Kể từ ngày 01/09/2015, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 (Luật số 85/2015/QH13) đã chính thức có hiệu lực thi hành. Theo nội dung được quy định trong Luật này thì:
Nguyên tắc bầu cử: Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
Cử tri: Cử tri là người có quyền bầu cử. Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tính đến ngày bầu cử được công bố, đủ 18 tuổi trở lên và có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về bầu cử đều có quyền bầu cử. Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri (ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú). Danh sách cử tri được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn và tại những địa điểm công cộng của khu vực bỏ phiếu, đồng thời thông báo rộng rãi danh sách cử tri và việc niêm yết để nhân dân kiểm tra.
Quyền bầu cử của cử tri
Cử tri có quyền tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân 3 cấp (thành phố; quận, huyện; phường, xã, thị trấn). Trường hợp cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có trụ sở trên địa bàn thành phố; cử tri từ tỉnh, thành phố khác đến thành phố Hồ Chí Minh sau khi đã niêm yết danh sách cử tri cho đến ngày bầu cử, nếu không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã có danh sách cử tri, có giấy chứng nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký, và có tên trong danh sách cử tri thì được tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố.
Trường hợp cử tri là người tạm trú và có thời gian đăng ký tạm trú tại địa phương chưa đủ 12 tháng; cử tri là quân nhân ở các đơn vị vũ trang nhân dân đóng quân tại thành phố Hồ Chí Minh; cử tri là công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, nếu xuất trình Hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam tại nơi đăng ký tạm trú, thì được tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố, quận, huyện.
Nguyên tắc bỏ phiếu:
Mỗi cử tri có quyền bỏ 01 phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ 01 phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân tương ứng với mỗi cấp Hội đồng nhân dân. Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay. Trường hợp cử tri không thể tự viết được thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải đảm bảo bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri bị khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào thùng phiếu. Nếu cử tri đau ốm, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang thùng phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.
Khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri. Khi cử tri viết phiếu bầu, không được xem, kể cảnh thành viên Tổ bầu cử. Nếu viết hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác. Khi cử tri bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu “đã bỏ phiếu” vào thẻ cử tri. Mọi người phải tuân theo nội quy phòng bỏ phiếu.
Thời gian bỏ phiếu
Việc bỏ phiếu phải được tiến hành liên tục, bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 7 giời tối ngày 22/05/2016. Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn, nhưng không được trước 05 giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn 09 giờ tối ngày 22/05/2016.
Phiếu bầu không hợp lệ là
Phiếu không theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát ra;
Phiếu không có dấu của Tổ bầu cử;
Phiếu để số người được bầu nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử;
Phiếu gạch xóa hết tên những người ứng cử;
Phiếu ghi thêm tên người ngoài danh sách ứng cử hoặc phiếu có ghi thêm nội dung khác.
Cách thức bỏ phiếu
Nếu cử tri không tín nhiệm người ứng cử nào thì gạch ngang giữa cả họ và tên người ứng cử đó (gạch đè lên hàng chữ họ và tên người ứng cử); không khoanh tròn, gạch chéo, gạch dưới, gạch trên hàng họ tên người ứng cử, không được đánh dấu trên phiếu bầu, không được viết thêm, không được ghi tên người ngoài danh sách ứng cử vào phiếu bầu, không bầu quá số đại biểu được ấn định trong phiếu bầu, không để nguyên phiếu bầu đối với phiếu bầu có số dư người ứng cử (không gạch tên người ứng cử nào), hoặc gạch tất cả những người ứng cử trong phiếu bầu.
Những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử
Lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật, hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử; lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình; sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.
Ngày bầu cử: Chủ nhật, ngày 22 tháng 03 năm 2016.
Ngày công bố kết quả bầu cử:
Công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV chậm nhất là ngày 11 tháng 06 năm 2016.
Công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021, chậm nhất là ngày 01 tháng 06 năm 2016.
Tại thành phố Hồ Chí Minh
- Có 10 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, số lượng đại biểu được bầu là 30 đại biểu.
- Có 35 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố, số lượng đại biểu được bầu là 105 đại biểu.
- Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân mỗi quận, huyện được bầu không quá 45 đại biểu.
- Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân mỗi phường, xã, thị trấn được bầu không quá 35 đại biểu.
- Số lượng Tổ bầu cử: 3.700 Tổ bầu cử.