SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
3
3
4
1
4
3
Tin tức sự kiện 18 Tháng Mười Một 2014 8:55:00 SA

Nghề Nhà giáo xưa và nay

Nhân  Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 năm 2014

Ở xã hội ngày xưa, nhà giáo được quý trọng hơn cả cha mẹ, chỉ đứng sau nhà vua (quân, sư, phụ). Sở dĩ người thầy chiếm một địa vị như vậy là vì chẳng có ai làm nên mà không nhờ đến sự dạy dỗ, giáo huấn của thầy. Tục ngữ ta có câu: “Không thầy đố mày làm nên”. Người thầy quan trọng là thế nên học trò phải kính nể. Học trò ngày xưa xem thầy như người thân trong gia đình nên: “Sống phải tết, chết phải giỗ”. Ơn thầy rất nặng nên thành tài rồi trò không quên.

  Thầy ngày xưa được ưu đãi, được miễn các thứ thuế, không phải đi phu, tạp dịch. Khi có đám giỗ tiệc tùng, hội hè được dân làng mời ăn trên ngồi trước để tỏ lòng kính trọng thầy đã có công dạy dỗ cho con em mình. Lúc thầy còn sống, học trò coi việc của thầy như việc của mình, ngày giỗ, tết phải đến. Còn lúc thầy chết, học trò chung nhau làm đám tang, và phải khiêng quan tài thầy đến nơi an nghỉ cuối cùng. Đến ngày giỗ thầy học trò lập “Hội môn sinh” làm giỗ. Có rất nhiều chuyện cảm động về tình thầy trò. Khổng Tử chết, học trò là Tử Cống cất nhà bên mộ thầy ở liền 6 năm. Nhà nho Phan Thanh Giản đỗ tiến sỹ làm quan to trong triều Nguyễn, khi về thăm quê nhà, đến gần nhà thầy phải xuống võng đi bộ vào viếng thầy. Ngay cả nhà vua cũng kính trọng thầy học của mình. Chuyện kể, ông Phan Kế Toại làm quan tri phủ Hoài Đức tỉnh Hà Đông cũ, được tin thầy giáo của mình là thầy Nguyễn Văn Hùng về hưu, ông Phan Kế Toại cùng một số đồng môn đến nhà thầy chúc thầy về hưu. Trong chúc thư mở đầu ông viết: “Nhân dịp thầy về hưu, anh em chúng con họp mặt ở đây là cốt để kính mừng thầy và tỏ lòng ghi ân, nhớ nghĩa thầy trong 40 năm trời đã từng lao tâm tổn trí giáo hóa chúng con...”.

Dân tộc Việt nam vốn có truyền thống “Tôn sư trọng đạo”. Đó là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam, ngày càng được phát huy và đã trở thành đạo lý của cả dân tộc ta. Hẳn lúc còn nhỏ khi nằm trong nôi, ta vẫn thường nghe lời ru của ba, của mẹ. “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy. Chế độ phong kiến đề cao đạo lý làm người theo tinh thần nho giáo “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm là người như thế. Cái tinh thần trọng đạo ấy càng sáng tỏ ý thức tôn sư, gốc có vững thì cây mới vươn cành xanh lá.  

Lúc sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dụcGiáo dục là sự nghiệp của quần chúng, cần phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thất tốt, đoàn kết chặt chẽ giữa thầy với thầy, giữa trò với trò… giáo dục nhằm dào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và của nhân dân ta, các ngành các cấp chính quyền địa phương phải quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp giáo dục...”

  Ngày nay, người thầy là những chiến sỹ tiên phong trên mặt trận văn hóa. Việc dạy đạo làm người chính là hình thành và phát triển nhân cách cho mỗi người có cả đức cả tài, trung với nước, hiếu với dân…

  Hiện nay, đất nước ta đã có nhiều đổi mới và đạt nhiều thành tựu to lớn, giáo dục cũng đã có nhiều thay đổi từ những điều căn bản nhất của “đạo làm thầy” và chúng ta đang thực hiện cuộc vận động lớn “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh “nghề thầy giáo là rất quan trọng, rất là vẻ vang”.  Xin nhắc lại lòng kính trọng của người xưa đối với người làm nghề dạy học, những người có giáo dục, có học thức. Là những người biết kính trọng, quý mến, với lòng biết ơn vô hạn dành cho thầy cô, mỗi chúng ta cũng mong muốn rằng mỗi người thầy hãy luôn trau dồi, gọt giũa để tự hoàn thiện mình. Để mỗi người thầy nhận thức được sự nghiệp đào tạo giáo dục luôn xứng đáng với vị trí quốc sách hàng đầu trong sự nghiệp trồng người, như lời Bác dạy: “Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người”.


Số lượt người xem: 4334    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA