Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác Phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Nghị quyết Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ X về xây dựng người Phụ nữ Việt Nam “Có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu” … là những văn kiện quan trọng chỉ ra nội dung, tiêu chí, chuẩn mực người phụ nữ Việt Nam của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế thế giới. Theo đó, tiêu chí, chuẩn mực cụ thể của người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập gồm:
Thứ nhất, người phụ nữ trước hết phải có lòng yêu nước. Đó là tình cảm sâu đậm, gắn bó thân thiết với đất nước, yêu gia đình, làng xóm, quê hương; yêu chế độ xã hội chủ nghĩa, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; chấp hành nghiêm luật pháp, chính sách của Nhà nước; thực hiện tốt trách nhiệm và nghĩa vụ đối với đất nước, sống tốt cho bản thân, gia đình và xã hội; tích cực học tập và làm việc để xây dựng đất nước giàu đẹp. Trong hành động cụ thể, người phụ nữ hiểu biết và làm được những nội dung: giữ gìn, phát huy truyền thống yêu nước và bản sắc văn hoá dân tộc; hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; tham gia các hoạt động công ích của cộng đồng do chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể tổ chức; tích cực sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế gia đình; nuôi dạy con tốt, thực hiện tiết kiệm trong sử dụng tài nguyên của đất nước, trong chi tiêu gia đình.
Thứ hai, người phụ nữ phải thường xuyên rèn luyện sức khỏe. Có sức khoẻ thì mới giữ được trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội, có khả năng thích ứng được mọi điều kiện của môi trường sống và làm việc. Muốn vậy, mỗi người phụ nữ phải có kiến thức cần thiết, cơ bản nhằm bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ, phòng chống bệnh tật; có ý thức bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho bản thân, gia đình và cộng đồng, tích cực luyện tập thể dục thể thao theo phương châm “Mỗi phụ nữ hãy chọn cho mình một môn thể thao thích hợp để rèn luyện”.
Thứ ba, người phụ nữ phải có tri thức và kỹ năng nghề nghiệp. Tri thức là sự hiểu biết có hệ thống của con người về sự vật, hiện tượng tự nhiên hoặc xã hội, kỹ năng nghề nghiệp là khả năng vận dụng những kiến thức thu nhận được vào thực tiễn công việc, hiểu biết về cuộc sống, về xã hội, có trình độ học vấn, có tay nghề đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công việc. Muốn đạt được điều đó, mỗi phụ nữ cần tích cực học tập mọi nơi, mọi lúc: từ trường lớp, qua sách báo, bạn bè, đồng nghiệp và từ cuộc sống, thường xuyên trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề để nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu công việc.
Thứ tư, người phụ nữ phải năng động, sáng tạo, luôn hoạt động và nhạy bén tìm mọi cách để có thể thực hiện tốt mục đích đã định, luôn có ý thức tạo ra những giá trị mới về vật chất, tinh thần. Tìm ra cái mới, giải quyết cái mới, không bị gò bó, phụ thuộc vào cái đã có, luôn suy nghĩ, tìm tòi, phát hiện ra cái mới và những sáng kiến hữu ích để áp dụng vào công việc và cuộc sống hàng ngày, có tính độc lập, mạnh dạn tiếp thu, áp dụng tiến bộ công nghệ vào công việc và cuộc sống.
Thứ năm, có lối sống văn hóa, trung thực, đoàn kết, chân thành trong quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp; ứng xử, giao tiếp văn minh, lịch sự và phù hợp với phong tục, tập quán, hài hòa lợi ích tập thể và cá nhân, vừa thích ứng được yêu cầu hội nhập, vừa phù hợp với truyền thống văn hoá của dân tộc; có ý thức tôn trọng, tuân thủ luật pháp của Nhà nước và những quy định của địa phương, cơ quan, cộng đồng; luôn có ý thức trau dồi phẩm chất, đạo đức; điều chỉnh hành vi và cách ứng xử theo chuẩn mực văn hóa cộng đồng; không xúc phạm danh dự và làm tổn hại đến mọi người bằng các hành vi bạo lực dưới mọi hình thức; vận động thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới để tiến tới xóa bỏ định kiến giới trong xã hội; có ý thức và động viên mọi người cùng có ý thức thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, khối xóm văn hóa.
Thứ sáu, có lòng nhân hậu, yêu thương con người, nhân ái, khoan dung, ăn ở có nghĩa có tình, lòng vị tha, biết chia sẻ, cảm thông với mọi người, nhất là những người gặp hoàn cảnh không may mắn; sống theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “lá lành đùm lá rách”; coi trọng tình làng nghĩa xóm, tình cảm bạn bè, đồng nghiệp; sống hòa mình vào cộng đồng để cảm nhận, chia sẻ vui buồn cùng mọi người; không kỳ thị, xa lánh những người mắc lầm lỗi, tạo cơ hội cho họ tái hòa nhập cộng đồng trở về với cuộc sống đời thường; tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, tương thân tương ái …
Hiện nay, nhiều cơ hội mới đang mở ra cho sự phát triển của Phụ nữ, vì khoa học phục vụ họ, tạo cho họ nhiều việc làm phù hợp và từ đó nâng cao vị thế của họ. Quá trình hình thành tiêu chí, chuẩn mực trên là sự kết hợp giữa những giá trị văn hóa truyền thống của Phụ nữ Việt Nam, cùng với việc phát huy những giá trị tư tưởng, tinh hoa tốt đẹp của thời đại mới. Mỗi người phụ nữ tạo ra bản lĩnh riêng, từ trí tuệ được nâng cao, nhạy bén và năng động, cùng với vẻ đẹp nhẹ nhàng, sâu sắc tỏa ra từ tấm lòng nhân hậu của họ. Họ là những công dân ưu tú, giúp ích cho xã hội, đồng thời là người vợ hiền, người mẹ tận tâm, là ngọn lửa trong mỗi mái ấm gia đình.