43 năm Ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam (27/01/1973 – 27/01/2016)
Ngày 13/05/1968, Hội nghị Paris giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ họp phiên đầu tiên tại Paris, thủ đô nước Pháp.
Ngày 25/01/1969, Hội nghị bốn bên về Việt Nam khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ nhất, mở ra giai đoạn mà ta thường gọi là "vừa đánh, vừa đàm".
Hội nghị Paris về Việt Nam là cuộc đàm phán dài nhất nhằm chấm dứt một cuộc chiến tranh dài nhất, ác liệt nhất và tốn kém nhất trong thế kỷ 20. Tính từ phiên họp đầu tiên giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ ngày 13/05/1968 cho đến khi ký được "Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam" đã kéo dài gần 4 năm 9 tháng.
Ngày 27/01/1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được các Bộ trưởng Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Duy Trinh, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Uy-liêm Râu-giơ, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình và Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Việt Nam Cộng hòa Trần Văn Lắm chính thức ký kết tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, khách sạn Hoàng gia, đường Clê-be, Paris (Pháp).
Nội dung cơ bản của Hiệp định và các Nghị định thư kèm theo là:
- Mỹ và các nước khác phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
- Chấm dứt mọi hoạt động quân sự của Mỹ chống lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; rút hết quân Mỹ và đồng minh, hủy bỏ các căn cứ quân sự của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam, để nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của mình.
- Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là một bên của "hai bên miền Nam Việt Nam"; phải công nhận trên thực tế, miền Nam Việt Nam có hai chính quyền, hai quân đội và hai vùng kiểm soát.
- Mỹ phải đóng góp vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh và công cuộc xây dựng sau chiến tranh ở Việt Nam.
Hiệp định Paris về Việt Nam là sự kiện được toàn thế giới hoan nghênh, các nhà đàm phán chủ chốt là Lê Đức Thọ và H.Kit-xinh-giơ được tặng Giải thưởng Nobel về Hòa bình.
Hiệp định Paris đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, là một thắng lợi rất to lớn trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Hiệp định Paris đã đáp ứng những yêu cầu cơ bản, có tính nguyên tắc mà Việt Nam đã kiên trì đấu tranh trong quá trình đàm phán.
Với Hiệp định Paris, Mỹ buộc phải chấm dứt chiến tranh, rút hết quân Mỹ và đồng minh ra khỏi Việt Nam và Đông Dương, không được dính líu về quân sự ở miền Nam Việt Nam, nhưng Việt Nam vẫn giữ nguyên lực lượng chính trị và vũ trang ở miền Nam Việt Nam. Chính quyền Sài Gòn sẽ mất chỗ dựa, bị suy yếu và lún sâu vào khủng hoảng.
Với Hiệp định Paris, nhân dân Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu "đánh cho Mỹ cút", tạo ra so sánh lực lượng mới, mở đường cho việc thực hiện tiếp mục tiêu "đánh cho ngụy nhào", hoàn thành sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thu giang sơn về một mối.
Hiệp định Paris được sự công nhận và bảo đảm của một Hội nghị Quốc tế về Việt Nam thông qua Định ước Quốc tế ký ngày 02/03/1973 cũng tại Paris. Tuy nhiên, Mỹ và Chính quyền Sài Gòn đã tìm mọi cách để phá hoại việc thi hành Hiệp định. Trong khi ấy, ta kiên quyết đấu tranh để Hiệp định được thi hành nghiêm chỉnh, trước hết là Mỹ phải ngừng bắn, rút hết quân về nước. Ta cũng đồng thời đấu tranh để chính quyền Sài Gòn phải ngồi lại bàn đàm phán để giải quyết các vấn đề chính trị ở miền Nam Việt Nam.
Ngày 29/03/1973, người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi miền Nam Việt Nam. Tuy vậy, Mỹ vẫn tiếp tay cho Chính quyền Sài Gòn lấn chiếm các vùng giải phóng, giành giật lại những gì chúng đã mất, tiếp tục các hành động chiến tranh.
Tháng 06/1973, Hội nghị lần thứ 21 Ban chấp hành Trung ương Đảng đã nhận định tình hình miền Nam có thể phát triển theo hai khả năng: Một là, ta từng bước buộc địch phải thi hành Hiệp định. Hai là, xung đột quân sự ngày càng tăng cường và mở rộng, ta phải tiếp tục chiến tranh cách mạng một thời gian nữa để đánh bại Mỹ - Ngụy, giành thắng lợi hoàn toàn.
Cuối năm 1973 - đầu năm 1974, phối hợp với đấu tranh chính trị, ngoại giao, ta phản công và tiến công, đập tan âm mưu lấn chiếm của địch, giành quyền chủ động trên khắp các chiến trường, đồng thời phát động phong trào đấu tranh chính trị sôi nổi trong các đô thị dưới khẩu hiệu "hòa bình, độc lập, hòa hợp dân tộc".
Tháng 10 năm 1974, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta họp bàn nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước trong hai năm 1975 - 1976. Sau khi nhận định "Đây là thời cơ thuận lợi trọn vẹn cho cách mạng dân tộc, dân chủ", Bộ Chính trị quyết định: "Ngay từ giờ, phải tiến hành mọi công việc chuẩn bị thật khẩn trương, tạo điều kiện và cơ sở vật chất đầy đủ nhất để đánh mạnh, thắng gọn và thắng triệt để trong hai năm 1975 - 1976".
Ngày 07/01/1975, Bộ Chính trị nêu quyết tâm: "Tranh thủ thời cơ, kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh cứu nước trong năm 1975".
Ngày 04/03/1975, Quân Giải phóng mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Ất Mão bằng Chiến dịch Tây Nguyên, và ngày 11/03/1975, giải phóng thành phố Buôn Ma Thuột.
Ngày 18/04/1975, Xuân Lộc thất thủ.
Đúng 20 giờ 45 phút ngày 21/04/1975, Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức.
Ngày 14/04/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta đặt tên "Chiến dịch Hồ Chí Minh" cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu từ 17 giờ ngày 26/04/1975.
Với phương châm "thần tốc, táo bạo, bất ngờ, tất thắng", các đoàn quân ta ào ạt bước vào trận quyết chiến chiến lược.
11 giờ 30 ngày 30/04/1975, cờ cách mạng tung bay trên nóc Phủ Tổng thống ngụy, báo hiệu thành phố Sài Gòn được hoàn toàn giải phóng và Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng, kết thúc 30 năm chiến tranh trường kỳ của dân tộc.
Đại thắng Xuân năm 1975 đã để lại cho chúng ta nhiều bài học có ý nghĩa lịch sử, trong đó có phần đóng góp to lớn của Hiệp định Paris về Việt Nam.