SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
3
3
8
3
1
9
Tin tức sự kiện 07 Tháng Bảy 2013 8:15:00 SA

Biểu hiện phẩm chất cần cù, thông minh và sáng tạo trong sản xuất thủ công nghiệp, thương nghiệp nhỏ và kinh doanh

Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”

Bên cạnh việc đồng áng, người nông dân Việt Nam còn tranh thủ lúc nông nhàn sản xuất thủ công nghiệp để phục vụ cuộc sống “tự cung, tự cấp”. Sản xuất thủ công nghiệp phục vụ đời sống hàng ngày và dần dần ra đời những hộ, những làng chuyên sản xuất thủ công: dệt vải, đan lát, chế biến thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, v.v… Trong lĩnh vực này, người phụ nữ có vai trò rất to lớn, không chỉ ngang bằng mà nhiều khi vượt trội so với người đàn ông về sự cần cù, chịu khó và khéo léo (đặc biệt ở lĩnh vực như dệt vải, làm giấy, sành sứ,…) Một nhà sử học phương Tây đến nước ta giữa thế kỷ XVIII đã nhận xét rất đúng: “Những người phụ nữ thường khéo tay hơn nam giới trong việc tăng thêm tài sản của gia đình. Người phụ nữ do người mẹ dạy dỗ nên đã làm quen công việc từ lúc bé. Họ rất khéo trong việc dệt bông và lụa. Họ nhuộm những thứ này thành các màu khác nhau. Họ cũng rất khéo trong việc làm bánh trái và mứt kẹo. Nói tóm lại, người phụ nữ không để mất một nguồn lợi nào, bất kể nguồn lợi đó từ đâu đến… Người phụ nữ lười biếng và ngu đần thường bị chê cười...”

Ngày nay, trong các làng nghề thủ công của dân tộc Việt Nam, chúng ta vẫn thấy những người phụ nữ Việt, Thái, Chăm, Khơme,... cần cù, tỷ mỉ, miệt mài bên những khung cửi dệt lụa, dệt thổ cẩm, đan nón, làm đồ gốm bằng tay, làm thuốc nam, chế biến bánh kẹo,... ở nước ta hiện nay còn tồn tại hơn hai nghìn làng nghề với hàng vạn thợ thủ công, trong đó phụ nữ chiếm phần lớn. Phát triển, nhân rộng các làng nghề thủ công ở nông thôn là một hướng đi trên con đường công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông thôn, nông nghiệp nhằm phát huy truyền thống cần cù, sáng tạo của nhân dân ta nói chung và của người phụ nữ nói riêng.

Song song với việc sản xuất nông nghiệp, sản xuất thủ công nghiệp là nền thương nghiệp nhỏ để trao đổi những sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm thủ công nghiệp phục vụ cuộc sống xã hội. Trong hoạt động thương nghiệp nhỏ tại các chợ quê, người phụ nữ giữ vai trò chính yếu. Họ tần tảo sớm hôm không chỉ sản xuất ra các sản phẩm hàng hoá mà còn thực hiện việc trao đổi mua bán. “Con gái ở trại Hàng Hoa, ăn cơm nửa bữa, ngủ nhà nửa đêm.” (Ca dao) Người thì “mua đầu chợ, bán cuối chợ”, người thì phải “buôn bè, bán thuyền”, người thì quang gánh trên vai bán rong khắp chốn cùng quê. Nhà nghiên cứu Từ Chi cho rằng: “Cuối cùng là tiểu thương nghiệp. Một điều đập ngay vào mắt ta: trong đại đa số các trường hợp, nền trao đổi này nằm trong tay phụ nữ. Trên các chợ nông thôn, vào các ngày phiên, điều mắt thấy rõ nhất là phụ nữ chiếm đa số... đàn ông chỉ là thiểu số. Tiểu thương nghiệp chủ yếu nằm trong tay của phụ nữ”

 


Số lượt người xem: 5185    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA