SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
3
6
9
0
1
6
Tin tức sự kiện 31 Tháng Ba 2014 4:20:00 CH

Có những bông hoa ở hội Cựu Thanh niên xung phong quận 11

Gấp lại quyển nhật ký đã úa vàng theo thời gian, những giọt nước mắt cứ từ từ chảy, những gì trong quyển sổ ấy đã “thay lời muốn nói” cho chúng tôi, những cô gái từng khoác trên người bộ đồng phục màu xanh cỏ úa, bao tâm tư hình như chị đã nói hết rồi. Đặc biệt, tờ giấy đầu tiên vẽ hình cô gái bằng viết chì đen (vẽ chị) và dưới ký tên Lê Tâm 22/12/77, tự dưng tôi bật khóc và khẽ gọi “Má ơi!”

“Thứ hai 13/11/78, mưa dai dẳng suốt cả ngày, nhớ hình bóng Ba Má và các em đã ở xa, khóc cho vơi đi những gì thương nhớ nhất. Ba Má ơi, con đi làm nghĩa vụ, xa Ba Má... không săn sóc Ba Má được, nhưng Ba Má ơi! Ba Má có nghe xa xa tiếng ì ầm của bom, đạn. Mỗi tiếng nổ con hình dung ra sự đau khổ của loài người, tại sao họ cứ chia rẻ con người với nhau hoài. Biên giới Tây Nam…”

Và dưới đây là những dòng lưu bút:

“Chị Hoa mến! Những ngày sống bên nhau sẽ ghi lại cho em với chị nhiều kỷ niệm nhất. Hổng cười nhé vì ở gần bộ đội em bị ảnh hưởng cũng nên. Em mong sao được như thế này mãi mãi. Nhưng phục vụ cách mạng chắc chắn không cho phép đâu. Nếu có xa nhau hãy gọi tên “Thuý Lê” để em A. Ách… gì Hoa. Dấu ái! hì hì hì. Bạn thân yêu (ký tên Thuý Lê).

Kim Hoa thương! Với những ngày sống bên nhau. Với gương mặt dễ mến! Và những gương mặt thân quen. Với những nụ cười tươi vui, giữ mãi chị nhé! Biên giới Tây Nam 26/12/78”.

Năm 1975, có một đội quân rất trẻ mang tên Thanh niên xung phong được thành lập để xây dựng lại đất nước sau khi hoà bình. Và năm 1976 chính thức ra quân, những tuyến kênh lửa, những vùng đất chết được khai hoang phục hoá, những trường, trại mở ra để giúp những người lầm lỡ trở thành người có ích cho gia đình, xã hội. Và có chuyện lạ là thời bình mà cũng có chiến tranh! Ấy là vào năm 1978, chiến trường biên giới Tây Nam bị xâm phạm, bọn pol pot tràn qua biên giới giết hại biết bao người dân vô tội. Tây Ninh, Ba Chúc, An Giang đẫm máu người dân Việt. Để bảo vệ chủ quyền, bộ đội cùng lực lượng Thanh niên xung phong đã phản công đẩy lùi bọn ác ôn khát máu đem thanh bình cho xứ sở Chùa Tháp. Và chị Trương Thị Kim Hoa đã ở trong đội ngũ “những người đi giữ nước”. Chị thuộc Liên đội 305, với nhiệm vụ tải thương, làm đường cho bộ đội. Chị kể có những anh thương binh lúc cáng đi về phẩu thuật còn xin nước uống, còn tỉnh như sáo, một lúc sau thì liệm dần rồi im hẳn. Hỏi chị sợ không?  Câu trả lời là: “Ban đầu sợ, riết rồi không sợ nữa”, có những giọt nước mắt bất lực vì nhìn sự sống của các anh cạn dần. Biết sao được! Chiến tranh mà. Có những giọt nước mắt phải chảy ngược vào lòng bởi nhiệm vụ không thể lo cho hai đấng sinh thành cùng các em thơ. Biết sao được! nghĩa vụ với đất nước mà.

Trở về cuộc sống đời thường, chị chuyển ngành tiếp tục con đường học vấn dở dang, phấn đấu tốt nghiệp chương trình cấp ba, rồi như bao phụ nữ khác, chị lập gia đình, sinh con, lo toan cơm áo gạo tiền, chuyện một thời sôi nổi lên rừng xuống biển dần chìm vào quên lãng. Nhưng tận thâm tâm chị, trong một góc nhỏ ở trái tim, ký ức một thời luôn thức dậy mỗi khi chị dần giở từng trang Nhật ký, cho về với một thời máu lửa.

Bất ngờ khi được biết quận nhà có thành lập Hội cựu Thanh niên xung phong, chị như công chúa ngủ trong rừng bị đánh thức. Chị tham gia nhiệt tình máu lửa như thuở xa xưa. Chị hiện là Phó Ban Thi đua – Khen thưởng, Ủy viên Ban Công tác nữ. Chuyện nhà, chuyện Hội cuốn lấy chị, chị nói cực nhưng vui. Mà hình như dạo này ai gặp chị cũng nói chị trẻ ra. Tối chị cùng mọi người tập dưỡng sinh, dự thi và được nhiều Giấy khen… Chồng chị, con trai chị đều ủng hộ việc chị tham gia công tác Hội. Cám ơn hai người đàn ông của chị thật nhiều!

 Người phụ nữ mảnh mai ấy đã để lại trong tôi niềm cảm mến sâu sắc. Vậy nên những gì tôi trích ra từ quyển Nhật ký ấy xin hãy để nguyên vẹn câu, từ. Tôi nhìn và viết ra một cách cẩn trọng; bởi đó là chứng nhân, là ký ức một thời, đó là “lịch sử”. Cám ơn chị đã giữ gìn suốt 37 năm, thời gian đủ một con người trưởng thành. Trân trọng! (chữ nghiên là trích trong Nhật ký - đã được  chị cho phép).

Chị tên Lê Ánh Nguyệt, xưa là quản lý, thuộc Liên đội Trung Thành, giống như chị Hoa, chị tham gia phục vụ biên giới Tây Nam ở Đơn vị 308. Ở phẫu tiền phương, chị cũng từng chứng kiến những sự ra đi của các thương binh, cũng có những giọt nước mắt, cũng có những băn khoăn, có những nỗi lo con gái, đêm xuống sợ… ma! Nhớ Ba, nhớ Má. Có chồng chung đơn vị, không may anh đi xa mãi bỏ chị cùng hai đứa con gái còn thơ bé! Tưởng chị ngã quỵ, nhưng không! Cái chất Thanh niên xung phong đâu thể làm chị buông xuôi, nhìn chị mấy ai biết nghị lực phi thường: vừa phấn đấu đi học xong khoá sư phạm, cô nuôi dạy trẻ và lo hai con, vừa ở nhà thuê. Có nhiều người muốn “chen vai gánh thêm nhọc nhằn” nhưng chị không muốn con mình phải tủi nên nén nỗi cô đơn độc hành trên con đường chỉ có ba mẹ con.

Chị nay đã lên chức Bà, bận rộn với cháu ngoại, thế nhưng có Hội cựu Thanh niên xung phong chị vẫn như xưa, tham gia hăng hái máu lửa. Chị hiện là Phó Chánh Văn phòng kiêm Phó Ban công tác nữ, Ban Khen thưởng - Thi đua. Những hồ sơ trợ cấp khó khăn, sửa chữa nhà chống dột, đồng đội đau yếu bệnh hoạn… chị đều “trên từng cây số”. Những đóng góp nhỏ xíu của chị, những buổi phát cháo từ thiện cùng với đồng đội Nguyễn Thị Lý đã để lại ấn tượng tốt cho tôi với hình ảnh “trẻ xung phong già gương mẫu”.

 Năm 1978, có một Trung đội Thanh niên xung phong Liên đội 303 bị pol pot tấn công, 26 người chết không toàn mạng, không! 24 người thôi, 2 người còn sống sót, một nữ, một nam (ngày 22/07/1978 tại Kokixom - Campuchia; Thanh niên xung phong đang làm nghĩa vụ quốc tế, phối hợp với bộ đội đẩy lùi bọn pol pot, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng) người nữ tên Nguyễn thị Lý, chị thoát chết nhờ xác đồng đội đè lên, và tàn ác hơn sau khi hành hạ các chị xong chúng còn nhét trái nổ vào chổ kín). Ký ức kinh hoàng ấy cứ đeo đẳng chị suốt, lỡ có ai nhắc đến là chị xỉu; thương lắm! Hiện nay, vào ngày Chủ nhật chị và hai đứa con gái cùng một số đồng đội nấu cháo dinh dưỡng cho bệnh viện Chợ Rẫy (bốn nồi cháo to cỡ 500 suất) chị nói “24 anh chị ấy chết để cho chị sống, nên bây giờ chị phải đền đáp lại cho trọn vẹn nghĩa tình” ngày Thành hội, Quận hội cùng chính quyền địa phương sửa chữa nhà cho chị, thợ đang thi công chị nói làm ai cũng nhói lòng: “Mấy anh đừng làm bể viên gạch nào dùm nghe! bởi vì đó là máu là xương của đồng đội tui, là tình thương của tất cả…” nghe mà ứa nước mắt!

Chị thương binh Nguyễn Thị Lý, chị Trương Thị Kim Hoa, chị Lê Ánh Nguyệt, chị… còn nhiều lắm những người con gái xưa xông pha khói lửa, nay về cuộc sống đời thường vẫn vẹn nguyên một thời sôi nổi thuở mười tám đôi mươi. Với tôi, xin được tặng tất cả các chị từng khoác áo Xung phong, nhất là đã từng là những bông hoa trên tuyến lửa của mặt trận Campuchia năm ấy cả… rừng hoa.


Số lượt người xem: 4219    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA