SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
2
6
7
2
1
0
Tin tức sự kiện 01 Tháng Chín 2015 2:45:00 CH

Câu chuyện về lòng nhân dân Nam bộ hướng về Đảng, về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 23/09/1945, chỉ 3 tuần sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, thực dân Pháp núp dưới bóng quân đội Anh tước vũ khí của quân đội Nhật ở Nam bộ, âm mưu quay trở lại xâm lược nước ta lần nữa. Hơn 6.000 quân Pháp dựa vào một vạn quân Anh đã trắng trợn gây hấn ở Sài Gòn. Chúng mưu toan chiếm Nam bộ làm bàn đạp chiếm cả Việt Nam và Đông Dương.

Từ 7 giờ sáng ngày 23/09/1945, Xứ ủy và Ủy ban hành chính Nam bộ họp khẩn cấp tại phố Cây Mai (Chợ Lớn) có đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh tham dự. Hội nghị quyết định phát động nhân dân kiên quyết kháng chiến chống xâm lược. Ủy ban kháng chiến Nam bộ được thành lập, ra lệnh tổng bãi công, bãi thị, bất hợp tác với địch, phong toả địch. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam bộ sục sôi căm thù, nhất tề đứng dậy, xông ra Mặt trận quyết chiến với quân xâm lược, mở ra một trang sử oanh liệt mới: Nam bộ kháng chiến.

Cả Sài Gòn đình công, không hợp tác với Pháp. Các công sở xí nghiệp, hãng buôn đóng cửa, chợ không họp, xe ngừng chạy. Các ụ chiến đấu mọc lên khắp nơi. Ngay những ngày đầu quân ta đã tiêu hao sinh lực địch và phá hủy một phần cơ sở vật chất của chúng. Tiếng súng kháng chiến ở Sài Gòn chấn động cả nước. Nhiều tỉnh Nam bộ đưa lực lượng đoàn viên, thanh niên chống quân xâm lược.

Ngày 27/09/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào miền Nam khẳng định quyết tâm kháng chiến của Đảng, Chính phủ và nhân dân ta, chỉ rõ mục tiêu chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ quyết tâm của nhân dân ta: “Thà chết tự do hơn sống nô lệ”! Đáp lời kêu gọi của Người, xứng đáng với lòng tin cậy và sự cổ vũ của nhân dân cả nước, nhân dân Nam bộ vùng dậy dũng cảm đánh trả kẻ địch có trang bị hiện đại, làm thất bại âm mưu của địch, tạo điều kiện để ta củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng chế độ mới, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn quốc. Tháng 2 năm 1946, thay mặt Chính phủ và đồng bào cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Nam bộ danh hiệu vẻ vang: “Thành đồng Tổ quốc”.

Nhân dân miền Nam tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ. Bác Hồ lúc nào cũng là linh hồn của các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Vì chịu sự kiểm duyệt rất khắt khe của chế độ Ngô Đình Diệm, nhân dân Nam bộ vẫn giấu ảnh Bác, cờ Đảng, cờ Tổ quốc để mỗi khi gay go nhất, ác liệt nhất mang ra ngắm nhìn để gửi tấm lòng trung thành tuyệt đối với đường lối cách mạng, như câu ca dao: “Dù ai rào giậu ngăn sân/ Lòng ta vẫn vững là dân Cụ Hồ”. Nhân dân Nam bộ hướng về Thủ đô Hà Nội, thể hiện qua câu chuyện đầy sức thuyết phục: bài thơ “Cụ già câu cá”. Đó là tấm lòng chan chứa của nhân dân Nam bộ trong lời chúc Bác Hồ có sức khỏe, sống lâu, đã vượt qua được sự kiểm duyệt khắc khe của chế độ Ngụy quyền Sài Gòn. Bài thơ không có tác giả nhưng đã in đậm trong lòng người dân Nam bộ:

Cụ già thong thả buông cần trúc
Hồ rộng trời in mặt nước hồng
Muôn vạn đài sen hương bát ngát
Tuổi già vui thú với non sông.

Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt này lấy các chữ đầu của mỗi câu trở thành một câu chúc thọ: Cụ Hồ muôn tuổi!

Thế mới biết rằng, tấm lòng của nhân dân Nam bộ nói riêng và nhân dân cả nước nói chung đã tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và kính yêu Bác Hồ như thế nào, kể cả khi cách mạng đang ở những thời điểm khó khăn nhất. Có thể nói, từ câu chuyện này, ta thấy được sự gắn bó mật thiết, sự tin tưởng của nhân dân với Đảng có thể tạo thành động lực, sức mạnh vượt qua tất cả để thành công trong sự nghiệp của Đảng, của đất nước và của nhân dân ta trong mỗi thời kỳ, giai đoạn cách mạng. Đó là bài học không bao giờ cũ.


Số lượt người xem: 3010    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA