giờ trong ngày, phù hợp khả năng, điều kiện của nhiều đối tượng học sinh.

Học thêm, dạy thêm đã có từ rất lâu trong hoạt động giáo dục của nhiều nhà trường. Đó là những buổi phụ đạo nhằm bồi dưỡng, bổ sung kiến thức cho những em học sinh học lực yếu, không tiếp thu kịp bài giảng trên lớp hoặc là những lớp ôn tập, hệ thống lại kiến thức trước kỳ thi tốt nghiệp hay chuẩn bị bước vào năm học mới... Đây là những lớp học hoàn toàn không thu học phí, xuất phát từ trách nhiệm, tấm lòng thương yêu cao cả của thầy với trò. Những buổi phụ đạo này, các thầy giáo, cô giáo phải bỏ nhiều thời gian, công sức tận tình giảng dạy (đôi khi chỉ cho một vài học sinh học lực yếu trong lớp) với mong muốn giúp các em học tập tốt hơn. Những lớp học thêm này rất được học sinh, cha mẹ các em hoan nghênh, bày tỏ lòng biết ơn.

Tuy nhiên, khi bị lạm dụng quá mức, chạy theo thành tích hoặc bị biến tướng thành việc “mua bán” kiến thức, trở thành phương tiện tăng thêm thu nhập của một số giáo viên thì việc học thêm, dạy thêm sẽ phản tác dụng, tạo áp lực không đáng có cho học sinh và cả cha mẹ các em, làm méo mó hình ảnh nền giáo dục nước nhà.

Thông thường, môn học thêm là những môn phải thi tốt nghiệp; các môn khoa học tự nhiên, ngoại ngữ. Một vài bộ môn khác như sử, địa, giáo dục công dân, giáo dục thể chất... không khi nào có học sinh học thêm. Việc chỉ tập trung vào một số bộ môn nhất định và không phải học sinh nào cũng có điều kiện học thêm vô tình tạo ra sự mất cân bằng giữa các môn học, thiếu khách quan trong đánh giá, nhận xét học sinh. Cùng với đó, dạy thêm còn tạo ra mức thu nhập rất chênh lệch ngay trong đội ngũ giáo viên, dễ phát sinh những so bì không đáng có, đồng thời là nguyên nhân chủ yếu tạo ra sự mất cân bằng trong tuyển sinh giữa các ngành học trong các trường sư phạm… Học thêm, dạy thêm là nhu cầu có thật của một bộ phận học sinh và cả thầy giáo, cô giáo trong giai đoạn hiện nay. Do vậy, những biện pháp cấm đoán mang tính hành chính đơn thuần đã được áp dụng thời gian qua nhưng không mang lại kết quả như mong muốn. Từ thực tế này, Ngành Giáo dục và các cơ quan chức năng của thành phố cần có những nghiên cứu thấu đáo về nhu cầu xã hội; tổ chức, quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ để việc học thêm, dạy thêm thật sự có hiệu quả, vừa không gây áp lực cho học sinh, vừa hạn chế thấp nhất những hệ lụy tiêu cực phát sinh…

 


Số lượt người xem: 2691    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA