SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
5
1
4
9
8
9
Tin tức sự kiện 23 Tháng Ba 2015 2:15:00 CH

Ngày này năm ấy

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta hãy nhìn lại quá trình của cuộc kháng chiến vĩ đại này của toàn quân, toàn dân ta sau 30 năm trường kỳ kháng chiến với biết bao nhiêu hy sinh xương máu của các anh hùng liệt sĩ. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1945 - 1975) giành toàn thắng. Thắng lợi đó đã mở ra kỷ nguyên mới của cách mạng Việt Nam.

Trên cơ sở thắng lợi giành được và trong tình hình so sánh lực lượng thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta từ cuối 1974 đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong 2 năm (1975 - 1976) nhưng lại nhấn mạnh "Cả năm 1975 là thời cơ" và chỉ rõ "Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975", phải tranh thủ thời cơ thực hiện cuộc tổng công kích – tổng khởi nghĩa, phải đánh thắng nhanh để đỡ thiệt hại về người và của cho nhân dân, giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh.

Thực hiện kế hoạch, ta tập trung lực lượng chủ lực mạnh với binh khí kỹ thuật hiện đại, mở chiến dịch quy mô lớn ở Tây Nguyên – địa bàn chiến lược hết sức quan trọng với trận then chốt mở màn Buôn Ma Thuột ngày 10/03/1975 và giành thắng lợi nhanh chóng.

Sau đòn đau ở Buôn Ma Thuột, quân địch ở Tây Nguyên mất tinh thần, hàng ngũ chúng rối loạn. Đến ngày 24/3, toàn bộ quân địch ở đây rút chạy bị quân ta chặn đánh. Tây nguyên rộng lớn với 60 vạn dân hoàn toàn được giải phóng. Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi đã chuyển cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sang giai đoạn mới từ cuộc tiến công chiến lược phát triển thành cuộc tổng tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam. Thấy thời cơ chiến lược đến nhanh hết sức thuận lợi, ngay từ khi chiến dịch Tây Nguyên đang tiếp diễn, Bộ Chính trị quyết định kịp thời một kế hoạch giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam, trước tiên là kế hoạch giải phóng Huế - Đà Nẵng.

Phát hiện địch co cụm ở Huế, ngày 21/3, quân ta thọc sâu vào căn cứ địch, chặn các đường rút chạy của chúng, hình thành thế bao vây chúng trong thành phố. 10 giờ 30 phút ngày 25/3, quân ta tiến vào giải phóng Cố đô Huế và toàn tỉnh Thừa Thiên. Trong cùng thời gian, quân ta giải phóng Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Chu Lai... tạo thêm một hướng uy hiếp Đà Nẵng từ phía Nam. Đà Nẵng là thành phố lớn thứ hai ở miền Nam, một căn cứ hỗn hợp quân sự lớn nhất của Mỹ – ngụy. Hơn 10 vạn quân địch bị dồn ứ vào đây trở nên hỗn loạn, mất hết khả năng chiến đấu. Chúng phải dùng máy bay di tản cố vấn Mỹ và một phần lực lượng ngụy. Sáng 29/3/1975, quân ta từ ba hướng Bắc, Tây, Nam tiến vào thành phố, đến 3 giờ chiều thì chiếm hết thành phố. Trong cùng thời gian với chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế - Đà Nẵng, các tỉnh còn lại ven biển miền Trung, Nam - Tây Nguyên, một số tỉnh Nam bộ và các đảo biển miền Trung lần lượt giải phóng.

Quân ta bắt đầu cuộc tiến công vào Xuân Lộc (9/4/1975) và Phan Rang - căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch bảo vệ Sài Gòn từ phía Đông. Trước tình hình đó, nội bộ Mỹ – ngụy thêm hoảng loạn. Ngày 18/4, Tổng thống Mỹ ra lệnh di tản hết người Mỹ khỏi Sài Gòn. Ngày 21/4, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức Tổng thống ngụy. 17 giờ ngày 26/4, quân ta (thuộc 5 cánh từ các hướng) được lệnh vượt qua tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch tiến vào Sài Gòn, tận trung tâm thành phố, đánh chiếm tất cả các cơ quan đầu não của chúng.

9 giờ 30 phút ngày 30/4, Đại tướng Dương Văn Minh vừa lên chức Tổng thống ngụy hôm 28/4, kêu gọi "ngừng bắn để điều đình giao chính quyền" nhằm cứu quân ngụy khỏi sụp đổ. 10 giờ 45 phút ngày 30/4, xe tăng của quân ta tiến thẳng vào dinh Độc Lập ngụy, bắt sống toàn bộ ngụy quyền Trung ương. Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ Cách mạng tung bay trên nóc dinh Độc Lập – Phủ Tổng thống ngụy, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.


Số lượt người xem: 3553    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA