SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
2
9
7
0
9
6
Tin tức sự kiện 14 Tháng Tám 2014 9:10:00 SA

Thừa phát lại là gì?

Ngày 24/07/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 18/10/2013, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 135/2013/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định 61/2009/NĐ-CP.

Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thừa phát lại là người có các tiêu chuẩn, được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để làm các công việc theo quy định của Nghị định nói trên và pháp luật có liên quan.

Công việc Thừa phát lại được làm:

1/ Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án dân sự.

2/ Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

3/ Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự.

4/ Trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. Thừa phát lại không tổ chức thi hành các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án.

Theo quy định của Nghị định:

- Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.                                

 - Tống đạt là việc thông báo, giao nhận các văn bản của Tòa án và Cơ quan thi hành án dân sự do Thừa phát lại thực hiện theo quy định của pháp luật.

Đó là những quy định của Nghị định 61/2009/NĐ-CP và Nghị định 135/2013/NĐ-CP. Thực tế ba chữ “Thừa phát lại” hiện còn nhiều người chưa quan tâm, chưa hiểu hết về mặt ngôn ngữ, lẫn ý nghĩa thực tế.

Để hiểu một cách đầy đủ, chúng ta cần hiểu về ý nghĩa và giá trị lịch sử của chế định Thừa phát lại.

Chế định Thừa phát lại ra đời từ rất lâu, đã được áp dụng thực hiện ở nhiều nước trên thế giới.

Ở Việt Nam trong thời kỳ phong kiến, với tính chất công việc và nghề nghiệp, thì những công lại dạng như chức danh Thừa phát lại đã tồn tại và được thừa nhận từ thời kỳ Pháp thuộc, khi các chế định Thừa phát lại được quy định trong các văn bản pháp luật như Bộ luật Tố tụng Nam kỳ (Nam Việt) ban hành năm 1910; Bộ Dân sự Tố tụng Bắc kỳ năm 1917; Bộ Dân luật Trung kỳ năm 1936 - 1939; Bộ Hộ sự, Thương sự Tố tụng Trung kỳ năm 1942; Nghị định 111 ngày 08/03/1949 của chính quyền Bảo đại v.v…

Ở miền Nam Việt Nam, Thừa phát lại tồn tại đến khi giải phóng miền Nam năm 1975 có 36 Thừa phát lại với 19 Văn phòng Thừa phát lại hoạt động ở Sài Gòn - Gia Định, An Giang, Cần Thơ, Bình Dương, Biên Hòa. Thừa phát lại làm các công việc như:

1/ Thông báo Tòa khai mạc và bế mạc, gọi các đương sự, nhân chứng, thi hành lệnh giữ trật tự tại Tòa;

2/ Tống đạt giấy tờ theo yêu cầu của Tòa án, lập các vi bằng theo quy định của pháp luật, phát mại động sản hay bất động sản;

3/ Trực tiếp thi hành các bản án, quyết định của Tòa án.

Theo Hán – Việt từ điển của Đào Duy Anh (Nhà xuất bản Trường Thi in lần thứ ba, Sài Gòn, năm 1975) Thừa phát lại là người thuộc lại ở Tòa án sơ cấp hay Tòa án địa phương, giữ việc phát tống các văn thư, chấp hành điều phán quyết của Tòa, hay là thu một vật sản v.v…, tiếng Pháp gọi chung là Huissier.

Chức danh Thừa phát lại trên thực tế được phân chia ra nhiều chuyên ngạch khác nhau như: Thừa phát trạng (tống đạt giấy tờ, hoặc lập vi bằng - expoloit d’Huissier), Thừa phát lại đăng đường (Thừa phát lại tại phiên tòa - Huissier au diencier ), Thừa phát lại ủy cử (Thừa phát lại được tạm thời cử ra để đảm nhận chức trách của Thừa phát lại ở những nơi địa phương chưa có Thừa phát lại - Huissier commis), v.v…

Trong những năm đầu của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Thừa phát lại tiếp tục được duy trì cho đến năm 1950. Tại sắc lệnh số 130/SL ngày 19/07/1946 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã quy định:

Điều thứ 1:  

Các bản toàn sao hoặc trích sao án, hoặc mệnh lệnh do các phòng Lục sự phát hành cho người đương sự để thi hành các án, hoặc mệnh lệnh của các Tòa án Hộ, đều phải có thể thức thi hành, ấn định như sau:

“Vậy, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa truyền cho các Thừa phát lại theo lời yêu cầu của người đương sự thi hành bản án này, các ông Chưởng lý và Biện lý kiểm soát việc thi hành, các vị chỉ huy Binh lực giúp đỡ mỗi khi đương sự chiếu luật yêu cầu”.    

Điều thứ 3:

Trong các xã, thị xã hoặc khu phố, Chủ tịch, Phó Chủ tịch và thư ký đều chịu trách nhiệm thi hành những lệnh, mệnh lệnh hoặc án của các Tòa án. Ban ấy sẽ tùy từng việc, chỉ định một nhân viên để giao cho việc thi hành lệnh, mệnh lệnh hoặc án. Ở những nơi đã có Thừa phát lại riêng, thì người đương sự có quyền nhờ Thừa phát lại riêng thi hành án hoặc mệnh lệnh”.

Từ khi thực hiện Nghị định 61/2009/NĐ-CP thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh. Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập, cấp phép hoạt động cho 10 văn phòng Thừa phát lại với 38 Thừa phát lại, các thư ký Thừa phát lại và các nhân viên khác đang làm việc tại các Văn phòng Thừa phát lại, đó là:

1/ Văn phòng Thừa phát lại Quận 1, trụ sở: 117 Hàm Nghi, Phường Nguyễn Thái Bình, quận 1.

2/ Văn phòng Thừa phát lại Quận 5, trụ sở: 805 Trần Hưng Đạo, phường 1, quận 5

3/ Văn phòng Thừa phát lại Quận 8, trụ sở: 789A Tạ Quang Bửu, phường 5, quận 8

4/ Văn phòng Thừa phát lại Quận 10, trụ sở: 137 đường 3 Tháng 2, phường 11, quận 10

5/ Văn phòng Thừa phát lại Quận Gò Vấp, trụ sở: 22A Nguyễn Thái Sơn, phường 3, quận Gò Vấp

6/ Văn phòng Thừa phát lại Quận Bình Thạnh, trụ sở: 19R Nguyễn Hữu Cảnh, phường 19, quận Bình Thạnh

7/ Văn phòng Thừa phát lại Quận Tân Bình, trụ sở: 672 Trường Chinh, phường 15, quận Tân Bình

8/ Văn phòng Thừa phát lại Quận Bình Tân, trụ sở: 179 Tên Lửa, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân.

9/ Văn phòng Thừa phát lại Quận Thủ Đức, trụ sở: 41 Nguyễn Văn Bá, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức.

10/ Văn phòng Thừa phát lại Huyện Hóc Môn, trụ sở: 1/9 ấp Đình, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn.

Hiện nay Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh còn tiếp tục nhận hồ sơ thành lập văn phòng Thừa phát lại tại các quận, huyện đối với những cá nhân có nhu cầu.

Sau khi mở rộng thí điểm theo Nghị định 135/2013/NĐ-CP, Bộ Tư pháp đã cấp chứng chỉ hành nghề Thừa phát lại cho 273 trường hợp, bổ nhiệm 135 Thừa phát lại ở 12 địa phương mở rộng thí điểm. Hiện có nhiều tỉnh thực hiện thí điểm đã thành lập văn phòng Thừa phát lại như Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Vĩnh Long, Bình Dương, Bình Định…

Như vậy, chế định Thừa phát lại đã có từ lâu nhưng do có quá ít thông tin nên khi Chính phủ ban hành Nghị định 61 và Nghị định 135 nói trên, còn nhiều người chưa hiểu hết chế định Thừa phát lại, thậm chí có nhiều người còn không hiểu lại suy diễn, chắc những người này chuyên đi phát lại những gì mà “bị thừa”.

Hiểu để thi hành tốt Nghị định 61, Nghị định 135 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để góp phần thực hiện tốt công tác xã hội hóa về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại trên cả nước sau này, đó là quyền và nghĩa vụ của công dân.


Số lượt người xem: 4313    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA