SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
3
0
8
6
1
7
Tin tức sự kiện 27 Tháng Tám 2014 9:00:00 SA

Quá trình hình thành Ngành Tư pháp Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh và quận 11

Tính đến ngày 28/08/2014, Ngành Tư pháp Việt Nam đã tròn 69 tuổi (28/08/1945 - 28/08/2014)

Đối với Ngành Tư pháp Trung ương:

Vào ngày 28/08/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tuyên cáo công bố danh sách Nội các thống nhất quốc gia, một trong 13 Bộ được công bố thành lập lúc đó có Bộ Tư pháp (Bộ Trưởng là ông Vũ Trọng Khánh).

Qua các giai đoạn lịch sử cách mạng Việt Nam, hình thức tổ chức, tên gọi của Ngành Tư pháp có nhiều thay đổi:

- Giai đoạn 1945 - 1960: Cấp Chính phủ là Bộ Tư pháp và tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là các Sở Tư pháp.

- Giai đoạn 1960 - 1981: đổi lại tên gọi là Ủy ban Pháp chế của Chính phủ, Ban Pháp chế của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Giai đoạn 1981 đến nay: thành lập lại Bộ Tư pháp và các Sở Tư pháp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phòng Tư pháp quận, huyện, thị xã và Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn  (Nghị định 143/HĐBT ngày 22/11/1981).

Hiện nay theo hệ thống tổ chức Ngành Tư pháp Việt Nam có Bộ Tư pháp; Sở Tư pháp cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng Tư pháp quận, huyện; xã, phường, thị trấn không có Ban Tư pháp.

Ngày 07/01/1995, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 715/TTg công nhận ngày 28/08 hàng năm là Ngày truyền thống của Ngành Tư phápViệt Nam.

Đối với Ngành Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh:

Sau tổng khởi nghĩa cướp chính quyền mùa Thu năm 1945, cùng với việc thành lập Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam bộ, Sở Tư pháp Nam bộ ra đời. Ban Giám đốc Sở lúc đó có 3 người, do luật sư Trương Phong Quế làm Giám đốc. Về tổ chức có các Phòng Dân sự, Phòng Quản lý Tòa án, Phòng Đào tạo cán bộ pháp lý và Văn phòng.

Sở Tư pháp Nam bộ lúc đó có các nhiệm vụ: quản lý Tòa án các tỉnh thuộc Nam bộ; đào tạo bồi dưỡng cán bộ tư pháp; quản lý, chỉ đạo mạng lưới bào chữa viên nhân dân; tham mưu cho Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam bộ các vấn đề liên quan đến pháp luật.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, sau ngày 30/04/1975, đoàn cán bộ Tòa án nhân dân tối cao do ông Nguyễn Thành Vĩnh làm Trưởng đoàn đã vào tiếp quản Ngành Tư pháp trong đó có Tòa án Sài Gòn. Ngày 24/07/1975, ông Nguyễn Thành Vĩnh đã được Trung ương cục Miền nam bổ nhiệm làm Chánh án đầu tiên của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Ngành Tư pháp lúc bấy giờ cũng đã hình thành một Tổ Pháp chế giúp cho Ủy ban quân quản Sài Gòn - Gia Định, lúc đó chỉ có 3 người.

Đến ngày 03/06/1976, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 362/QĐ-UB thành lập Phòng Pháp chế trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố với 11 người do ông Nguyễn Minh Chương làm Trưởng phòng.

Sau một năm hoạt động, do yêu cầu nhiệm vụ, căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần I. Ngày 07/05/1977, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 349/QĐ-UB-TC thành lập Ban Pháp chế thay cho Phòng Pháp chế trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố. Ban Pháp chế có nhiệm vụ như Phòng Pháp chế, nhưng quy mô tổ chức và nhân sự lớn hơn, có 06 phòng và 33 người. Trong thời gian này, số cán bộ làm công tác pháp chế có trình độ pháp lý rất chênh lệch nhau, có người chưa qua trường lớp đào tạo, hầu hết chưa làm công tác pháp chế.

Tại quận, huyện, đến cuối năm 1978, đã có 17/18 quận, huyện có tổ chức pháp chế nằm trong Văn phòng Ủy ban nhân dân (riêng huyện Nhà Bè đến tháng 3/1984 mới có tổ chức Tư pháp);25 Sở, ngành, công ty, xí nghiệp đã thành lập tổ chức pháp chế hoặc có cán bộ pháp chế chuyên trách.

Ngày 27/03/1982, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 43/QĐ-UB thành lập Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh. Tại các quận, huyện thành lập Phòng Tư pháp và các Ban Tư pháp tại xã, phường, thị trấn.

Hiện nay tại xã, phường, thị trấn không còn tổ chức Ban Tư pháp.

Đối với Ngành Tư pháp quận 11:

Năm 1980, Ủy ban nhân dân quận 11 quyết định thành lập Tổ Pháp chế trực thuộc Ủy ban nhân dân quận 11, có 3 cán bộ.

Ngày 14/09/1983, Ủy ban nhân dân quận 11 ban hành Quyết định 777/QĐ-UB-TC thành lập Ban Tư pháp quận 11.

Ngày 25/11/1983, Ủy ban nhân dân quận 11 ký Quyết định 1007/QĐ-UB-TC  bố trí nhân sự Ban Tư pháp quận 11 có 4 người trong đó có 01 người Trưởng ban.

Năm 1984, Ủy ban nhân dân quận 11 ban hành quyết định thành lập Phòng Tư pháp.

Ngày 03/07/1988, Ủy ban nhân dân quận 11 ban hành Quyết định số 035/QĐ-UB-NC thành lập Tổ Tư pháp, biên chế là 05 cán bộ.

Ngày 28/05/1990, Ủy ban nhân dân quận 11 ban hành Quyết định 035/QĐ-UB thành lập Phòng Tư pháp trực thuộc Ủy ban nhân dân quận 11.

Đến nay, Phòng Tư pháp quận là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận 11 với trách nhiệm, công việc được giao như: công tác hộ tịch; công tác chứng thực; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác văn bản; công tác kiểm soát văn bản; công tác kiểm soát thủ tục hành chính; công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; công tác bồi thường nhà nước; công tác trợ giúp pháp lý miễn phí; công tác theo dõi tình hình xử phạt vi phạm hành chính, v.v…

Do cơ chế tổ chức bộ máy của từng thời kỳ, giai đoạn lịch sử khác nhau, Ngành Tư pháp quận 11 đã được thành lập từ năm 1980 đến nay với nhiệm vụ được giao là giúp việc, làm tham mưu cho Ủy ban nhân dân quận về công tác tư pháp và hộ tịch. Dù  thay đổi tên gọi từng thời kỳ, giai đoạn lịch sử khác nhau, nhiệm vụ khác nhau, Phòng Tư pháp quận luôn làm tốt vai trò, trách nhiệm của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận, tham mưu về công tác pháp luật cho Ủy ban nhân dân quận.

Với những thành tích đóng góp, Ngành Tư pháp quận 11 đã được cấp trên tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp và Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng III.


Số lượt người xem: 4260    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA