Chúng tôi gặp bác Đào Phước vào một buổi chiều nắng ráo đẹp trời tại căn nhà 522 đường Hòa Hảo, phường 7, quận 11. Bác Phước năm nay 78 tuổi, gốc người Hoa, là một lương y với 30 năm tuổi nghề và là thành viên Ban đại diện Hội Người cao tuổi quận 11 – thành phố Hồ Chí Minh từ những ngày đầu mới thành lập Hội.
Gia đình không mấy khá giả, nhưng bác Phước đã tích cực tham gia vào các phong trào Hội trong nhiều năm qua, đặc biệt là đóng góp không ít thời gian và công sức cho các hoạt động từ thiện xã hội.
Mỗi năm, bác Phước cùng với đoàn công tác của Hội Chữ thập đỏ quận 11 tổ chức từ 1 đến 2 chuyến đi thăm, khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho bà con lao động nghèo vùng sâu, vùng xa… ở các địa phương như: huyện Cai Lậy – thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang); huyện Đức Hòa (tỉnh Long An). Trong các chuyến đi từ thiện này, bác Phước vừa bỏ công sức, vừa hỗ trợ tiền mặt và các loại thuốc chữa bệnh, giúp đoàn công tác hoàn thành nhiệm vụ. Tại địa phương mình, như đã nói, là một lương y giỏi, bác đã hỗ trợ nhiệt tình trong công tác khám chữa bệnh cho dân nghèo tại trụ sở Hội Đông y quận 11 từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, giúp chữa lành bệnh cho hàng ngàn lượt bệnh nhân. Bác tham gia công tác thì nhiều, nhưng không nhận một khoản tiền thù lao hay bồi dưỡng nào của Hội Đông y.
Ngoài ra, bác Đào Phước “gánh” thêm trách nhiệm là Ủy viên Hội Bảo trợ của trường Hoa văn Âu Cơ (160 Trấn Quý) trong suốt 9 nhiệm kỳ và với trách nhiệm này, bác cũng đã tích cực đóng góp kinh phí vào quỹ hoạt động của Hội Bảo trợ, ít thì 400.000 đến 500.000 đồng, nhiều thì cũng từ 3 triệu đến 4 triệu đồng mỗi năm, chủ yếu là mua cặp, sách vở, tập viết… giúp các em học sinh nghèo của trường được ăn học tới nơi, tới chốn.
Để có thể tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cho các hội viên Người cao tuổi; năm 1983, bác Phước đứng ra thành lập Câu lạc bộ dưỡng sinh cấp quận, đồng thời vận động hơn 40 hội viên cùng tham gia tập luyện các bài tập quen thuộc như Thái cực quyền, khí công, các bài múa kiếm, múa gậy, múa quạt… theo lời bác Hồ dạy: Tập thể dục, rèn luyện thân thể để sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình, cho xã hội và kéo dài tuổi thọ ở người cao tuổi. Câu lạc bộ dưỡng sinh của bác, ngoài việc bảo vệ sức khỏe cho bản thân từng hội viên, mỗi năm còn tham gia đi biểu diễn từ một đến ba lần ở quận và thành phố, mang lại nhiều kết quả khả quan.
Hiện nay, do tuổi cao, sức khỏe không cho phép đi lại nhiều, nên bác Đào Phước cũng ít thường xuyên tham gia các chuyến đi từ thiện ở các vùng sâu, vùng xa như thời gian trước đây, cũng như ít tham gia công tác khám chữa bệnh tại Hội Đông y và Ban Bảo trợ trường Hoa văn Âu Cơ. Dù vậy, bác vẫn sẵn sàng đóng góp công sức hoặc tài chính theo yêu cầu của các tổ chức đoàn thể trong phường và trong quận. Căn nhà 522 Hòa Hảo của bác cũng là điểm bán lẻ hàng tạp phẩm cho người tiêu dùng. Nguồn thu nhập kinh tế trong gia đình bác đều dựa vào điểm bán lẻ này.
Hơn 27 năm tham gia công tác Hội Người cao tuổi, bác Đào Phước đã góp phần không nhỏ trong việc chăm lo sức khỏe, đời sống cho những hoàn cảnh bất hạnh, những người kém may mắn, những em học sinh nghèo… trong và ngoài địa phương. Đồng thời bác cũng góp phần cùng Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể… hoàn thành các mục tiêu chính trị, kinh tế, xã hội tại địa phương.