SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
2
9
4
6
5
5
Tin tức sự kiện 02 Tháng Ba 2015 4:50:00 CH

Đời sống mới theo quan niệm của Bác Hồ

Ngay từ những năm đầu công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chăm lo đời sống kinh tế và văn hóa của nhân dân. Với cách viết ngắn gọn, dễ hiểu, trong tác phẩm Đời sống mới (bút danh Tân Sinh) xuất bản năm 1947 - Người đề cập đến nhiều lĩnh vực về văn hóa, phong tục, tập quán. Bác Hồ quan niệm người dân là chủ thể của nếp sống mới ở thôn, ấp (làng, bản), tổ dân phố: "Dân là gốc của nước. Nếu mọi người đều cố gắng làm đúng đời sống mới thì nhất định dân tộc sẽ phú cường" (Hồ Chí Minh - Tuyển tập Văn học, T.2-NXB Văn Học, 1995, Tr.169,152). Bác đề ra mấy phương châm của cuộc vận động đời sống mới: Kiên trì, thuyết phục, tự nguyện và tránh phô trương. Lúc đầu, số đông người chưa hiểu, chưa thực hành đời sống mới thì không nóng vội, không cưỡng ép. Đến khi đại đa số đồng bào đã thấy lợi ích và thực hiện, số ít người còn lại sẽ tự nguyện làm theo. Trong mọi sinh hoạt nếp sống mới, không thể thuyết phục được người dân nếu cán bộ thiếu gương mẫu và thiếu tri thức. Có được sự tự nguyện của đông đảo quần chúng thì phong trào mới tồn tại lâu dài, vững chắc.

Nội dung của nếp sống mới và quy luật thừa kế di sản văn hóa được Bác Hồ đúc kết thành chủ trương: Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ, cái gì cũ mà không xấu, không phiền phức thì sửa đổi, bổ sung cho hợp lý, cái gì cũ mà tốt thì phát triển thêm, cái mới mà hay thì làm theo. Người cũng chỉ rõ sức ỳ của tập quán: "Cái tốt mà lạ, người ta có thể cho là xấu, cái xấu mà quen người ta cho là thường". Liên hệ với đời sống văn hóa ở khu dân cư hiện nay, nhất là trong việc cưới, việc tang, gia phong, gia lễ, lễ hội... ta thấy có nhiều điều suy ngẫm.

Cưới hỏi là chuyện của từng gia đình, nhưng phản ảnh bộ mặt văn hóa xã hội, trình độ dân trí của dân tộc. Đám cưới cổ truyền có một số nét tích cực thể hiện đức hiếu nghĩa với bố mẹ, ông bà, tổ tiên, tình cảm gắn bó vợ chồng. Bên cạnh đó, đám cưới cổ truyền có nhiều nghi thức nhiêu khê: lễ chạm ngõ, ăn hỏi, ăn cưới, nạp cheo, lại mặt... Ngày nay, khi đời sống vật chất và tinh thần đã được nâng cao, mối quan hệ giữa người với người rộng rãi hơn, nên việc tổ chức đám cưới khác xưa nhiều là lẽ đương nhiên. Nhưng việc lạm dụng đám cưới để "thương mại hóa", gây lãng phí tiền của và thời gian... cần phải phê phán.

Việc tang là chuyện buồn của gia đình nhưng liên quan mật thiết đến tình làng nghĩa xóm, đến xã hội. Lễ tang mang tính cộng đồng cao "nghĩa tử là nghĩa tận", với sự tham gia của mọi thành viên trong họ hàng và khu dân cư. Lễ tang hay lễ hiếu còn là mối quan hệ giữa hiện thực và siêu thực, giữa đời sống và người chết. Trong lễ hiếu truyền thống, có nghi thức tôn nghiêm như: nhạc hiếu, lễ bái người đã khuất, tỏ lòng lưu luyến, tiếc thương, đưa tiễn. Đó là tập quán mang tính nhân văn. Những hủ tục như: đi giật lùi, lăn đường, khóc mướn... nhân dân ta ủng hộ chủ trương xóa bỏ.

Từ nhiều năm qua, cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh - gia đình văn hóa đã được thực hiện trong cả nước. Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh thành đã ban hành quyết định, quy chế, nhiều địa phương đã vận dụng chủ trương của Đảng và Nhà nước xây dựng hương ước, quy ước của thôn (ấp), dòng họ - trong việc cưới, việc tang, gia phong, gia lễ, lễ hội... phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, hiếu thảo, thủy chung của dân tộc.


Số lượt người xem: 4124    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA