SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
2
9
2
6
6
9
Tin tức sự kiện 05 Tháng Tám 2014 8:25:00 SA

Phổ biến Hiến pháp, Luật Đất đai

Thực hiện kế hoạch phối hợp giữa Phòng Giáo dục và Đào tạo với Phòng Tư pháp quận về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục quận 11; Vừa qua, Phòng Tư pháp đã tổ chức giới thiệu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Đất đai cho cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục quận 11.

Đến tham dự có gần 500 cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục quận tại Hội trường Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị quận. Phòng Tư pháp đã cung cấp cho từng cán bộ, công chức, viên chức tham dự hai loại tài liệu do Phòng Tư pháp biên soạn theo hình thức hỏi đáp. Đó là Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Luật Đất đai.

Ngày 28/11/2013, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thay thế cho Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) với tuyệt đại đa số đại biểu Quốc Hội biểu quyết tán thành. Hiến pháp có hiệu lực từ ngày 01/01/2014.

So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 giữ nguyên 7 điều, bổ sung 12 điều mới và sửa đổi 101 điều. Hiến pháp năm 2013 được đánh giá là bản Hiến pháp của thời kỳ hội nhập, thời kỳ đổi mới, đánh dấu một bước tiến mới trong lịch sử lập hiến của nước ta. Thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Với bố cục 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992) Hiến pháp có bố cục gọn và kỹ thuật lập hiến chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu là đạo luật cơ bản, có tính ổn định lâu dài.

Luật Đất đai năm 2013 có 14 chương với 212 điều, tăng 7 chương và 66 điều so với Luật Đất đai năm 2003. Đây là dự án Luật được chuẩn bị công phu, nghiêm túc trên cơ sở tổng kết đánh giá thực tiễn quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2003, nghiên cứu những kinh nghiệm quốc tế phù hợp; đồng thời đã thể chế hóa đầy đủ quan điểm, định hướng đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI); thể hiện ý chí, nguyện vọng của đa số tầng lớp nhân dân.

Luật có những nội dung đổi mới quan trọng như quy định một cách cụ thể hơn quyền và trách nhiệm Nhà nước, những bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất; các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất phù hợp với từng đối tượng, từng hình thức sử dụng đất, điều kiện để thực hiện các quyền của người sử dụng đất; tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai đối với khu vực nông nghiệp nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn theo hướng nâng thời hạn giao đất nông nghiệp trong hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân lên 50 năm thống nhất cho các loại đất nông nghiệp; mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân; khuyến khích nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất để tập trung đất đai; quy định chặt chẽ chế độ quản lý, sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng nhằm đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực quốc gia và bảo vệ môi trường v.v…

Tăng cường hơn việc vận hành các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường, tiến tới xóa bỏ bao cấp trong quản lý, sử dụng đất đai, khắc phục tình trạng “xin-cho” trong sử dụng đất thông qua các quy định thu hẹp các trường hợp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, chuyển cơ bản sang áp dụng hình thức thuê đất; thực hiện cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất khi giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất; thực hiện định giá đất theo nguyên tắc phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; quy định cụ thể về cơ quan xây dựng, cơ quan thẩm định giá đất và tư vấn xác định giá đất v.v…


Số lượt người xem: 3529    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA